Tôi biết bạn tôi thiếu điều gì... Cho dù cỗ Tết bên kia đại dương cũng đủ đầy các món ăn truyền thống của Tết Việt. Nhưng... ở đó thiếu một thứ mơ hồ nhưng lại luôn hiện hữu, đó là hương xuân, vị Tết ngàn đời của người Việt trong không gian, thời khắc trời đất giao hòa... Trong thẳm sâu ký ức của người Việt, nhất là những người Việt xa quê thì mùi hương trầm vấn vít, mùi phật thủ, bưởi thờ, mùi bánh chưng, lá mùi trong tục tắm tất niên, mùi hành nướng, mùi quế chi thơm nồng... Rồi làm sao quên được vị dưa hành, củ kiệu, vị nem, vị chả, vị bánh mật, chè gừng...
Từ chợ quê...
Có lẽ, thế hệ sinh sau 1975 của chúng tôi, ký ức chợ quê ngày Tết luôn hiện hữu. Đầu tháng Chạp, chợ Tết đã bắt đầu nhộn nhịp, nhưng có lẽ từ khoảng 23 tháng Chạp cho đến chiều 30 là thời điểm chợ quê đông đúc, rộn ràng nhất...
Thời đó, hôm nào không phải đến trường, lũ chúng tôi thường được mẹ cho đi chợ Tết. Vui và háo hức lắm, cái gì cũng thích. Lẽo đẽo theo mẹ len lỏi hết góc chợ này sang góc chợ khác, hết sạp hàng nọ qua sạp hàng kia. Cơ man nào là hàng Tết. Nào hàng quần áo, hàng vải vóc, hàng gia dụng, hàng tranh ảnh, câu đối, hàng hương, hàng gạo nếp, đỗ xanh, hàng lá dong lạt buộc... Rồi nữa, hàng giấy màu, hàng trầu cau, hàng rượu, hàng bánh kẹo, hàng hoa quả với bưởi, dưa hấu, quýt, cam…
Lũ trẻ con chúng tôi thích nhất được mẹ dẫn đến hàng quần áo để thử những chiếc áo sơ mi màu xanh hoặc trắng... Thời đó, có lẽ đó là hai màu chủ đạo.
Thật thích khi được thử áo những chiếc áo thơm thơm mùi vải mới. Tiếp đến, thể nào cũng sà vào hàng tò he, hàng quế, kỳ kèo đòi mua những thứ yêu thích. Cầm trên tay con tò he xanh đỏ, tím vàng, đút túi quần vài mẩu quế thơm lừng, thế là thỏa mãn lắm rồi.
Những ngày áp Tết còn có cả dãy hàng hoa dài hun hút với la liệt các chậu cúc, thược dược, lay ơn, đào quất... Rồi cả hàng pháo nữa... Thi thoảng ông chủ hàng pháo lại đốt vài ba quả pháo tép nổ đì đẹt, khói pháo tỏa lan, thơm thơm, khen khét, xác pháo hồng đào rải cả góc chợ.
Trong cái không gian giao thoa giữa tiết hanh hao cuối đông và cái mơn man của những làn gió báo Xuân, chợ Tết thật đặc biệt với mùi với vị, với những gam màu đa sắc, với sự hối hả tất bật và cả những ánh mắt lạ lẫm xen lẫn háo hức của lũ trẻ chúng tôi...
Quả thật, chợ Tết luôn tỏa lan cái mùi hương rất đặc trưng, khó gọi thành tên nhưng nó lưu vào thẳm sâu ký ức của nhiều thế hệ người Việt cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Đến những mái nhà ăm ắp hương xuân
Món ăn ngày Tết |
Các cụ xưa thật tài tình khi tổng kết hương xuân vị Tết của mỗi gia đình Việt chỉ bằng hai câu thơ: "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh". Chỉ hai câu thôi nhưng nó chứa đựng đủ đầy màu, mùi, vị Tết, đủ đầy cả vật chất lẫn tinh thần để đón xuân...
Cho dù gia cảnh thế nào thì đến Tết, nhà nhà vẫn phải sắm sanh đủ đầy, ít nhất là những cái cơ bản như: Bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, giò chả, xôi gấc, đôi câu đối, vài ba bánh pháo đốt đón giao thừa và trồng cây nêu trước ngõ...
Sau Tết ông Công ông Táo, các gia đình đều bắt đầu chuẩn bị đón Tết. Các bà, các mẹ bận rộn với những bán mua trong các phiên chợ Tết. Những hàng hóa, cây nhà, lá vườn trồng trọt, chăn nuôi chăm bẵm cả năm, cả mùa được mang ra chợ bán. Và đổi lại là những vật dụng, đồ ăn thức uống được mua về chuẩn bị cho ba ngày Tết...
Chòm xóm những ngày này đều rộn ràng chuẩn bị, bận rộn nhưng vui, nhất là lũ trẻ con ăn chưa no, lo chưa kỹ. Trước Tết vài ngày, ba bốn gia đình chung nhau mổ lợn. Từ tinh mơ, khắp xóm, khắp làng vang lên tiếng eng éc của lợn...
Thịt lợn được chia ra, phân loại, chỗ nào dành làm cỗ cúng, chỗ nào nấu ăn dần, chỗ nào làm giò, làm chả... đều rõ ràng. Lũ trẻ con thích nhất là xúm xít xem mổ lợn, xem hết nhà này sang nhà kia. Chúng chờ chực để xin cái bong bóng lợn, đổ nước tiểu ra rồi chà tro nóng cho đến khi se lại thì thổi làm bóng, đá ầm ĩ nơi góc sân...
Mổ lợn xong thì nhà nhà quây quần gói bánh chưng... Đã có thịt lợn tươi ngon, thêm đỗ, thêm hành để làm nhân. Lá dong rửa sạch, gạo nếp ngâm đã vớt lên ráo nước... Các cụ các ông ngả chiếc nong to đùng bắt đầu gói bánh. Mùi Tết bắt đầu lan tỏa từ nhà xuống bếp...
Lại là lũ trẻ ngồi chồm hỗm quanh nong xem gói bánh. Chúng háo hức với những chiếc bánh chưng con con mà khi luộc chín chúng được thưởng thức trước tiên...
Trong cái se lạnh của đêm chớm xuân, cả nhà lại cùng nhau thức trông nồi bánh chưng. Lửa reo vui dưới đáy nồi từ chập tối cho quá nửa đêm trong căn nhà ấm cúng... Bánh chín, những chiếc bánh vuông thành, sắc cạnh, đều tăm tắp được vớt lên và ép nước. Mùi đặc trưng của bánh tỏa ra thơm phức...
Cuối chiều Tất niên, từ chiếc nồi lá mùi già dưới bếp tỏa hương thơm ngào ngạt... cả nhà bắt đầu tắm tất niên. Người già tắm trước, trẻ tắm sau, tất cả đều mang một niềm tin tắm rửa sạch những điều xấu của năm cũ và hướng tới một năm mới hạnh phúc, may mắn.
Cỗ Tết đã xong, cả nhà đều sạch sẽ, nhẹ nhõm, hân hoan tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới... Chiều 30, mâm cỗ Tất niên được dâng lên bàn thờ tiên tổ, nén hương trầm thơm ngọt được thắp lên. Mùi hương tỏa lan trong một không gian thành kính và ấm cúng...
Tàn hương trên ban thờ, cả nhà vui vẻ cùng nhau ăn bữa cơm tất niên trong cái không gian ăm ắp hương xuân, vị Tết... Chào đón năm mới với ước vọng an khanh, thịnh vượng và an yên cho mỗi người và đại gia đình...