Tết đa sắc màu cho học trò vùng cao xứ Nghệ

GD&TĐ - Tại những trường vùng cao Nghệ An có học sinh dân tộc học tập, trong dịp Tết nhà trường tổ chức nhiều hoạt động đa dạng sắc màu văn hóa.

Cô giáo hướng dẫn học sinh tự tay gói bánh chưng trong hoạt động trải nghiệm Ngày Tết quê em.
Cô giáo hướng dẫn học sinh tự tay gói bánh chưng trong hoạt động trải nghiệm Ngày Tết quê em.

Điều đó đã giáo dục tinh thần giữ gìn, phát huy bản sắc, để lại kỷ niệm đẹp, giúp học sinh thêm gắn bó trường lớp, thầy cô.

Tết đầu tiên ở trường bán trú

Bắt đầu từ dịp Tết Dương lịch, Trường Tiểu học Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An) tổ chức chuỗi hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Ngày Tết quê em” cho học sinh của 7 điểm trường. Ngày Tết đầu tiên được tổ chức tại điểm bản Minh Tiến cho 214 em người Thái, Khơ Mú cùng sự góp mặt của phụ huynh, bà con trong bản.

Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lượng Minh, cho hay, hoạt động trải nghiệm “Ngày Tết quê em” gồm 5 phần: Tổ chức quyên góp gây quỹ để trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; thi gói bánh chưng, bánh tét; trang trí cành đào, mâm ngũ quả; tổ chức trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và cuối cùng liên hoan tất niên.

Để chuẩn bị cho chương trình, nhà trường trích kinh phí và huy động xã hội hóa từ phụ huynh, chung tay góp gạo nếp, củi, lá dong… và cùng tham dự ngày Tết với con em mình. Chung vui với thầy trò, bà con dân bản còn mang đến cồng chiêng và các vật dụng phục vụ trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, nhảy sạp… Cả sân trường rộn ràng, vui vầy không khí Tết.

Lương Thánh Nông, năm nay học lớp 5 và là một trong số những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nhà trường ưu tiên đưa về ở và học bán trú tại điểm bản Minh Tiến. Nhà của Nông ở bản Chăm Puông, cách trường gần 10km. Nông chưa từng có một gia đình trọn vẹn đúng nghĩa khi bố mất sớm, mẹ cũng bỏ đi không rõ tung tích cho đến nay. Nông cùng chị gái ở với ông bà rồi sang nhà chú. Mấy năm nay, chị gái đã học lên cấp 2 tại Trường Phổ thông DTBT THCS Lượng Minh, nên chỉ còn lại Nông ở lại bản với gia đình chú, đời sống kinh tế còn vất vả, khó khăn.

Được vận động đến trường ở bán trú, Lương Thánh Nông đã hòa nhập nhanh và tự lập hẳn so với các bạn. Sau thời gian đầu còn chút bỡ ngỡ rụt rè, giờ đây, cậu học trò Thái đã mạnh dạn, tự tin, yêu thích đến trường vì có thêm nhiều bạn bè, được thầy cô chăm lo. Năm nay cũng là lần đầu tiên Nông đón Tết ở trường. “Em chơi cùng các bạn, xem trang trí cành đào, luộc bánh chưng. Thầy cô dặn chờ bánh chín sẽ đưa ra ăn tất niên luôn với các bạn”, Nông thích thú nói. Niềm vui trẻ thơ đã trở lại với Lương Thánh Nông ở mái trường – ngôi nhà thứ hai đầy ấm áp, sum vầy.

Học sinh chơi ném còn – trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Thái.

Học sinh chơi ném còn – trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Thái.

Theo thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng, năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên nhà trường đưa học sinh lớp từ các bản về Minh Tiến tổ chức bán trú. Tổng số học sinh bán trú là 141 em. Bao gồm học sinh lớp 3 các bản lẻ Cà Mong, Xốp Cháo, Đửa, Côi… tập trung tại một điểm để học tiếng Anh, Tin học theo Chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, còn có 15 em lớp 4 - 5 hoàn cảnh khó khăn của bản Chăm Puông cũng được đưa về bán trú, tạo điều kiện cho các em yên tâm học tập, tránh nguy cơ bỏ học giữa chừng.

Học sinh bán trú sẽ ở tại trường ăn ở, sinh hoạt, học tập từ thứ 2 - 6. Vì vậy dù không phải nơi đặt trường chính, nhưng điểm bản Minh Tiến có đông học sinh nhất trường với nhiều thành phần dân tộc. Các chương trình, hoạt động trải nghiệm của nhà trường nhằm tăng cường kỹ năng, hiểu biết cho học sinh nhưng cũng luôn chú ý đến đặc trưng, truyền thống và tín ngưỡng văn hóa của mỗi dân tộc.

“Học sinh tuổi còn nhỏ, chưa nhận thức rõ nét về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, nhưng điều dễ nhận thấy khi tổ chức các hoạt động lồng ghép trò chơi, điệu múa, bài hát hoặc mặc trang phục truyền thống… thì các em đều hào hứng, thích thú. “Chương trình Ngày Tết quê em” trước hết tạo sân chơi trải nghiệm cho học sinh và giới thiệu đặc trưng ngày Tết cổ truyền dân tộc và những nét văn hóa riêng, độc đáo của người Thái, Khơ Mú ở vùng cao Nghệ An”.

Cũng theo lãnh đạo nhà trường, sau chương trình “điểm” tại bản Minh Tiến, 6 điểm bản khác của trường sẽ lần lượt tổ chức hoạt động trải nghiệm tương tự cho học sinh trước khi nghỉ Tết Nguyên đán. Các chương trình đều tổ chức quyên góp gây quỹ tặng quà cho học sinh khó khăn của trường. Hoạt động nhằm giáo dục tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia, quan tâm đến các bạn còn nhiều vất vả trong lớp, trong trường.

Học sinh Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An giới thiệu đến khách mời những nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực vùng cao. Ảnh minh họa.

Học sinh Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An giới thiệu đến khách mời những nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực vùng cao. Ảnh minh họa.

Giữ bản sắc, văn hóa cho học sinh vùng tái định cư

Những ngày cuối năm, Trường THCS Kim Lâm (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An) chộn rộn chuẩn bị kế hoạch tổ chức chương trình vui Tết cho học trò. Đây là ngôi trường thuộc huyện miền xuôi của tỉnh, nhưng lại chiếm tới hơn 70% học sinh người dân tộc thiểu số như Thái, Khơ Mú, Ơ Đu… Vì thế, ngày Tết của thầy trò trở nên đặc biệt hơn với nhiều hoạt động mang màu sắc văn hóa đa dạng.

Một trong những vấn đề mà nhà trường tâm huyết, triển khai từ năm 2021 và tiếp tục duy trì đến nay là “giữ gìn bản sắc dân tộc cho học sinh vùng tái định cư”. Chương trình được chia thành 3 nhóm hoạt động: Thi kiến thức hiểu biết văn hóa truyền thống; bài hát, điệu múa, nhạc cụ đặc trưng của mỗi dân tộc như sáo, kèn, khắc luống, hát lăm…; ẩm thực dân tộc và trò chơi dân gian.

Thầy Trần Văn Lưu, Phó Hiệu trưởng, cho biết: “Chúng tôi đã mời nhà giáo, chuyên gia văn hóa, các nghệ nhân dân gian và già làng uy tín trong xã đến tham gia với vai trò chủ trì mỗi hoạt động. Qua đó đem đến ngày hội đa sắc màu và đúng với giá trị, bản sắc dân tộc của học sinh. Thầy, cô giáo, nhà trường chỉ đóng vai trò tổ chức, không thể nào am hiểu sâu sắc văn hóa như họ được…”.

Trường THCS Kim Lâm (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương) được thành lập cách đây gần 15 năm, cũng bằng với số năm mà bà con các bản Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Dương (cũ) của huyện Tương Dương rời quê hương, xuôi hơn 150km về đây tái định. Họ nhường lại nhà cửa, đất đai, bản làng cùng ký ức và dấu vết đời sống văn hóa của bao nhiêu đời chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.

Từ năm 2006, những hộ dân bắt đầu về Thanh Sơn và đến năm 2008 thì cơ bản bà con người Thái, Khơ Mú, Ơ Đu… ổn định chỗ ở. Người lớn làm quen với cuộc sống tái định cư, trẻ con đến trường mới. Nhiều thầy, cô giáo từ Tương Dương cũng được chuyển về Thanh Chương để tiếp tục phụ trách dạy học, tránh thay đổi đột ngột cho học sinh.

Trò chơi dân gian nhảy sạp không thể thiếu trong chương trình Tết tại nhiều trường học.

Trò chơi dân gian nhảy sạp không thể thiếu trong chương trình Tết tại nhiều trường học.

Nhiều năm công tác và gắn bó tại Trường THCS Kim Lâm, thầy Lưu chia sẻ: Khi chuyển về nơi tái định cư, học sinh có nhiều thuận lợi trong học tập, từ giao thông, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… Điều đó thể hiện trong chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao và nhiều em đạt thành tích tốt, thi đậu vào trường THPT và hòa nhập với học sinh người Kinh ở các xã khác.

Tuy nhiên, thầy Lưu cũng cho rằng, điều thiệt thòi khi các em không còn được sinh ra, lớn lên ở bản làng cũ đó là không còn môi trường nơi hình thành phong tục tập quán, tín ngưỡng lâu đời của dân tộc mình. Dù gia đình, người thân, bà con dân bản vẫn mang theo tiếng nói, những nét văn hóa đặc trưng, truyền thống về nơi tái định cư, nhưng nguy cơ lớp trẻ bị mai một vẫn đáng lo ngại. Với đặc thù đó, bên cạnh dạy kiến thức, nhà trường luôn chú trọng giáo dục truyền thống, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa cho học sinh.

Ông Vi Văn Thành, phụ huynh của trường đồng thời cũng là cán bộ văn hóa xã Thanh Sơn, chia sẻ: “Giờ đây, những người vốn ở làng cũ trên huyện Tương Dương chuyển về như tôi, phần lớn đã thành người già, hoặc trưởng thành lập gia đình. Thế hệ các cháu sinh ra, lớn lên và đi học đều tại xã Thanh Sơn. Vì thế, khi nhà trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, mời phụ huynh đến tham gia, chúng tôi rất vui mừng và ủng hộ. Tôi mong các cháu lớn lên sẽ không quên gốc gác, vẫn giữ được truyền thống dân tộc mình…”.

Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An quy tụ học sinh nhiều thành phần dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ…

Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An quy tụ học sinh nhiều thành phần dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ…

Hội xuân đa sắc màu “nội trú”

Câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật dân tộc của Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An sôi nổi tổng duyệt cho chương trình giao lưu “Sắc xuân nội trú” và đón Tết Quý Mão 2023. “Trong đó, tiết mục quen thuộc nhưng được học sinh hào hứng tham gia là điệu xòe mang tên Vũ điệu kết đoàn. Tiết mục không chỉ có học sinh người Thái tham gia, mà là bức tranh đa sắc màu của học sinh các dân tộc đang học tập tại trường…”, em Hà Anh, thành viên CLB, cho biết.

Thành lập mới gần 2 năm, nhưng CLB nghệ thuật dân tộc đã quy tụ hơn 100 bạn tham gia tích cực, chủ động, đóng góp trong nhiều hoạt động của nhà trường. Thành viên CLB không chỉ gồm những học sinh có năng khiếu văn nghệ, mà còn nhiệt tình, mạnh dạn, muốn lan tỏa bản sắc dân tộc mình. Tùy vào sở trường, thế mạnh của mỗi thành viên, CLB sẽ phân chia các bạn về 5 ban hoạt động ở các nội dung từ đàn - hát, nhảy - múa, kịch – MC và truyền thông.

Anh Trần Đức Huy, Bí thư Đoàn trường, Chủ nhiệm CLB, cho biết: “Trường THPT DTNT tỉnh là nơi quy tụ học sinh nhiều thành phần dân tộc nhất trên địa bàn như Thái, Mông, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu, Kinh... Đây cũng là lợi thế cho hoạt động nghệ thuật của nhà trường với sự đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc. Các hoạt động của CLB cũng được tổ chức theo định hướng huy động đông đảo học sinh tham gia. Từ đó cùng hiểu hơn các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Hình thành ý thức bảo vệ, phát huy, lan tỏa những nét đẹp văn hóa quê hương…”.

Chương trình nghệ thuật chào xuân 2023 diễn ra trong 2 ngày. Ngày đầu tiên gói và nấu bánh chưng, ăn cơm tất niên. Ngày thứ 2 sẽ dành cho hoạt động giao lưu thi đấu thể thao và chương trình nghệ thuật với các tiết mục mang đặc trưng các dân tộc cũng như màn múa, hát, nhảy sôi động của học trò.

Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An, cho hay, đối với học sinh nội trú, phần lớn thời gian là ở trường, ngôi nhà thứ 2 nuôi dưỡng, chăm sóc các em trưởng thành. Đã thành thông lệ, trước khi về nghỉ Tết với gia đình nhỏ ở bản làng, nhà trường tổ chức chương trình tất niên ở ngôi nhà chung, gia đình lớn cho toàn bộ học sinh.

Trong chương trình, nhà trường cũng kêu gọi các nhà hảo tâm trao học bổng, quà Tết cho học sinh khó khăn. “Chương trình Tết cũng là dịp để cô trò cùng nhìn lại một năm học tập, rèn luyện, gắn bó hơn từng ngày với thầy cô, bạn bè. Chúng tôi muốn tạo kỷ niệm đẹp trong quãng đời học sinh của các em ở ngôi trường đặc biệt, nơi quy tụ nhiều thành phần dân tộc nhưng luôn yêu thương, hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau…”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Qua hoạt động văn hóa vùng miền, dân tộc dịp sát Tết, học sinh được vui chơi, trải nghiệm, tăng cường kỹ năng sống và giáo dục truyền thống văn hóa. Đây cũng là dịp để tăng sự tương tác, phối hợp giữa nhà trường, địa phương thôn bản, phụ huynh cùng mục tiêu quan tâm, chăm sóc, giáo dục học sinh...”, thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lượng Minh (Tương Dương, Nghệ An) khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.