Thạc sĩ 'Gen Z'

GD&TĐ - Lưu Ngọc Quỳnh Khôi có 'gia tài' là 8 bài báo quốc tế sau 1,5 năm học cao học ngành Quản lý xây dựng (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).

Lưu Ngọc Quỳnh Khôi (thứ hai từ trái sang) làm việc tại một công trình xây dựng ở TPHCM. Ảnh: NVCC
Lưu Ngọc Quỳnh Khôi (thứ hai từ trái sang) làm việc tại một công trình xây dựng ở TPHCM. Ảnh: NVCC

Chọn hướng nghiên cứu

Lưu Ngọc Quỳnh Khôi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ngành Quản lý xây dựng thuộc Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa vào tháng 7/2023.

Trước đó, năm 2020, Khôi tốt nghiệp loại giỏi chương trình Kỹ sư Kỹ thuật xây dựng tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng với số điểm tổng kết 8,58/10 và nhận Giấy khen Kỹ sư Ưu tú.

Khi đang học Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Khôi học ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Sau khi nhận 2 bằng kỹ sư và cử nhân, Khôi học tiếp cao học năm 2021.

Xác định sẽ dấn thân vào con đường nghiên cứu, Quỳnh Khôi quyết định học thạc sĩ theo phương thức nghiên cứu thay vì ứng dụng. Đây là bước đệm giúp anh có thể tiếp cận với đa dạng phương pháp khoa học, phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu lâu dài.

Bước vào chương trình cao học, với mong muốn tìm người thầy dẫn dắt quá trình nghiên cứu, Khôi được bạn bè giới thiệu PGS.TS Phạm Vũ Hồng Sơn - giảng viên Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa. Qua trao đổi về dự định đề tài, thầy - trò đã có chung mối quan tâm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào giải quyết các yếu tố trong quản lý xây dựng.

Quỳnh Khôi cùng thầy Sơn đặt ra mục tiêu giải quyết các yếu tố tiến độ, chi phí, tiêu chí khác trong lĩnh vực quản lý xây dựng. Sau thời gian tìm kiếm lời giải, cả 2 có được các thuật toán để giải quyết vấn đề tối ưu hoá, làm cơ sở chọn lối đi cho riêng mình.

Cũng từ quá trình tìm kiếm này, Khôi chọn hướng nghiên cứu chính là sử dụng mô hình thuật toán “nấm nhầy” (Slime Mold Algorithm - SMA) để cân bằng tối ưu hóa tiến độ, chi phí, chất lượng, rủi ro… trong quản lý xây dựng. Mỗi yếu tố tác động qua lại lẫn nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến thành công dự án xây dựng, do đó việc tìm giải pháp tối ưu rất cần thiết.

Một ví dụ đơn giản cho nghiên cứu của Khôi là với dự án xây dựng A, ước chừng thời lượng thi công 8 ngày, chi phí 1.000 USD, người quản lý phải đưa ra nhiều trường hợp. Có thể là 6 ngày với chi phí 1.200 USD hoặc 10 ngày chi phí 800 USD và các yếu tố khác tương ứng như vậy.

Theo cách truyền thống, có thể sử dụng Excel hay Microsoft Project để giải quyết. Tuy nhiên, với dự án có số lượng đáp án lên đến hàng tỷ kết quả thì việc làm thủ công là không thể.

Để tìm ra lời giải tối ưu, nghiên cứu của Khôi đã áp dụng chương trình Matlab R2019b, gồm dữ liệu và các hành vi thuật toán được mã hoá bởi dạng mã giải và đầu vào của bài toán xây dựng. Sau khi hoàn tất việc lập trình mã giải cho mô hình thì tiến hành chạy kết quả tối ưu.

Khôi còn tạm chia nội dung nghiên cứu thành 5 giai đoạn tương ứng với mô hình, viết bài báo khoa học để chứng minh tính ưu việt của đề tài nghiên cứu. Cùng với PGS.TS Phạm Vũ Hồng Sơn, Khôi đã công bố 8 bài quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus.

Đáng nói, theo quy định, để hoàn thành chương trình thạc sĩ theo hướng nghiên cứu, học viên chỉ cần tối thiểu một bài báo đăng trên tạp chí khoa học được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận.

Không chùn bước

Lưu Ngọc Quỳnh Khôi nhận danh hiệu Kỹ sư tiêu biểu tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh: NVCC

Lưu Ngọc Quỳnh Khôi nhận danh hiệu Kỹ sư tiêu biểu tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh: NVCC

PGS.TS Phạm Vũ Hồng Sơn cho biết, Lưu Ngọc Quỳnh Khôi là trường hợp đặc biệt khi đăng ký chương trình thạc sĩ ngành Quản lý Xây dựng theo hướng nghiên cứu. Thành tích công bố nghiên cứu khoa học của Khôi cũng hiếm hoi ở bậc cao học.

“Quỳnh Khôi năng nổ, có trách nhiệm, đáp ứng tốt các yêu cầu của môn học và thuộc nhóm sinh viên có kết quả học tập cao. Kết quả nghiên cứu của Quỳnh Khôi áp dụng thử vào một dự án thực tế tại TP Hồ Chí Minh cho thấy tính khả thi và dữ liệu tốt.

Tuy nhiên, mô hình thuật toán còn vài hạn chế về mã giải do nhiều dữ liệu liên kết khiến chương trình chạy lâu và một số giả định chưa gần thực tiễn…”, PGS.TS Phạm Vũ Hồng Sơn nhận xét.

Về phía Quỳnh Khôi, thuật toán “nấm nhầy” (SMA) khá mới mẻ nên việc tìm hiểu, nghiên cứu mất nhiều thời gian, công sức; cùng đó khó khăn lớn nữa là sự kết nối giữa thuật toán và bài toán xây dựng để giải quyết vấn đề tối ưu hóa trong xây dựng.

Quỳnh Khôi mất gần 6 tháng để có thể hình dung, áp dụng và giải quyết được vấn đề. “Có những lúc khó khăn khiến tôi muốn bỏ dở nghiên cứu. Nhưng với sự động viên của thầy Sơn, tôi nỗ lực vượt qua và tiếp tục theo đuổi”, Khôi chia sẻ.

Đạt được thành quả nghiên cứu khoa học như mong muốn, nhưng Quỳnh Khôi không “ngủ quên trên chiến thắng”. Anh luôn tự nhủ, phải phấn đấu, trau dồi hằng ngày để cập nhật, phát triển. Quỳnh Khôi dự kiến theo học chương trình tiến sĩ ngành Quản lý xây dựng bên cạnh công việc chính tại Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP Hồ Chí Minh. Quỳnh Khôi cho biết, vẫn chọn hướng nghiên cứu, tập trung chuyên sâu về tối ưu hoá, đồng thời mở rộng hướng nghiên cứu ở lĩnh vực liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ