Thạc sĩ, tác giả Lê Thế Song giữ truyền thống trong hiện đại

GD&TĐ - Thạc sĩ Lê Thế Song là tác giả của gần 50 kịch bản chuyển thể, trong đó có nhiều vở diễn giành giải Vàng, giải Bạc tại các liên hoan sân khấu.

Vở chèo 'Thiên duyên huyền tích' (tác giả: Hoàng Luyện, chuyển thể chèo: Lê Thế Song) xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Chèo năm 2022. Ảnh: Bình Thanh.
Vở chèo 'Thiên duyên huyền tích' (tác giả: Hoàng Luyện, chuyển thể chèo: Lê Thế Song) xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Chèo năm 2022. Ảnh: Bình Thanh.

Là chủ nhân của gần 50 kịch bản chuyển thể và chắp bút trực tiếp, trong đó có không ít vở diễn giành giải Vàng, giải Bạc tại các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp, Thạc sĩ-tác giả Lê Thế Song bảo đó là “vốn quý” khi anh bén duyên và nỗ lực sáng tạo nghệ thuật theo kim chỉ nam: “Gìn giữ truyền thống trong lối tư duy hiện đại”.

Thực ra, nếu nhìn vào những kịch bản nổi bật đã được dàn dựng và gây tiếng vang của tác giả Lê Thế Song trong thời gian gần đây, có lẽ không ít người sẽ ngạc nhiên, thậm chí cảm thấy có sự mâu thuẫn với kim chỉ nam sáng tạo nghệ thuật của anh.

Cũng bởi, các kịch bản được tác giả trực tiếp đặt bút viết hay chuyển thể phần lớn bắt đầu bằng những huyền tích, câu chuyện dân gian có từ ngàn đời nay. Ví như, kịch bản “Truyền tích Nàng Thơm” được anh viết từ giai thoại lưu truyền trong dân gian để lý giải về nguồn gốc gạo Nàng Thơm - loại gạo đặc sản ngon nức tiếng tiến vua.

Kịch bản “Thượng thiên Thánh Mẫu” được anh và bà xã Xuân Hồng cùng chắp bút cũng dựa trên những huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh. Kịch bản “Dâu bể một kiếp tằm”, anh là đồng tác giả với Cát Điền cũng khai thác câu chuyện truyền miệng năm xưa về cuộc đời bà Lan Chi – người mẹ của danh nhân văn hóa, danh tướng Đào Duy Từ.

Với kịch bản được tác giả Lê Thế Song chuyển thể như “Cây gậy thần” hay còn có tên khác là “Thiên duyên huyền tích” (tác giả: Hoàng Luyện) cũng từ huyền tích về mối tình chàng Chử Đồng Tử và nàng Tiên Dung.

Kể cả với kịch bản văn học lịch sử “Khúc Gia trang dậy sóng trời Nam” của Tiến sĩ Khúc Minh Tuấn được anh chuyển thể thành vở tuồng “Tam Khúc chúa” vẫn là câu chuyện lịch sử cách đây mấy ngàn năm…

Vậy, từ những câu chuyện rất xưa ấy, cách giữ vốn cổ trong lối tư duy hiện đại của tác giả Lê Thế Song đã được thể hiện như thế nào để chúng luôn được khán giả đón nhận cũng như ghi danh tại các kỳ liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc?

“Dù là câu chuyện huyền tích lưu truyền trong dân gian từ ngàn xưa song ở vở chèo “Thiên duyên huyền tích” không chỉ đậm chất chèo cổ qua các làn điệu, tích trò mà còn mang những yếu tố giải trí hướng đến khán giả hôm nay”, tác giả Lê Thế Song chia sẻ về việc “làm mới” tích xưa để cùng ê kíp sáng tạo gặt hái Huy chương Vàng tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022.

Hay như, khi nói về vở tuồng lịch sử “Tam Khúc chúa”, tác giả kể anh đã luôn cùng với đạo diễn hướng đến một vở diễn chuẩn chỉnh của nghệ thuật tuồng truyền thống song mang tiết tấu nhanh trong việc xử lý các xung đột và xen vào đó những giây phút lãng mạn, trữ tình… Thế nên, vở diễn cũng đã giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022.

Còn ở vở cải lương “Truyền tích Nàng Thơm”, hay “Thượng thiên Thánh Mẫu”, bên cạnh những lớp diễn mùi mẫn của cải lương, trong vở diễn còn có những chi tiết, phân cảnh mở để đạo diễn có thể lồng ghép những loại hình nghệ thuật hấp dẫn khán giả hôm nay.

Sang năm 2023, tác giả Lê Thế Song tiếp tục bận rộn với nhiều dự án nghệ thuật mới. Ảnh: NVCC

Sang năm 2023, tác giả Lê Thế Song tiếp tục bận rộn với nhiều dự án nghệ thuật mới. Ảnh: NVCC

“Vợ tôi, Thạc sĩ Xuân Hồng là người đồng hành cùng tôi trong sáng tạo nghệ thuật. Mỗi kịch bản được tôi chắp bút cô ấy sẽ là người đầu tiên đọc, góp ý và có thể tranh luận để làm sao giúp tôi sáng tạo đứa con tinh thần được công chúng yêu thích, mến mộ” - Thạc sĩ, tác giả Lê Thế Song.

Nhất là vở “Thượng thiên Thánh Mẫu” đã có sự kết hợp táo bạo giữa cải lương và xiếc nên được vinh danh bằng Huy chương Vàng tại Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần V năm 2022…

Ngoài ra, ở những kịch bản cận đại như “Nguyễn Văn Cừ - Tuổi trẻ chí lớn”, tác giả Lê Thế Song đã sáng tạo lớp diễn rất hay trong việc kết hợp quan họ Bắc Ninh với các làn điệu chèo và được khán giả đón nhận khi các nghệ sĩ Nhà hát Chèo quân đội công diễn.

Vở diễn đã không chỉ khắc họa rõ nét vai trò nhà lý luận xuất sắc, nhà chính trị tài năng, một tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập rèn luyện và trưởng thành qua đấu tranh cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ mà còn làm nổi bật tinh thần về đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Theo tác giả Lê Thế Song, để có thể giữ truyền thống trong tư duy hiện đại, người viết phải am hiểu về các đặc trưng, trình thức, lề lối của từng loại hình kịch hát dân tộc. Bất cứ đề tài nào cũng đều có sức hấp dẫn riêng, mỗi người cần có sự tìm tòi từ chất liệu lịch sử rồi hư cấu để làm tăng tính nghệ thuật cho vở diễn.

“Tôi luôn tìm tòi sáng tạo và quan tâm đến khán giả hôm nay họ cần gì để đặt bút viết những câu thoại, xây dựng tình huống kịch chạm đến cảm xúc khán giả, cùng khóc, cười và suy ngẫm. Có như thế vở diễn mới có thể bền lâu trong đời sống xã hội”, tác giả Lê Thế Song tâm huyết chia sẻ.

Sau gần 10 năm “xông pha” vào địa hạt mà ai cũng thờ ơ này - biên kịch và chuyển thể - tác giả Lê Thế Song đã đem đến cho các đơn vị nghệ thuật thêm sự lựa chọn cũng như có thể đặt hàng những kịch bản phù hợp để làm phong phú cho đời sống sân khấu kịch hát dân tộc hôm nay vốn ảm đạm, kém hấp dẫn.

Trong những cống hiến không biết mệt ấy, thật bất ngờ khi được biết trước khi trở thành soạn giả, nhà biên kịch, tác giả Lê Thế Song từng làm nhiều nghề không liên quan đến nghệ thuật như: Bốc vác, thợ hồ, thậm chí lúc còn trẻ từng đi… đãi vàng.

Cơ duyên đến với sân khấu của người con trai sinh ra và lớn lên ở làng Ngò, huyện Lý Nhân, nơi được truyền tụng “Rượu Bèo, chèo Ngò” khi anh gặp gỡ và nên duyên với Xuân Hồng - con gái cố tác giả sân khấu Hoàng Luyện (Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật).

Ban đầu, Lê Thế Song viết những tiểu phẩm, kịch bản ngắn phục vụ lễ hội, giao lưu văn hóa quốc tế cho các tổ chức phi chính phủ. Song, mỗi chuyến đi đến các vùng quê được nghe những làn điệu dân ca để thêm yêu, thêm mến đã thôi thúc Lê Thế Song bước vào con đường sáng tác chuyên nghiệp, bắt đầu từ kịch bản chuyển thể “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật” được Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng năm 2015.

Từ đó, anh say sưa viết nên giờ có tới gần 100 kịch bản, trong đó có nhiều kịch bản được viết hoặc chuyển thể theo đơn đặt hàng của các đơn vị nghệ thuật.

Anh cũng đặc biệt bận rộn trong những năm gần đây khi vừa là tác giả chuyển thể và sáng tác nhiều kịch bản được các đơn vị nghệ thuật chọn tham gia hội diễn vừa là tác giả và tổng đạo diễn của nhiều chương trình ở các địa phương… Sự tất bật này dự kiến sẽ nối dài trong năm 2023 khi tác giả Lê Thế Song vừa sớm nhận được những dự án nghệ thuật mới đang chờ đón phía trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ