Đây là một thách thức lớn với áp lực ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát, xã hội bước vào giai đoạn bình thường mới.
Trong tháng 4 vừa qua, có tới khoảng 80% doanh nghiệp cho rằng, khó có thể trụ vững được sau 12 tháng, nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát. Tuy nhiên, với những nỗ lực của Đảng, Nhà nước cùng sự đồng lòng của người dân, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt.
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho đến nay kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực hơn. Có tới 50% doanh nghiệp khẳng định tiếp tục duy trì được quy mô sản xuất. 22% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Chỉ có 21% doanh nghiệp cho biết sẽ phải thu hẹp hoặc rời khỏi thị trường.
Đại dịch Covid-19 làm gián đoạn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, cho thấy sự cấp bách của việc đa dạng hóa nguồn cung ứng và hạng mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia. Việt Nam đang có nhiều cơ hội từ làn sóng dịch chuyển các chuỗi giá trị cung ứng mới. Muốn nắm bắt những cơ hội này, phải có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực, một đội ngũ lao động có trình độ tay nghề chất lượng cao chính là sự chuẩn bị cần thiết nhất hiện nay.
Vấn đề cho thấy, thị trường lao động đang tạo ra thách thức đối với người lao động thiếu kỹ năng, và mở ra cơ hội cho những lao động có kỹ năng tốt hơn. Vì vậy, nâng cao kỹ năng cho người lao động đang trở thành vấn đề trung tâm của chính sách kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Diễn biến bất ngờ của dịch bệnh đã đẩy nhanh hơn xu hướng tự động hóa và nhu cầu về nguồn nhân lực tay nghề cao.
Ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, đây là một thách thức rất lớn về nguồn nhân lực. Nâng tầm kỹ năng nghề Việt Nam cần chuẩn bị nguồn nhân lực cho những công việc chưa từng có trước đây, những việc làm chưa từng xuất hiện. Đào tạo những kỹ năng cho việc làm tương lai, sử dụng công nghệ mới. Đồng thời đào tạo kỹ năng cao hơn cho những công việc truyền thống, đào tạo lại, đào tạo bổ sung kỹ năng cho người lao động…
Theo xu hướng phát triển CMCN 4.0, năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Chính phủ tổ chức diễn đàn Nâng tầm kỹ năng nghề Việt Nam, đây cũng là bước chuẩn bị cho tình thế hiện nay. Diễn biến nhanh và khó dự đoán của dịch bệnh đặt ra yêu cầu về sự chủ động trong việc chuẩn bị những kỹ năng mới và nguồn nhân lực chất lượng cao. Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 cũng đặt ra yêu cầu tới 34,4 triệu lao động qua đào tạo, chiếm trên 78% tổng số nhân lực qua đào tạo trong toàn nền kinh tế. Giải quyết bài toán này cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp và người lao động… Đặc biệt, vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong việc hợp tác với doanh nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo.