Bất thường lũ lụt miền Tây xứ Nghệ

GD&TĐ - Ngập lụt ở miền núi, lũ cuồn cuộn đổ về khi trời nắng to... là những điều chưa từng thấy đối với người dân các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông (Nghệ An). Ngoài sự dị thường của thời tiết, một tác nhân khác, khiến người dân lâm vào cảnh khốn khó, được cho là công tác quản lý, điều hành các đập thủy điện chưa tốt, thiếu đồng bộ.  

Đồ đạc của người dân chạy lũ chất rải rác ven đường
Đồ đạc của người dân chạy lũ chất rải rác ven đường

Dỡ nhà dựng lán ở tạm

Con đường vào Bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương tan hoang sau 2 trận lũ lớn cuối tháng 8. Đặc biệt, ngày 31/8, thủy điện Bản Vẽ xả lũ kỷ lục, cuốn phăng cầu Bản Vẽ. Nước rút, trụ cầu bằng bê tông còn sót lại nằm phơi mình dưới nắng. Đi sâu vào trong bản, dọc 2 bên đường bê tông ngổn ngang những đồ dùng, vật dụng sinh hoạt của bà con như bàn, tủ, xô, chậu... Cùng với đó là vì, kèo, cửa gỗ, ngói… của những căn nhà sàn được tháo dỡ từ trước.

Nhà ông Lữ Văn Hoan giờ chỉ còn lại nền trống hoác. Trận lũ vừa qua, nhà ông có nguy cơ bị cuốn trôi nên phải khẩn cấp tháo dỡ, di dời. Nay vợ chồng, con cái ông dựng lán để ở tạm. Ngày nào đi qua nền nhà cũ, ông cũng nán lại nhìn. “Không biết đến khi mô mới ổn định trở lại.

Bây giờ dựng nhà mới thì chưa có tiền, còn phải tìm đất nữa. Ở miền núi, tìm được chỗ đất bằng phẳng để dựng nhà khó lắm. Quay về chỗ cũ thì không dám nữa. Lũ khủng khiếp quá”, ông nói. Dang dở là thế, nhưng ông vẫn bảo gia đình mình còn may mắn hơn nhiều hộ khác. Ít ra nhà ông cũng còn kịp di dời, mang theo được chút tài sản, vật dụng, chứ có nhiều nhà khác bị lũ cuốn trôi hết, không giữ lại được gì.

Lũ xói lở 2 bên sông khiến nhiều nhà dân đang chịu cảnh sống bên mép vực
Lũ xói lở 2 bên sông khiến nhiều nhà dân đang chịu cảnh sống bên mép vực

Theo thống kê của UBND huyện Tương Dương, riêng đợt các nhà máy thủy điện trên địa bàn xả lũ trong ngày 30 – 31/8, đã có 10 nhà bị sập, 13 nhà bị cuốn trôi, 23 nhà phải di dời khẩn cấp, 176 nhà bị ngập, 45 nhà bị sạt lở hư hỏng; 6ha lúa và hoa màu bị hư hỏng, 29 lồng cá với gần 3.500 kg cá bị hư hỏng, cuốn trôi; 3 điểm trường, 3 trụ sở bị ngập lũ hư hỏng; nhiều tuyến đường bị chia cắt, sạt lở, hư hỏng…

Cầu Bản Vẽ (xã Yên Na, huyện Tương Dương) bị cuốn trôi trong đợt thủy điện xả lũ ngày 30 - 31/8
  • Cầu Bản Vẽ (xã Yên Na, huyện Tương Dương) bị cuốn trôi trong đợt thủy điện xả lũ ngày 30 - 31/8

Người dân bị động

Theo đúng quy trình, trước khi xả lũ, phía các nhà máy thủy điện sẽ thông báo cho chính quyền địa phương vùng hạ lưu để thông tin đến người dân. Nhưng trên thực tế, người dân luôn trong cảnh bị động, không kịp đối phó hoặc không tiếp nhận thông tin đầy đủ về việc xả lũ.

Không chỉ riêng xã Yên Na, nằm ngay phía dưới thủy điện Bản Vẽ, các xã khác của huyện Tương Dương, nằm dọc sông Cả như Xá Lượng, thị trấn Hòa Bình, xã Tam Đình, Tam Quang, Tam Thái… người dân cũng hối hả chạy lũ.

Bà Vy Thị Thủy, Bí thư xã Xá Lượng chia sẻ: Thời điểm đó, tin đồn vỡ đập loan ra. Biết là thủy điện Bản Vẽ đang xả lũ, nhưng cán bộ địa phương không thể nào thông tin rộng rãi đến người dân. Chỉ cần một bức ảnh chụp thủy điện vẫn đang an toàn cũng khó vì sóng liên lạc chập chờn, còn người dân nháo nhào chạy lũ. Tâm lý hoảng loạn và mất phương hướng của người dân là có thật.

Một ngôi nhà đã bị lũ san phẳng hoàn toàn
  • Một ngôi nhà đã bị lũ san phẳng hoàn toàn

Còn người dân thị trấn Hòa Bình vẫn nhắc đến cuộc sơ tán vội vã, nhanh chóng diễn ra một cách bất đắc dĩ cách đây nửa tháng. Nghe tin đồn vỡ đập, chỉ trong một buổi, cả thị trấn đã “vườn không, nhà trống”, người người, nhà nhà dắt díu nhau chạy cả lên núi tránh lũ.

Ngay tại thị trấn Con Cuông, cách trung tâm huyện Tương Dương hơn 60km, cũng chịu dư chấn chạy lũ. “Cả thị trấn như chợ vỡ, người xe hối hả. Nhưng vì trời không hề mưa, mà nước sông dâng cao, lũ cuồn cuộn, tin đồn gãy cầu, trôi nhà… khiến nhiều người hoảng sợ. Chiều hôm đó, nhiều vị phụ huynh vào trường đòi đón con về sớm, trong khi các thầy cô giáo chưa xác định rõ việc gì đang xảy ra”, ông Hồ Sỹ Huệ - Phó Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông nói.

Ở huyện Kỳ Sơn, việc xảy ra lũ quét, lũ ống không phải là hiếm, nhưng người dân chưa bao giờ thấy lụt. Vậy nhưng do ảnh hưởng của bão số 4, lần đầu tiên trong lịch sử, xã Tà Cạ bị ngập sâu trung bình hơn 1m nước, nơi sâu nhất là 3m. Tại thị trấn Mường Xén, hàng chục nhà dân, trường tiểu học, mầm non và ngay cả trụ sở Phòng GD&ĐT huyện cũng bị ngập sâu trong nước lũ.

Thực tế, thời gian vừa qua là mùa mưa tại miền Tây Nghệ An, nhưng nếu với lũ tự nhiên, dòng chảy và tốc độ nước khác với dòng lũ khi thủy điện tích xả ra. Theo ông Nguyễn Xuân Trường – Trưởng phòng NN&PTNT, thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kỳ Sơn, các nhà máy thủy điện xả lũ với cường độ lớn nhưng lại thông báo quá gấp. Cụ thể, ngày lúc 8 giờ sáng ngày 17/8, Công ty Thủy điện Nậm Mô báo tin sẽ thực hiện xả lũ với cường độ 1.200m3/s. Một tiếng sau, nước đã ngập kín thị trấn Mường Xén. Cứ báo tin kiểu như vậy, cán bộ, người dân phía hạ lưu làm sao mà chuẩn bị, ứng phó kịp?

 _____________________

Bài 2: Không chỉ là chuyện đền bù khi gây hậu quả

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.