Bằng mọi cách giữ cầu
Tiếng kẻng dồn dập vang lên, đánh thức tất cả người dân xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An dậy trong đêm. Trẻ con được dặn ở nhà, còn người lớn hối hả chạy ra cầu Chôm Lôm. Nước lũ dâng lên từng bậc, bà con mỗi người vác 2 bì tải cát để giữ bờ sông phía Nam đang bị sạt lở. Trong suốt 3 ngày liên tục từ 29 – 31/8, hàng nghìn bao cát, đá hộc được ném xuống làm bờ kè, nhưng nước lũ vẫn cứ đổ về cuồn cuộn. Đến 15 giờ chiều ngày 31/8, nước sông chảy xiết, dâng cao, mọi người không dám mạo hiểm đành phải dừng tay.
“Thời gian đó, thủy điện xả lũ liên tục với lưu lượng lớn. Nước sông Lam cao 3 - 4m so với bình thường. Đến 7 giờ 15 phút ngày 1/9 thì nước lũ cuốn trôi 1 mố cầu Chôm Lôm, khiến cầu bị đứt gãy khoảng 6m, đoạn đường dẫn lên chân cầu bị phá vỡ và hổng. Ngoài ra, nhiều diện tích đất nông nghiệp của xã phía bên bờ nam sông Lam cũng bị ngập, sạt lở nghiêm trọng. Cũng may nhờ nỗ lực của cả xã trước đó, nên phần trụ cầu neo dây văng vẫn an toàn, vẫn giữ được cầu” - bà Lô Thị Thủy, Bí thư xã Lạng Khê cho biết.
Sau khi sự cố xảy ra, UBND huyện Con Cuông đã huy động các phương tiện chở 5.000 khối đá hộc, 2.000 rọ thép, huy động hơn 200 dân quân tự vệ và người dân xã Lạng Khê thay phiên nhau làm rọ đá để xây kè tại các điểm sạt lở. “Khi nước rút sẽ tiếp tục đổ đá xuống mố cầu để nắn dòng chảy ra xa, đảm bảo an toàn cho trụ cầu Chôm Lôm” - ông Vi Văn Duẩn - Phó Chủ tịch UBND xã Lạng Khê nói.
Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã có rào chắn hai bên đầu cầu, nghiêm cấm việc người dân, học sinh và các phương tiện qua lại… Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Lạng Khê, mọi nỗ lực cũng chỉ bảo vệ trụ cầu, tránh làm xói lở thêm để giữ cầu. Để phục vụ nhu cầu qua lại của người dân, nhiều phương án được nghĩ đến như ghép bè bằng gỗ, tre nứa bắc qua đoạn cầu bị đứt nhưng sau đó đều bị bác bỏ vì không đảm bảo an toàn.
Cầu Chôm Lôm bị đứt gãy khoảng 6m, người dân không thể qua lại |
Ký ức Chôm Lôm
Ông Lộc Văn Hóa (bản Piềng Khử, xã Lạng Khê) năm nay gần 70 tuổi, thốt lên: “Chưa năm mô lũ dữ như năm nay, trời không mưa mà vẫn có lũ”. Trước kia mỗi mùa mưa, khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về, thì nước từ trong khe Thơi cũng đổ ra, hãm tốc độ của dòng chảy chính, đẩy nước sang bờ bên kia. Bên kia sông là một dãy núi đá, giữ cho làng bản không bị xói lở, còn phía bên này, hàng năm được bồi phù sa. Người dân Lạng Khê sống bằng nghề trồng mía, trồng hoa màu ở bãi bồi sông Lam này, nhờ có phù sa màu mỡ.
Nhưng trận lũ vừa qua, chỉ thấy nước ồ ạt từ thượng nguồn đổ về, cuốn phăng mọi vật cản. Người dân chỉ biết do việc xả lũ nên nước sông mới dâng cao đến thế. “Trời không mưa, nước khe đang cạn, dòng chảy yếu không đủ sức đẩy và cản bớt dòng lũ chính. Dân chúng tôi cũng cố hết sức, cả ngày lẫn đêm, mà cầu vẫn bị đứt”, ông Lô Văn Hóa nói.
Tại sao người dân nơi đây lại thương cây cầu Chôm Lôm đến thế? Tại sao phải lăn xả để giữ? Đó là chiếc cầu bắc qua sông Lam, cho 570 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu của các bản Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hòa hàng ngày qua lại. “Cây cầu giúp cho buôn bán, giao thương thuận lợi hơn, đời sống bà con từ đó cũng dần phát triển. Giá cây mía, con lợn, con gà cũng tăng lên một chút” - bà Lô Thị Thủy, Bí thư xã Lạng Khê nói.
Nhưng cây cầu Chôm Lôm còn giữ một ký ức, một nỗi đau chung khôn nguôi của người dân Lạng Khê. Mùa mưa năm 2006, nước lớn, con đò thô sơ không may bị hút vào vũng nước xoáy. Vụ đắm đò kinh hoàng cướp đi sinh mạng của 19 học sinh của Trường THCS Lạng Khê. Tiếng khóc gọi con ai oán cả một khúc sông. Mãi đến 8 năm sau, người ta mới thấy xác con đò. Và đến giờ còn 5 cháu mất tích, vĩnh viễn nằm lại đâu đó dưới dòng sông Lam…
Nỗ lực khắc phục cầu Chôm Lôm bị lũ cuốn trôi 1 mố cầu |
Vấn đề sau sự cố
Chiều muộn 1/9, tại đoạn cầu Chôm Lôm phía bờ Nam bị lũ cuốn gãy một mố cầu, nhiều người vẫn chưa nghỉ. Ngoài công nhân của đơn vị thi công xây, còn có rất nhiều người dân của các bản 2 bên cầu. Khi mặt trời đã xuống hẳn núi, ông Ngân Văn Bành vẫn nán lại. Những người xung quanh nói: Ông ấy là người ở bản Chôm Lôm. Năm xưa, con trai ông ấy là 1 trong 19 đứa trẻ bị cuốn trôi trong vụ đắm đò. Bây giờ, nhìn thấy cây cầu bị đứt, đau xót quá nên mấy ngày qua, ông ấy đều đến đây góp sức giữ cầu.
“Vụ đắm đò vào ngày 7/10/2006, đã 12 năm rồi. Con tôi là đứa trẻ đầu tiên được tìm thấy, đưa lên bờ. Năm đó, nó học lớp 8” - ông Bành nhớ như in. Cậu bé cũng là con trai duy nhất của ông. Sau tai nạn thương tâm, vợ chồng ông sinh thêm được 1 cháu gái là Ngân Thị Kim Thanh. Năm nay, cháu lên lớp 6 Trường THCS Lạng Khê, mới đi học được ngày đầu tiên thì cầu đứt.
Hiện, cầu Chôm Lôm đang bị cấm qua lại để sửa chữa. Con gái ông Bành cùng 166 em học sinh THCS khác của 3 bản Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hòa không thể qua sông đến trường. Nhà trường cũng nghĩ đến phương án cho các em ở tạm trong nhà công vụ giáo viên để đi học. Nhưng với số lượng học sinh quá lớn như thế, số phòng ở của các thầy cô không đủ. Trước tình thế này, nhà trường phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương đưa các em đi gửi ở nhà người quen, hoặc họ hàng gần trường ở nhờ để đi học. Khi nào khắc phục, sửa được cầu thì các em trở về nhà và đi học bình thường.
Ông Vi Văn Sơn (Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, Nghệ An) cho biết: “Vừa qua, địa phương đã huy động nhân lực và trích ngân sách để khắc phục, bảo vệ cầu, giữ cho các mố cầu còn lại và trụ cầu không bị trôi. Tuy nhiên, để nối lại, sửa chữa cầu cần thời gian, bản vẽ thiết kế để thi công chính xác và kinh phí lớn. Mà những việc trên vượt quá khả năng của địa phương, chúng tôi không kham được”.