“Thổi lửa” môn học Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam

GD&TĐ - Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam là khoa học lý luận về sự lãnh đạo của Đảng, phạm vi môn học rất rộng và đi vào chiều sâu.

“Thổi lửa” môn học Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam

Nội dung các chương có sự khác nhau song đều tập trung thống nhất có ba phần chính, đó là: Bối cảnh lịch sử trong nước và quốc tế hay nói cách khác là cơ sở hoạch định đường lối cách mạng Việt Nam, gồm những thuận lợi và khó khăn cần giải quyết;

Nội dung của đường lối trong từng thời kỳ cách mạng: dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa và nhất là thời kỳ đổi mới đất nước; sau cùng là ý nghĩa lịch sử hay đánh giá tổng quát và bài học kinh nghiệm.

Với những nội dung như vậy, theo giảng viên Hồ Ngọc Vinh và giảng viên Võ Thị Hồng Hiếu (Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM) , đòi hỏi phải có cách nhìn toàn diện, xuyên suốt toàn bộ chặng đường đã qua, rút ra những bài học lớn, có ý nghĩa sâu sắc.

Đồng thời, dự báo và xây dựng đường lối cách mạng trong giai đoạn sắp tới. Đây là những tri thức có được từ nội dung đường lối cho nên khi kết luận phải hết sức thận trọng, tránh sự nhầm lẫn sang khoa học Lịch sử Đảng thì mới làm rõ tính độc lập, sáng tạo của đường lối.

Qua quá trình nghiên cứu và thực tiễn kinh nghiệm giảng dạy, hai giảng viên Hồ Ngọc Vinh và Võ Thị Hồng Hiếu đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy học môn học này.

Tuyệt đối tránh: Dạy cho có, học cho qua

Điều đầu tiên hai giảng viên đề cập là cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc giáo dục, học tập các môn lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo cụ thể các trường triển khai thực hiện việc giảng dạy các môn lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay nhằm phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng có nơi, có lúc xem nhẹ việc giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị nói chung và môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng.

Từ đó, dẫn đến quá trình tổ chức dạy và học môn học này theo kiểu “Dạy cho có, học cho qua”. Đây là những sai lầm về nhận thức dẫn đến những hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, cần nhanh khắc phục.

Vai trò “thổi lửa” từ giảng viên

Điều cần lưu ý tiếp theo là, thông qua việc dạy học môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đội ngũ thầy cô giáo cần phát huy vai trò “thổi lửa” giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng đúng đắn cho sinh viên, tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc và góp phần tạo dựng niềm tin cho thế hệ trẻ vào sự nghiệp đổi mới, vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Để thực hiện điều đó, cần lồng ghép, gắn kết những nội dung của chủ trương, đường lối với lòng yêu nước, ý thức quốc gia dân tộc, lòng tự hào về quê hương đất nướcvà sự kế thừa những truyền thống quý báu của dân tộc.

Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước để góp phần đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

Phương pháp, hình thức dạy học: Đa dạng, phù hợp

Về phương pháp giảng dạy, học tập, để môn học này trở nên gần gũi, dễ tiếp nhận và có ý nghĩa thiết thực đối với sinh viên thì phương pháp và hình thức dạy - học phải đa dạng và phù hợp, tạo sự hứng thú cho người học.

Thuyết giảng để chuyển tải nội dung cơ bản: Phương pháp này không thực hiện theo kiểu truyền thống, truyền đạt một chiều từ người dạy đến người học mà cần thực hiện theo phương pháp tương tác, nêu vấn đề một cách có hệ thống, có trọng tâm, để người học chủ động suy nghĩ, tự tìm ra cách tiếp cận nội dung phù hợp nhất.

Trong phương pháp này cần chú trọng liên hệ chặt chẽ những vấn đề lý luận với thực tiễn, vận dụng những chủ trương, đường lối của Đảng để giải quyết những vấn đề thực tiễn đời sống đất nước đang diễn ra hết sức sinh động.

Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa chuyển tải kiến thức cơ bản trong tổ chức giảng dạy với tổ chức thảo luận, xemina, sinh hoạt ngoại khóa, nhất là tham quan các di tích lịch sử, các cơ sở kinh tế - xã hội… để sinh viên không những nắm vững kiến thức, mà còn “tận mục sở thị” những vấn đề của thực tiễn đời sống.

Từ đó chủ động vận dụng kiến thức vào thực tiễn, giải quyết những vấn đề vướng mắc theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Ngoài ra, giảng viên cần phải chủ động cập nhật kiến thức, nhất là nắm bắt những nghị quyết mới của Đảng đề ra trong tình hình hiện nay của đất nước. Đồng thời, phải linh hoạt, sáng tạo, thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy để mang lại hiệu quả nhất.

Người học: Nỗ lực tự học

Giảng viên Hồ Ngọc Vinh và Võ Thị Hồng Hiếu đồng thời nhấn mạnh về phía người học, trước hết cần thấy được ý nghĩa của môn học đối với bản thân, từ đó hình thành thái độ học tập đúng đắn.

Trong quá trình học tập, sinh viên nên mạnh dạn trao đổi với giảng viên, chủ động nêu lên những vấn đề thắc mắc hoặc bản thân quan tâm, nhất là những vấn đề thực tiễn đời sống để hiểu rõ hơn quá trình lãnh đạo của Đảng đối với đất nước.

Bên cạnh việc học tập tại lớp, cần thiết phải có nỗ lực tự học, tự tiếp thu những tri thức hữu ích, từ việc quan sát thực tế, tham quan học tập hay từ nguồn thông tin qua phim ảnh, sách báo, tài liệu có chọn lọc nội dung phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ