Hành trình đón Tết của giáo viên vùng cao

GD&TĐ - Vượt hàng trăm km, nhiều giáo viên đã không quản ngại khó khăn, quyết định gắn bó công việc của nhà giáo ở những miền đất xa xôi, chấp nhận sống xa người thân, quê hương.

Để về quê Đoan Hùng (Phú Thọ) đón Tết, cô Bùi Minh Khuyên, Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) phải di chuyển 500 km với nhiều phương tiện. Ảnh: NVCC
Để về quê Đoan Hùng (Phú Thọ) đón Tết, cô Bùi Minh Khuyên, Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) phải di chuyển 500 km với nhiều phương tiện. Ảnh: NVCC

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, để được đoàn tụ với gia đình, họ lại bắt đầu hành trình xuống núi.

Hai năm mới được về quê đón Tết

Cô giáo Văn Thị Nết, quê huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) vượt gần 300 km lên vùng cao xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) công tác đã hơn 10 năm. Hiện, cô dạy mầm non, còn chồng là giáo viên tiểu học tại xã Nghĩa Thuận.

Tết đang tới gần, chia sẻ hành trình về quê đón Tết, cô Nết cho biết: Tết năm ngoái do dịch Covid-19 nên Hà Giang yêu cầu người dân không di chuyển khỏi tỉnh. Vì thế, gia đình đón Tết tại nơi công tác.

“Buồn lắm chị ạ, gia đình em và 1 cô giáo quê Nam Định bị mắc kẹt. Khí hậu trên này lại khắc nghiệt, lạnh cắt da cắt thịt, sương mù gần như cả ngày. 16 giờ chiều mà đã như 19 giờ tối. Em cứ ra đầu ngõ nhìn về quê hương, nơi đó có mẹ già và con nhỏ mà không kìm được nước mắt.

Năm nay, dịch bệnh cũng phức tạp, tất cả giáo viên ngoại tỉnh lên công tác đều hồi hộp trông ngóng hàng ngày các quyết định của địa phương. Mỗi năm chỉ có thể về thăm nhà 1 - 2 lần. Năm nay, đợt 30/4 - 1/5 đã không về vì dịch nên đến Tết không mong ước gì hơn là được đoàn tụ, sum họp với gia đình trong vài ngày rồi lại trở lại với công việc…, cô Nết chia sẻ.

Cũng như nhiều đồng nghiệp lên công tác tại vùng cao Quản Bạ, việc đi lại trong dịp Tết của gia đình cô Nết khá vất vả. Họ đi xe máy 30 km từ xã xuống trung tâm Quản Bạ bắt xe khách. Sau đó tiếp tục đi hơn 200 km mới về tới nhà. Thậm chí, có năm đông khách, nhà xe còn từ chối hoặc chen chúc trên xe. Thế nhưng với giáo viên cắm bản, vất vả đến mấy vẫn chấp nhận để có được cái Tết đoàn tụ cùng gia đình…

Cô giáo Bùi Minh Khuyên, Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) cũng có hành trình về quê đón Tết đầy vất vả bởi từ nơi cô công tác về tới Đoan Hùng, Phú Thọ có khoảng cách tới 500 km.

13 năm nay, cứ khoảng 26 Tết cô lại đèo 2 con nhỏ bằng xe máy, đồ đạc… vượt 65 km từ xã Pa Ủ ra trung tâm huyện Mường Tè rồi tiếp tục bắt xe khách về nhà. Quãng đường ấy, với cô là một hành trình vô cùng vất vả bởi đường uốn lượn, đèo dốc, say xe. “Đôi khi chỉ nghĩ tới lên xe về nhà và ngược lại từ nhà trở lại trường cũng đủ nôn nao, chóng mặt…, cô Khuyên tâm sự.

Nói về “phương án” đón Tết năm nay, cô Khuyên chỉ hy vọng dịch bệnh không quá phức tạp để việc về quê đón Tết bớt phần vất vả. “Mẹ em năm nay gần 80 tuổi, quanh năm xa con cháu nên bà mong mỏi lắm. Em cũng công tác xa nhà nên chỉ mong được về nhà những ngày Tết. Được gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa thay mẹ hoặc gặp bạn cũ… dù chỉ trong vài ngày Tết cũng đủ hạnh phúc”, cô Khuyên bùi ngùi nói.

Thầy Nguyễn Thanh Bình quê ở Yên Bái đã công tác tại Trường THPT số 1 Bắc Hà (Bắc Hà, Lào Cai) tròn 11 năm. Chỉ 2 năm gia đình có việc nên đón Tết ở Bắc Hà, còn lại thầy đều đưa gia đình về quê.

Thầy Bình cho biết: 2 vợ chồng cùng quê Yên Bái lên công tác, quanh năm vắng nhà… nên năm nào cũng cố gắng vượt hơn 200 km về đón Tết bên gia đình.

Cũng như nhiều đồng nghiệp cùng trường dưới xuôi lên Bắc Hà công tác đã xác định gắn bó nghề nghiệp “trồng người” nơi đây, song thầy Bình vẫn chọn về quê đón Tết với bố mẹ, anh em. Mặt khác, nếu có ở lại, đồng nghiệp cũng về quê hết sẽ rất buồn, cảm giác cô đơn, lủi thủi… “Do đó, những chuyến hành hương dẫu vất vả, tốn kém… vẫn là sự thôi thúc, lựa chọn của hầu hết giáo viên xa quê…”, thầy Bình bày tỏ.

Các thầy, cô giáo ở Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn duy trì việc dạy học cho tới sát ngày nghỉ Tết. Ảnh: NVCC
Các thầy, cô giáo ở Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn duy trì việc dạy học cho tới sát ngày nghỉ Tết. Ảnh: NVCC

Về muộn, lên sớm

Cũng như nhiều giáo viên khác, thầy Lê Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa) dù công tác trong 1 tỉnh nhưng cũng cách xa nhà tới vài trăm cây số. Nhiều thầy cô phải vài tuần, thậm chí mỗi năm chỉ 1 - 2 lần về nhà. Vì vậy, ai cũng có tâm lý được về sớm để sửa sang, mua sắm chuẩn bị cho những ngày đoàn tụ chu đáo.

Tuy nhiên, giáo viên vẫn phải bảo đảm hoạt động dạy học, bám trường lớp đến ngày được nghỉ theo quy định chung. Kết thúc nghỉ Tết, với đặc thù của giáo dục vùng khó, giáo viên thường phải trả phép, trở lại trường sớm ít nhất 1 ngày để đi tới từng thôn, bản vận động học sinh trở lại trường, chuẩn bị cơ sở vật chất đón học trò… Do đó, Tết của giáo viên cũng khó để trọn vẹn số ngày được nghỉ như những ngành nghề khác.

Thấu hiểu nỗi vất vả của giáo viên, nhà trường, công đoàn… cũng có những động viên, hỗ trợ về tinh thần như tạo điều kiện để giáo viên không phải trực trường, được về sớm hơn 1 ngày. Nhưng đường sá xa xôi nên hầu hết thầy cô đều phải lên sớm để đi đường an toàn. Mặt khác, cũng vì trách nhiệm với học sinh, trường lớp mà giáo viên không thể sát ngày lên lớp mới trở lại trường.

Theo cô Văn Thị Nết, ngoài công việc dạy học còn kiêm thêm công tác công đoàn của trường. Do đó, mọi công việc trước Tết muốn chốt sớm cũng không được bởi còn bàn giao cơ sở vật chất, chốt sổ, động viên chia sẻ cùng đồng nghiệp… rồi mới về.

Việc trở lại sau Tết cũng gắn liền với công việc, trách nhiệm của giáo viên nên không thể xin nghỉ thêm hay chậm 1 ngày. “Hơn thế, học sinh vùng cao tiếp nhận kiến thức còn hạn chế, thời gian qua nghỉ dịch liên tiếp nên nhiều nền nếp, kỹ năng mà giáo viên hướng dẫn trẻ đã “rơi” đi rất nhiều. Nếu hết Tết, giáo viên không sớm trở lại đúng ngày sẽ không đủ đội ngũ”, cô Nết bộc bạch.

Với nhiều giáo viên xa quê, lập nghiệp ở địa phương khác thì trở về trong những ngày Tết là mong mỏi, khát khao. Dẫu còn nhiều vất vả thậm chí đánh đổi, hy sinh hạnh phúc riêng nhưng họ vẫn luôn tận tâm cống hiến. Bởi với họ, gia đình là hạnh phúc và trường lớp, học trò là hơi thở cuộc sống vì thế chẳng thể cách xa… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ