Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, công cuộc phòng chống lao lại gặp thách thức lớn về tình trạng lao kháng thuốc, bệnh nhân mắc nhiều bệnh cùng lúc… khiến việc điều trị gặp khó khăn.
Lao kháng thuốc lên ngôi
Mặc dù, số người mắc mới và tử vong do lao ở nước ta giảm đáng kể so với nhiều năm trước đây nhưng không vì thế việc điều trị cho người mắc bệnh này dễ dàng hơn.
Vi khuẩn lao được biết đến cách đây 134 năm. Thuốc chữa lao ngày một hiện đại, phổ biến rộng rãi thế nhưng, căn bệnh này vẫn gây ra cái chết cho gần 2 triệu người trên thế giới mỗi năm. Ở Việt Nam, mặc dù có nhiều thành tựu trong việc kiểm soát bệnh lao, song mỗi ngày vẫn có 46 người chết do lao. Việt Nam hiện đứng thứ 14 trong số 20 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất trên thế giới.
Theo thống kê của Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam, mỗi năm trên toàn quốc có khoảng 130.000 bệnh nhân mắc lao mới, nhưng chỉ phát hiện được khoảng 70%, còn 30% bệnh nhân lao trong cộng đồng, chưa được phát hiện. Đây là điều đáng lo ngại bởi những người mắc lao chưa được phát hiện sẽ là nguy cơ lây lan bệnh ra cộng đồng.
Sự bùng phát của bệnh lao kháng thuốc đang là mối đe dọa hàng đầu cho công tác phòng, chống bệnh lao trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 5.000 bệnh nhân lao kháng thuốc xuất hiện, trong đó gần 6% là lao siêu kháng thuốc. Thuốc hiện đại hơn, đáp ứng tốt hơn với người mắc bệnh nặng, bệnh truyền nhiễm kết hợp nhưng số người mắc lao kháng thuốc vẫn tăng, thậm chí có bệnh nhân kháng đa thuốc, siêu kháng thuốc. Nguyên nhân được xác định do phác đồ điều trị cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc kéo dài từ 20 - 24 tháng.
So với người mắc lao thông thường, thời gian điều trị quá dài nên nhiều bệnh nhân không theo được. Theo PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ tịch Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam, hiện phác đồ điều trị lao kháng thuốc rút ngắn còn 9 tháng. Chi phí không tốn kém bằng phác đồ cũ cộng số ngày ít hơn hy vọng sẽ tiết kiệm được cả thời gian, chi phí cho người bệnh. Như vậy, chất lượng điều trị chỉ còn phụ thuộc vào ý thức người bệnh.
Tăng giám sát từ cộng đồng
Vi khuẩn lao đã tồn tại hàng ngàn năm. Điều này đồng nghĩa với việc bên cạnh người mắc lao thì có nhiều người nhiễm lao mà không biết.
Với 30% bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, đây là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng. Nguyên nhân khiến công tác phòng chống lao vẫn gặp khó khăn do hiểu biết của một bộ phận người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh.
Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng. Bên cạnh đó, mặc dù hệ thống bệnh viện lao phổi, tổ tuyên truyền phòng chống lao được lập ở tuyến tỉnh đến huyện, thị xã nhưng phụ thuộc vào chuyên môn nên kết quả thu được cũng mỗi nơi một kiểu. Sự phối hợp giữa bệnh viện đa khoa và các trung tâm y tế chưa tốt, chất lượng xét nghiệm chưa đạt yêu cầu. Một điểm khó khăn nữa là công tác này chưa được xã hội hóa cao…
Để thực hiện mục tiêu quốc gia đến năm 2020 giảm tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng xuống còn 131/100.000 người dân. Giảm số người chết do lao xuống dưới 10/100.000 người dân; 100% bệnh nhân lao được điều trị với công thức điều trị chuẩn của chương trình phòng chống lao và được cung cấp các loại thuốc chống lao đầy đủ, bảo đảm chất lượng cần nâng cao chất lượng cơ sở điều trị.
Tiếp đó, tuyên truyền để thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để họ chủ động phát hiện, phòng chống bệnh cho bản thân và cộng đồng. Làm sao để người dân nào cũng biết bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn, giảm lây lan cho cộng đồng nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì công tác phòng chống lao mới thực sự hiệu quả.