Giúp giảng viên lý luận chính trị vượt qua thách thức môn học

GD&TĐ - Giảng viên Nguyễn Ngọc Diệp - Khoa Lý luận Chính trị (Trường ĐH Lao động - Xã hội cơ sở II) đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị - những môn học được coi là khó làm cho hấp dẫn trong trường ĐH.

Giúp giảng viên lý luận chính trị vượt qua thách thức môn học

Lồng sự kiện thực tiễn vào nội dung giảng dạy

Theo giảng viên Nguyễn Ngọc Diệp, điều này làm bài giảng sinh động gắn với thực tiễn đang diễn ra.

Trên cơ sở phân tích bản chất của sự việc thông qua cơ sở khoa học, lý luận biện chứng của giảng viên, người học sẽ hiểu rõ sự việc, nhận thức được nguồn gốc cũng như thấy được tính quy luật hay hướng phát triển….

Qua đó, trước thực tiễn diễn ra, người học sẽ vững vàng trong nhận thức và phân tích chính xác tìm ra được vấn đề quan tâm…

Để thực hiện được mục tiêu trên, giảng viên cần lựa chọn một số phương pháp giảng dạy tích cực như phương pháp đóng vai, phương pháp học trên vấn đề.

Thực tiễn cũng đã minh chứng cho việc giảng dạy cần sát với tình hình thực tiễn trong xã hội. Các vấn đề nảy sinh trong thực tế xã hội như các phát triển của khoa học kỹ thuật của các nước tư bản, như năng suất lao động ở các nước đang và đã phát triển, sự tan ra của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa,… tất cả dường như mâu thuẫn với lý luận chính trị hiện đang giảng dạy trong các trường đại học.

Với môn học liên quan tới lý luận chính trị, việc đưa các vấn đề trên thực sự là một thách thức cho các giảng viên trong phân tích nhưng cũng thực sự đem lại cho sinh viên những hiểu biết đúng và sinh động của các môn học khi được nghe, học và kiểm nghiệm.

Để sinh viên hiểu và có nhận thức đúng đắn các vấn đề lý luận chính trị, giảng viên bên cạnh những kỹ năng trong truyền đạt cần được nâng cao khả năng lý luận khoa học, biện chứng.

Giảng viên phải nâng cao khả năng lý luận, phân tích khoa học

Giảng viên Nguyễn Ngọc Diệp cho rằng, đây có lẽ là điều kiện đủ để mọi phương pháp giảng dạy đi đến thành công. Ngay cả đối với đối tượng học - sinh viên, đây là kiến thức quan trọng nhất phải học được trên ghế nhà trường.

Đối với giảng viên, khả năng phân tích khoa học và việc nắm bắt các chính sách, đường lối của Đảng và nhà nước luôn được cập nhật sẽ giúp bản thân hiểu được bản chất của sự việc, tiến trình phát triển của nó trong không gian và thời gian, qua đó giảng viên sẽ truyền đạt một cách đúng trình tự, lôgíc nhất những gì mình hiểu.

Với cách truyền đạt này, cho dù là phương pháp truyền thống – thuyết giảng hay phương pháp giảng dạy tích cực mục tiêu giảng dạy đặt ra đều sẽ đạt.

Ví dụ, khi giảng đến vấn đề liên quan tới nền kinh tế thị trường, ta có thể liệt kê ra rất nhiều các nền kinh tế thị trường đã có thế giới sau đó cùng phân tích những ưu nhược điểm… về lý thuyết sẽ dẫn tới người nghe nhàm và không nhận ra vấn đề.

Nhưng với ví dụ về sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới ở nước ta hiện nay trên thực tế, các bước đi của sự việc theo thời gian xử lý và không gian tác động tới, cùng với tiến trình hội nhập thị trường thế giới sẽ làm cho sinh viên dễ nhập tâm và hứng thú với bài học hơn.

Đối với sinh viên, việc đặt vấn đề, phân tích và đưa ra các dẫn chứng thực tế kết hợp phân tích biện chứng nhằm làm sáng tỏ vấn đề, soi rọi nội dung nhiều lý thuyết đã và đang học, khả năng tổng hợp rút ra các yếu tố chính yếu để đưa đến kết luận cuối cùng của giảng viên sẽ là những kỹ năng cần thiết được học và hành trang của sinh viên khi rời ghế nhà trường.

Kiến thức khoa học, các chính sách, đường lối của Đảng và nhà nước luôn được cập nhật theo năm tháng, nhưng phương pháp lý luận và phân tích học hỏi trong nhà trường sẽ mãi là công cụ cho sinh viên trong nghiên cứu khoa học hay một hoạt động nghề nghiệp trong tương lai.

Nói chung, việc nâng cao lý luận, phân tích khoa học của giảng viên lý luận chính trị thường được hiểu như việc nâng cao nhận thức cách mạng.

Tuy nhiên, bản chất chính là nâng cao khả năng biện chứng khoa học và cách mạng. Bên cạnh những chủ chương, chính sách và đường lối của Đảng định hướng nhận thức chính trị, người giảng viên cần nâng cao kiến thức một số môn lý luận chính trị như triết học, lịch sử, kinh tế chính trị,… làm nên tảng cho lập luận, phân tích các vấn đề nảy sinh trong thực tế được lồng trong bài giảng.

Ngoài ra, giảng viên cần có tư duy sáng tạo trong từng bài giảng, nội dung thảo luận trên lớp tạo không khí thảo luận tích cực nhất có thể.

Vận dụng sáng tạo các tình huống

Giảng viên Nguyễn Ngọc Diệp khẳng định: Đây chính là một chất xúc tác quện hai kỹ năng trên làm một và nâng cao chất lượng dạy và học của cả hai đối tượng giảng viên và sinh viên.

Nhiều người nghĩ rằng đó chính là “khiếu” giảng dạy/truyền đạt hay khả năng hoà đồng của người giảng viên tạo ra không khí thoải mái nhưng nghiêm túc cho sinh viên trong việc tiếp nhận và hiểu thông tin.

Điều này đúng nhưng chưa thực sự chính xác. Với việc vận dụng các phương pháp giảng dạy khác nhau trong giảng dạy tích cực, giảng viên cũng có thể tạo cho sinh viên tự tin trong thảo luận nhóm, đưa ra quan điểm riêng khi đóng vai giải quyết các vấn đề được đề xuất.

Giảng viên làm vai trò định hướng, thúc đẩy thảo luận, hay trọng tài nhằm đưa các cuộc thảo luận đi đứng hướng dự kiến và giải quyết được vấn đề trên cơ sở đồng thuận của sinh viên, nhóm sinh viên.

“Tóm lại, với việc đưa nội dung bài giảng bám sát thực tiễn, qua thực tiễn với khả năng phân tích, lý luận soi rọi bản chất thực của thực tiễn kết hợp khả năng tập hợp sinh viên, huy động khả năng của số đông sẽ giúp giảng viên tiến hành một bài giảng sinh động, chặt chẽ, khoa học, sáng tạo và bổ ích”- Giảng viên Diệp cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ