Chưa nhận bằng cử nhân nam sinh được tuyển thẳng học thạc sĩ

GD&TĐ - Dù chưa tốt nghiệp đại học, Nguyễn Quốc Tuấn đã đăng ký học thạc sĩ. Nam sinh được tuyển thẳng thạc sĩ dù chưa chính thức nhận bằng.

Nguyễn Quốc Tuấn trong ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học.
Nguyễn Quốc Tuấn trong ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học.

Trân trọng lựa chọn của mình

Nguyễn Quốc Tuấn sinh năm 2001, quê ở Quảng Ninh. Anh là tân cử nhân Ngành Ngôn ngữ Anh hệ từ xa, Trường ĐH Mở Hà Nội. Quốc Tuấn được nhận bằng tốt nghiệp vào ngày 23/7 vừa qua.

Tốt nghiệp với GPA 3.07, chàng sinh viên hiếu học đủ điều kiện tuyển thẳng đối với bậc thạc sĩ cùng ngành, khóa 2023 - 2025. Em được nhập học ngay sau khi xét công nhận tốt nghiệp dù chưa chính thức nhận bằng.

Chia sẻ về việc chưa tốt nghiệp đại học đã đăng ký học thạc sĩ, Quốc Tuấn tâm sự: “Khi quyết định học thạc sĩ, nhiều người khuyên em không nên vội vàng, dành thời gian đi làm kiếm tiền. Khi tích luỹ được một khoản, bớt lo về kinh tế hơn thì tiếp tục học cũng không muộn”.

Cũng có một số người nói rằng, chỉ những người làm trong cơ quan nhà nước mới cần học thạc sĩ, còn doanh nghiệp bên ngoài, chỉ cần có năng lực, làm tốt là được trọng dụng…

Nguyễn Quốc Tuấn ước mơ trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh.

Nguyễn Quốc Tuấn ước mơ trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh.

Tuy nhiên, Quốc Tuấn cho rằng, những lời khuyên đó mới đúng một phần nào đấy, chưa hiểu hết lợi ích và cách thức học thạc sĩ. Học thạc sĩ là học chuyên sâu vào ngành mà mình đã chọn, ở đó có những kiến thức, những bài học thực tế mà bậc đại học trình độ của chúng em chưa đủ để tiếp thu.

Thêm vào đó, đi học sẽ được gặp nhiều anh chị giỏi cùng lĩnh vực, được nghe những kinh nghiệm, trải nghiệm quý giá, cùng những thành tựu mà các anh chị đạt được. Em thấy bản thân ngày càng yêu và trân trọng ngành nghề mình đã chọn, có động lực để học tập, phấn đấu và tiến xa hơn.

Ước mơ trở thành giáo viên Tiếng Anh

Hiện, Quốc Tuấn phụ trách mảng sáng tạo nội dung cho một kênh Youtube nước ngoài về dạy kỹ năng cho trẻ nhỏ. Đây là công việc đúng chuyên ngành mà Tuấn rất yêu thích, vừa kiếm được tiền và quan trọng nhất là được sử dụng chính những thứ đã học suốt gần 4 năm để vận hành công việc.

Thời gian rảnh, Quốc Tuấn làm thực tập sinh cho 1 công ty du học tại Hà Nội với vị trí biên dịch viên, đi dạy thêm tiếng Anh vào buổi tối hoặc nhận một số job freelance (công việc tự do) cần sử dụng Tiếng Anh... Đây cũng là một trong những cách để Quốc Tuấn lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất và gắn bó lâu dài sau này.

Nguyễn Quốc Tuấn hạnh phúc khi chính thức được trở thành cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh.

Nguyễn Quốc Tuấn hạnh phúc khi chính thức được trở thành cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh.

Quốc Tuấn bộc bạch, theo học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh không phải là mục tiêu ban đầu. Khi học THPT, Quốc Tuấn theo học khối A với mong muốn sau này sẽ đỗ vào các ngành về kinh tế hoặc công nghệ thông tin.

Đến đầu năm lớp 12, nhận thấy được cơ hội việc làm cùng mức thu nhập hấp dẫn khi có Ngoại ngữ, Quốc Tuấn quyết định thử sức với khối D và đam mê học Tiếng Anh cho đến tận bây giờ.

“Lúc đầu khi mới vào đại học, em bị ngợp do sự chênh lệch kiến thức giữa bậc đại học và THPT. Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng nhiều buổi học các thầy cô chỉ nói chuyện với sinh viên bằng Tiếng Anh, trong khi kỹ năng nghe - nói của em còn chưa tốt, khiến việc tiếp thu kiến thức bị gián đoạn” – Quốc Tuấn bộc bạch.

Sau này, Quốc Tuấn mới biết đó cũng là một trong những phương pháp dạy học được thầy cô thường xuyên áp dụng, giúp sinh viên tập trung tối đa trong các giờ giảng, luyện tập khả năng phản xạ tiếng. Quan trọng nhất, nếu sinh viên chưa hiểu hết bài giảng, thầy cô sẵn sàng giải đáp thêm ngoài giờ, không để sinh viên cảm thấy mơ hồ hay sợ học.

Với sự chăm chỉ, quyết tâm cùng sự nhiệt tình của các thầy cô ở Khoa, Quốc Tuấn không chỉ học tốt, mà còn thường xuyên tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học và các hoạt động tập thể ở trường.

Nguyễn Quốc Tuấn quyết định đi học thạc sĩ dù chưa nhận bằng tốt nghiệp đại học.

Nguyễn Quốc Tuấn quyết định đi học thạc sĩ dù chưa nhận bằng tốt nghiệp đại học.

Năm 2022, Quốc Tuấn và bạn cùng khoa thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học với tên gọi “Enriching vocabulary by making the most of some free English learning apps on smartphones for the first-year English majors at Hanoi Open University” (Nâng cao vốn từ vựng cho sinh viên năm nhất khoa Tiếng Anh- Trường ĐH Mở Hà Nội bằng một số ứng dụng học từ vựng Tiếng Anh miễn phí trên điện thoại).

Đề tài xuất sắc giành giải nhất Cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp trường. Đây là minh chứng sinh động cho câu nói “chỉ cần bạn cố gắng, xuất phát điểm thế nào cũng không còn là vấn đề quá lớn”.

Quốc Tuấn tin tưởng, những bạn học ngành Ngôn ngữ sẽ đều thấy được cơ hội nghề nghiệp của ngành này nhiều thế nào. Đáng nói, mức lương khi thành thạo ngoại ngữ cũng cao hơn nhiều.

Vì thế, Quốc Tuấn chưa bao giờ nghĩ đến việc phải tích lũy tiền rồi mới đi học thạc sĩ. “Tính ra mỗi tháng em chỉ mất khoảng hơn 2 triệu tiền học phí, vẫn nằm trong số tiền chi cho học tập để nâng cao bản thân nên em vẫn khuyên mọi người cứ học khi có cơ hội, càng để lâu, càng dễ sinh ra tâm lý ngại học” – Quốc Tuấn bày tỏ.

Ước mơ của Quốc Tuấn là một ngày nào đó sẽ được đứng lớp giảng dạy, được trở thành một thầy giáo dạy Tiếng Anh, nên học thạc sĩ cũng nằm trong sự chuẩn bị để em tiến đến đích tiếp theo.

Quốc Tuấn rất thích đi du lịch và chụp ảnh, chắc chắn Tiếng Anh sẽ là sợi dây kết nối giúp em dễ dàng đặt chân đến những đất nước xa xôi, gặp gỡ và học hỏi được nhiều người bạn tuyệt vời hơn nữa.

“Thật may là em đã nhận được bằng tốt nghiệp đúng thời hạn. Khi chưa có bằng tốt nghiệp đại học, em chỉ được học trước 15 tín của bậc thạc sĩ. Nếu khi học xong 15 tín chỉ mà em chưa nộp bằng tốt nghiệp đại học thì sẽ phải tạm dừng lại.

Qua đây, em cũng trân trọng cảm ơn thầy, cô giáo vì luôn tạo điều kiện, hỗ trợ em trong suốt quá trình học tập và rèn luyện tại Trường ĐH Mở Hà Nội” - Quốc Tuấn bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đêm văn nghệ tưng bừng. Ảnh: TT

Chuyến đi của sự trưởng thành

GD&TĐ - Tôi là một cậu bé sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Vậy nên, từ bé đến lớn, lần xa nhà lâu nhất của tôi là 2 ngày - cho những lần đi tham quan với lớp.

Ảnh: Quốc Bình.

Dịu dàng hoa tía tô

GD&TĐ - Tía tô thân thuộc đến thế đó nhưng chưa khi nào nó được bắt gặp những bông hoa tim tím bé xinh ấy.