Hấp dẫn các môn Lý luận chính trị với phương pháp tích hợp, liên môn

GD&TĐ - Bằng thực tiễn giảng dạy tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM, giảng viên Đặng Hoàng Vũ chia sẻ phương pháp giảng dạy mới đối với các môn học lý luận chính trị, đó là phương pháp tích hợp, liên môn.

Hấp dẫn các môn Lý luận chính trị với phương pháp tích hợp, liên môn

Làm sinh động các khái niệm, phạm trù với dạy học tích hợp

Theo giảng viên Đặng Hoàng Vũ, giải pháp cho dạy học tích hợp được thiết kế gắn với nội dung giảng dạy, tùy thuộc vào từng chuyên ngành đào tạo và từng môn học lý luận chính trị cụ thể mà các giảng viên xem xét tích hợp các nội dung có liên quan để gắn kết và tạo chiều sâu cho các môn chuyên ngành.

Cụ thể: Đối với môn “Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lê nin, học phần 1”: Giảng viên có thể tích hợp, lồng ghép giải thích quan điểm về “vật chất và ý thức” đối với công tác quy hoạch và sử dụng đất đai (là một môn học của chuyên ngành quản lý đất đai), sự trở lại của xu hướng nghiên cứu phong thủy trong quy hoạch và xây dựng bất động sản qua những năm gần đây;

"Bên cạnh việc tích hợp nội dung của các môn học chuyên ngành vào giảng dạy các môn lý luận chính trị, tuỳ vào các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, đặc biệt là gắn liền với tình hình thời sự chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, mỗi giảng viên sẽ tích hợp thêm các nội dung phù hợp khác vào bài giảng của mình để tăng tính sinh động và tính ứng dụng của bài giảng" - Giảng viên Đặng Hoàng Vũ.
Nội dung của “nguyên lý về mối liên hệ phổ biến” đối với bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và xây dựng mục tiêu phát triển bền vững (là nội dung trọng tâm của chuyên ngành quản lý môi trường);

“Quy luật phủ định của phủ định” trong việc giải thích và dự báo nguồn năng lượng và tài nguyên khoáng sản trong tương lai (là nội dung trọng tâm của chuyên ngành địa chất, khoáng sản);

“Quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập” trong mục tiêu cân bằng sinh thái;

Vai trò của các cặp phạm trù như “cái chung, cái riêng”, “tất nhiên, ngẫu nhiên” trong nghiên cứu khoa học, tìm tòi ra các giống loài mới (biến đổi gen, đa dạng sinh học);

Đồng thời, giảng viên cũng có thể vận dụng các nội dung của chủ nghĩa duy vật lịch sử (lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất; cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng; hình thái kinh tế xã hội, vấn đề con người,…) để giải thích và dự báo về quá trình phát triển chung của đất nước ta hiện nay (về nhiều góc độ như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tình hình tội phạm, trật tự an toàn giao thông, …) gắn với xu hướng của hội nhập quốc tế, ….

Đối với môn “Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lê nin, học phần 2”: Giảng viên có thể tích hợp, lồng ghép những nội dung cơ bản như “lạm phát”, “giảm phát”, “khủng hoảng kinh tế”, … để giải thích, đánh giá và dự báo xu hướng của nền kinh tế nước ta nói chung, lĩnh vực kinh tế bất động sản nói riêng (là nội dung nghiên cứu trọng tâm của chuyên ngành kinh tế tài nguyên, môi trường);

Sự ảnh hưởng của “thị trường chứng khoán” đối với nền kinh tế chung; những tác động tích cực và tiêu cực của biến động kinh tế thế giới từ những sự kiện gần đây (Ucraina, trung đông, tình hình Biển Đông, …) đối với kinh tế trong nước (giá xăng dầu, chỉ số giá tiêu dùng, GDP, …); các quan hệ “cung, cầu” để giải thích và tìm nguồn ra cho kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp.

Đối với môn “Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam”: Giảng viên có thể tích hợp, lồng ghép các nội dung từ văn kiện, nghị quyết của Đảng với thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, cũng như những kết quả đạt được từ công tác chỉ đạo đúng đắn của Đảng.

Ví dụ, chủ trương của Đảng về “tam nông”6 (liên quan đến ngành kinh tế tài nguyên, môi trường); về xây dựng đội ngũ trí thức tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển của đất nước7; chủ trương của Đảng về chính sách và pháp luật đất đai (liên quan đến ngành quản lý đất đai); về biến đổi khí hậu (liên quan đến ngành môi trường, khí tượng, thủy văn) hoặc chủ trương về đẩy mạnh khoa học, công nghệ, …

Đối với môn “Tư tưởng Hồ Chí Minh”: Giảng viên có thể tích hợp, lồng ghép các nội dung tư tưởng của Bác để giáo dục các đức tính của công dân, nâng cao hiệu quả hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học hoặc ứng dụng trong công việc.

Ví dụ, mở rộng nội hàm của môn Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc kiểm soát nợ công, giám sát có hiệu quả hoạt động đầu tư công; tư tưởng của Bác về dân tộc gắn liền với tuyên truyền chủ quyền, biển đảo tổ quốc; tư tưởng của Bác về chống chủ nghĩa cá nhân gắn liền với giáo dục tinh thần cộng đồng (chống thói ích kỷ, vô cảm trong giới trẻ), phê phán các hiện tượng tiêu cực và căn bệnh thành tích hiện nay; …

Giải pháp dạy học liên môn

Vấn đề này, theo giảng viên Đặng Hoàng Vũ, được thiết kế gắn với phương pháp giảng dạy, đây cũng chính là nội dung gây khó khăn không nhỏ cho các giảng viên.

"Nếu không triển khai giải pháp liên môn thì không mở rộng được nội dung tích hợp, nghèo nàn chất lượng bài giảng và thiếu tính ứng dụng cho sinh viên chuyên ngành (được hiểu là sinh viên chuyên ngành không thuộc nhóm xã hội và nhân văn), từ đó, sinh viên sẽ có tâm lý xem thường giá trị của các môn học lý luận chính trị" - Giảng viên Đặng Hoàng Vũ.
Bởi lẽ, chính bản thân các giảng viên giảng dạy cũng khó mà nắm hết được tất cả các nội dung của các chuyên ngành học (vốn dĩ là nội dung của các môn chuyên ngành), mà muốn liên môn thì phải hiểu nội dung của môn học cần liên môn.

Hầu hết giảng viên các môn lý luận chính trị chuyên về khoa học xã hội và khoa học nhân văn, trong khi nội dung của các môn chuyên ngành dùng để liên môn thường chuyên về khoa học kỹ thuật và khoa học tự nhiên, nên đó là rào cản rất lớn cho giải pháp liên môn;

Các giảng viên lý luận chính trị muốn hiểu cơ bản các khái niệm chuyên ngành nhằm để liên môn cũng không phải là chuyện dễ dàng (biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, …)

Để hạn chế những khó khăn đó, các giảng viên lý luận chính trị của trường đã sử dụng phương pháp giảng dạy theo hướng tương tác với sinh viên. 

Thông qua việc giảng viên gợi ý các đề tài nghiên cứu (trên cơ sở có sự kết hợp giữa các môn lý luận chính trị và các môn chuyên ngành), sinh viên phải làm việc nhóm để tìm hiểu. Kết quả của quá trình nghiên cứu được sinh viên trình bày gắn với thời lượng giảng dạy trên lớp học.

Căn cứ trên nội dung trình bày của sinh viên, giảng viên sẽ có được nhận định những nội dung nào đã được các môn chuyên ngành giảng dạy rồi thì sẽ không giảng lại; những nội dung nào thuộc chuyên ngành mà sinh viên chưa học thì giảng viên sẽ lưu ý, nhấn mạnh tầm quan trọng để sinh viên tìm hiểu sâu thêm và được giảng viên chuyên ngành giải quyết trong môn học chuyên ngành.

Hầu hết các môn lý luận chính trị đều được bố trí học trước các môn học chuyên ngành, nên phần lớn các khái niệm chuyên ngành sinh viên chưa thể nắm được.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của các môn lý luận chính trị là làm nổi bật vai trò của lý luận đối với hoạt động thực tiễn của các môn chuyên ngành chứ không làm thay các môn chuyên ngành (vốn dĩ có đối tượng nghiên cứu riêng).

Thông qua các môn lý luận chính trị, sinh viên sẽ có cái nhìn biện chứng và ý nghĩa hơn đối với chuyên ngành mình đang theo học; đồng thời sinh viên sẽ tìm thấy được giá trị của các môn lý luận chính trị trong việc giải quyết các vấn đề thuộc chuyên ngành, có sự hỗ trợ sâu sắc của các môn lý luận chính trị với các môn chuyên ngành trong chương trình đào tạo của nhà trường.

“Như vậy, liên môn chủ yếu được sử dụng thông qua hình thức tương tác với sinh viên, công việc nghiên cứu chính là của sinh viên chứ không phải của giảng viên.

Thông qua phương pháp liên môn tương tác sẽ phát sinh rất nhiều nội dung để tích hợp trong chương trình giảng dạy các môn lý luận chính trị.

Các môn học lý luận chính trị giờ đây đối với sinh viên là môn học giữ vai trò định hướng cho khoa học chuyên ngành chứ không còn là môn học khuôn mẫu, khô cứng nữa, từ đó sinh viên sẽ yêu thích các môn học này hơn” – Giảng viên Đặng Hoàng Vũ nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ