Về nơi lũ dữ
Vượt quãng đường 140 km từ trung tâm TP. Thanh Hóa, chúng tôi đi về phía Tây. Đường càng lên cao càng trở nên khúc khuỷu, ngoằn ngoèo. Địa hình vô cùng hiểm trở, một bên là đồi núi cao, một bên là vực sâu. Nghề nghiệp của bà con chủ yếu là trồng luồng, nuôi cá lồng trên sông và chăn nuôi nhỏ lẻ. “Với địa hình như thế này, sinh kế cho bà con vùng lũ luôn là một nỗi niềm, là bài toán khó”. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Trịnh Thị Tiếp cho biết.
Chị nhắc cho chúng tôi nhớ về những ngày cuối tháng 8 năm 2018, mưa lớn gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng, gây thiệt hại cho 8 huyện của tỉnh Thanh Hóa. Hơn 1000 ngôi nhà bị sập, bị nước lũ cuốn trôi, bị thiệt hại nặng nề và phải di dời khẩn cấp.
Trận lũ đã làm cho trường học, đường xá, cầu cống bị hư hỏng nặng, đời sống bà con vùng lũ vô cùng khốn khó. Thiệt hại lớn nhất là các huyện Cẩm Thủy, Mường Lát và Quan Hóa. Riêng huyện Quan Hóa, số nhà ở bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi thiên tai là 858, tổng thiệt hại ước trên 257 tỷ đồng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, hệ thống chính trị cùng đồng bào trong cả nước nhường cơm xẻ áo mà người dân vùng lũ đã dần dần ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi, những dấu tích tàn phá của cơn lũ dữ dường như chưa kịp xóa trên suốt quãng đường chúng tôi đi. Những vạt đồi bị sụt lở xuống tận lòng đường. Thậm chí, những quả đồi bị lở lói tan hoang, đem theo mọi thứ trôi theo dòng sông Mã. Mọi ánh nhìn của chúng tôi hướng về những vạt đồi đỏ au như máu, vết sẹo thiên nhiên đang hiện hữu, đau đáu và ám ảnh.
Nhà mới tại Bản Chiềng tái định cư. |
Đêm đầu tiên ở lại thị trấn huyện, câu chuyện của một cán bộ huyện cứ ám ảnh chúng tôi mãi. Đó là, ngoài thủy điện Trung Sơn (đóng tại xã Trung Sơn), trên hơn 100 km của dòng sông Mã, có sự hiện diện của 10 nhà máy thủy điện. Ngay nơi mà gia đình chị đang sống, trong vòng khoảng 10km, có đến 3 nhà máy thủy điện. “Khi các nhà máy này đều đi vào hoạt động và gặp mưa lớn dài ngày như năm ngoái mà xả lũ chắc nhà em trôi hết. Em rất lo”. Ánh mắt của chị cán bộ chợt buồn thảng thốt nhìn về phía sông Mã đang chìm đen thẫm trong màn đêm, chỉ nghe được tiếng gầm gào vọng lại.
Theo báo cáo của UBND huyện Quan Hóa, năm 2018 thu NSNN đạt trên 82,263 tỷ đồng, trong đó thu phí sử dụng nguồn nước thủy điện Trung Sơn đạt gần 57,228 tỷ đồng, chiếm đến 3/4 nguồn thu. Rồi khi các nhà máy thủy điện cùng hoạt động, nguồn thu sẽ tiếp tục tăng thêm những con số, thành tích sẽ tiếp tục dày lên trong các báo cáo. Nhưng liệu nó có tỉ lệ thuận với những nỗi lo cũng đang lớn dần của người dân nơi đây? Bán nguồn nước liệu có phải là sinh kế bền vững?
Tết nhân ái cùng bà con vùng lũ
Tại một bãi đất tương đối bằng phẳng phía trước UBND và Trạm y tế xã Trung Sơn đang diễn ra chương trình Tết nhân ái 2019 cho bà con vùng lũ.
Chương trình do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa phát động. Phối hợp tham gia là các hội, các tổ chức xã hội, các công ty, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và UBND huyện Quan Hóa.
Những sự kiện chính sẽ diễn ra trong 2 ngày là: khánh thành nhà Chữ thập đỏ; khánh thành cầu tràn - suối Tìm (xã Trung Sơn); khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho bà con xã Trung Sơn; tặng 300 suất quà Tết cho người nghèo thuộc 3 xã Trung Thành, Trung Sơn và Thành Sơn; tặng áo ấm và quà cho học sinh tiểu học xã Trung Sơn; tổ chức Hội chợ nhân đạo với các gian hàng miễn phí; gói bánh chưng, chuẩn bị cỗ Tết và tổ chức đón Tết sớm cùng với 416 hộ gia đình thuộc 3 bản Cô Me, bản Pạo và bản Chiềng xã Trung Sơn; trao lợn giống sinh sản cho 22 hộ gia đình tại xã Nam Tiến; cắt tóc miễn phí cho đại biểu và nhân dân.
Tại Bản Chiềng, bản tái định cư, chúng tôi được chứng kiến những người dân đang khẩn trương hoàn thành nốt những công đoạn cuối cùng của ngôi nhà mới để chuẩn bị đón Tết cổ truyền.
Tổ chức gói bánh chưng cho bà con vùng lũ đón Tết sớm. |
Những ngôi nhà được dựng lên ở đó có sự đóng góp công sức, tiền của các tổ chức xã hội và chính quyền. Như mọi người, anh Phẩn người dân tộc Thái đang sửa soạn ngôi nhà sàn bằng gỗ mới tinh của mình. Nhà của anh xây dựng hết khoảng 80 triệu đồng, trong đó anh được hỗ trợ 40 triệu đồng. Anh rất phấn khởi khi ngôi nhà mới sắp hoàn thành. ”Chỗ mới này tốt hơn chỗ cũ” - anh Phẩn hào hứng.
Trên xe trở về trung tâm xã, nơi đang diễn ra các sự kiện chính, Chủ tịch UBDN huyện Quan Hóa Trương Nho Tự chia sẻ: ”Sẽ cố gắng kéo điện về kịp cho bà con đón Tết. Còn nước sạch phải sau Tết mới làm được”.
Cũng như bà con Bản Chiềng tái định cư, bà con sống quanh suối Tìm rất phấn khởi khi cây cầu tràn qua suối được khánh thành.
Người dân cho biết, con suối này mùa mưa rất hung dữ không thể đi qua để ra khu trung tâm. Rất nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra khi có người cố gắng vượt qua dòng suối dữ.
"Nhưng nay khác rồi, chúng tôi có thể đi lại quanh năm. Cảm ơn các nhà hảo tâm, cảm ơn chính quyền. Người dân chúng tôi vui lắm” - Một phụ nữ người dân tộc Thái bế cả con nhỏ mới 2 tháng tuổi ra đầu cầu để chứng kiến giây phút cầu được khánh thành nói với chúng tôi. Chị không muốn đứa con bé bỏng của mình bỏ lỡ thời khắc thiêng liêng, khi cây cầu mơ ước bao đời hiện diện ngay trên xứ sở của mình.
Hội chợ từ thiện thu hút đông đảo người dân. |
Từ mọi nẻo đường, bà con tiếp tục đổ về trung tâm xã vui như Tết. Mà Tết thật. Tết đã đến sớm bên triền xuân. Tết đã đến từ những tấm lòng nhân ái, sẻ chia.
Các bà, các chị xúng xính trong các bộ trang phục dân tộc Thái, Mường sặc sỡ. Màu xanh áo lính, màu đỏ trang phục của hội chữ thập đỏ hòa cùng trang phục của đồng bào quấn quýt, thân thương. Tiếng người í ới, tiếng loa kêu gọi, tiếng nhạc, tiếng hát hòa lẫn vào nhau suốt từ sáng sớm đến khuya, vang động núi rừng. Những ánh mắt lấp lánh, những bàn nắm bàn tay say sưa trong trong điệu múa sạp quanh đống lửa đã thắp sáng mùa, thắp sáng niềm tin vào tương lai, vào xuân phơi phới.