Tết ấm áp đến với người nghèo

Tết ấm áp đến với người nghèo

(GD&TĐ) - Khi không khí Tết đến xuân về len lỏi khắp phố phường, mọi người náo nức đi sắm Tết, thì cũng là lúc những gia đình có hoàn cảnh khó khăn phải tất bật mưu sinh mong kiếm tìm thêm chút thu nhập. Vì thế, để có một cái Tết đầm ấm, an lành thực sự là “bài toán khó” cho người nghèo nên họ đang rất cần sự chung tay của cộng đồng xã hội.

Tết mưu sinh 

Nhắc đến Tết, ông Nguyễn Văn Nghinh (Quận Gò Vấp, TPHCM) năm nay hơn 70 tuổi trăn trở: Đời sống bấp bênh, với gia đình ông, ngày thường lo bữa ăn đã chật vật nên chẳng dám nghĩ đến một cái Tết tươm tất, đầy đủ hương vị cúng tổ tiên. Chỉ mong sao có được bữa cơm đủ đầy cúng gia tiên ngày tết đã là vui rồi. Sự chia sẻ rất thật, tâm trạng lo lắng của ông Nghinh cũng là tâm trạng của biết bao nhiêu người nghèo đang vật vã mưu sinh ngoài đường. 

Cũng trong hoàn cảnh khó, túng quẫn như ông Nghinh, chị Nguyễn Thị Hương (Q.Tân Phú, TPHCM) khi nhận được phần quà Tết từ chương trình Cây mùa Xuân của Hội chữ thập đỏ TP đã không giấu nổi niềm vui khi Tết này cũng có chút quà cho con, cháu. Hoàn cảnh gia đình éo le với ba mẹ già ốm nằm liệt. Vì thế, vợ chồng chị làm quần quật không một ngày nghỉ để nuôi ba mẹ và ba đứa con nhỏ. Thế nhưng, dù có cố gắng thế nào thì những đồng tiền kiếm được từ công việc chạy xe ôm của anh và lương phụ hồ của chị cũng không thể đủ đầy. Chính vì vậy, ngày Tết đến với chị lại là nỗi buồn:" Ba năm nay, chưa năm nào gia đình có một cái Tết thật sự, phần vì mình nghèo, không có tiền, phần vì gia đình có người ốm đau nên gia đình chẳng trông mong gì Tết. Tết đến chỉ mong sao có ít tiền mua cho mấy đứa nhỏ bộ đồ mới vậy là vui lắm rồi”-chị nói.

Ảnh MH
Ảnh MH

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân thành thị ngày càng được nâng cao, miếng ăn-việc mặc không còn là một điều gì đó quá xa vời. Tuy nhiên, đâu đó ở nhiều góc khuất của TP sầm uất này, chúng ta sẽ không khó để bắt gặp những chiếc lưng còng đẫm mồ hôi, những mảnh đời khốn khó, bất hạnh phải “đón xuân trên đường mưu sinh”. Họ luôn mong chờ vòng tay của xã hội mỗi dịpTết về để thấyấm lòng trong tiết trời se lạnh của mùa xuân. Có thể nói, những số phận như chị Hương,ông Nghinh, được gọi là người nghèo đô thị. Họ vẫn sống, mưu sinh đấy, nhưng cuộc sống của họ là chuỗi ngày dài khổ cực.

Theo thống kê mới nhất, trên địa bàn TPHCM hiện còn hơn 54.700 hộ nghèo, chiếm 3% tổng hộ dân thành phố. Năm 2012, tình hình kinh tế- xã hội gặp nhiều bất lợi, ảnh hưởng lớn đến thực hiện các chính sách an sinh xã hội và chăm lo Tết Quý Tỵ cho người nghèo. Song, dẫu cả năm có khó khăn thế nào và người lao động nghèo phải vật lộn kiếm sống ra sao, thậm chí lo từng bữa cơm thì họ vẫn cố lo cho ba ngày Tết cổ truyền dân tộc. Chính vì thế cứ gần đến Tết là chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội ở các địa phương đều bận rộn với việc rà soát lên danh sách cần chăm lo, tặng quà Tết cho họ, dù mỗi phần quà trị giá không lớn nhưng đấy là tấm lòng, sự sẻ chia của toàn xã hội.

Năm nay, Ủy ban Mặt Trận tổ quốc, Ban vận động Vì người nghèo TPHCM đã quyết định dành 4,4 tỉ đồng chuẩn bị quà Tết tặng các đối tượng chính sách, đồng bào nghèo. Ông Nguyễn Văn Xê- Phó giám đốc Sở LĐTB XH TPHCM, cho biết: Dù kinh tế năm qua không thật sự tốt, công tác chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vẫn đạt được những chỉ tiêu và cột mốc đáng mừng. Năm nay, chủ trương của UBND TP cũng vẫn như mọi năm, đó là phối hợp với các ngành, tổ chức, các nhà hảo tâm để thực hiện chăm lo thật tốt cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, không để ai, gia đình nào không có tết. 

Cả xã hội chung tay mang Tết cho người nghèo

Trăn trở với nỗi niềm còn nhiều cụ già neo đơn, trẻ khuyết tật ở khắp các quận huyện, mái ấm đang ngóng chờ món quà xuân đầu năm, nhiều đoàn thể, tổ chức xã hội từ thiện, các doanh nghiệp cũng đã triển khai nhiều chương trình mang Tết đến cho người nghèo. Từ TW cho đến địa phương, khắp các quận huyện, phường xã đâu đâu cũng có phong trào; Tết vì người nghèo, chung tay góp mùa Xuân vui, Xuân ấm áp… Theo số liệu báo cáo từ Cục Người có công (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), tính đến nay ngân sách dành tặng quà cho các đối tượng người có công tại 63 tỉnh, thành trên cả nước nhân dịp Tết Nguyên đán 2013 là gần 1.190 tỉ đồng, trong đó: quà Chủ tịch nước khoảng 393,5 tỉ đồng (dành cho 1.890.059 đối tượng) và quà địa phương ước tính hơn 796 tỉ đồng (dành cho 2.301.465 đối tượng)

Người dân Việt Nam vốn có tinh thần nhường cơm sẻ áo, tương trợ lẫn nhau khi khó khăn. Vì thế, không có gì lạ khi từ người nghèo, công nhân lao động nghèo, người có thu nhập thấp dù làm bất cứ công việc lương thiện gì nuôi sống bản thân cũng đều góp phần cho sự phát triển chung của thành phố, chung tay vì Tết cho những hoàn cảnh khó khăn. Quan tâm chăm lo Tết cho người nghèo và gia đình chính sách là một phần trong chính sách an sinh xã hội, đồng thời là động lực, là niềm tin, sức mạnh để người nghèo vươn lên trong cuộc sống, thể hiện nghĩa cử cao đẹp, truyền thống dân tộc mỗi khi xuân về,Tết đến. Cuộc sống quanh ta vẫn cần nhiều lắm những bàn tay, những trái tim giúp đỡ, sẻ chia hơn nữa. Hạnh phúc chính là sự nhân lên của mỗi một niềm vui, mỗi một nụ cười mà người này mang tặng cho người khác.

Nằm trong chuỗi hoạt động thường xuyên của Hội mỗi dịp Tết đến, xuân về tối 27/1, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và Ban Giám đốc Nhà văn hóa Phụ nữ đã đến thăm và trao 120 phần quà, mỗi phần trị giá 400 ngàn đồng cho phụ nữ nghèo và công nhân nhập cư ở 15 phường quận Tân Bình. Trước đó, Hội LHPN quận Tân Phú cũng trao 186 phần quà cho hội viên phụ nữ, nữ cựu thanh niên xung phong và các gia đình có con em đang công tác ở hải đảo nhân Tết cổ truyền Quý Tỵ 2013. Với phương châm “đem Tết đến với mọi nhà”, Hội LHPN TP với sự hỗ trợ của nhiều mạnh thường quân và đơn vị kinh tế đã trao tặng 4.500 phần quà tết cho cán bộ, hội viên, các trường hợp phụ nữ khó khăn, phụ nữ khuyết tật ở 24 quận huyện.

Có chứng kiến, có cảm nhận niềm vui của những người nghèo khi được cộng đồng tương trợ, xã hội chung tay giúp gia đình họ có Tết vui xum vầy, mới thấy và hiểu rằng: Sự lan tỏa của Cây mùa xuân (Chương trình vì người nghèo của Hội chữ thập đỏ TP) cùng những phần quà Tết được phân phát đến tận tay những cụ già neo đơn, trẻ em bất hạnh, những hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn…lớn đến nhường nào? Mỗi phần quà không giá trị bao nhiêu, nhưng nếu chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc của người được nhận, có lẽ mới thấy hết được hương mùa xuân, hương của lòng nhân ái ý nghĩa đến biết bao. Niềm vui của bác Trần Thị Thương khi cầm được giỏ quà Tết trên tay như xua đi những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt đen xạm của tuổi già. Ôm phần quà gồm bánh ngọt, dầu ăn, nước mắm, mứt, đường, nếp…bà Nguyễn Thị Phương (Q. 12) rưng rưng nước mắt. Bà cứ ngắm đi ngắm lại như sợ niềm vui được ăn Tết sớm vuột mất, mới thấy rõ rằng: sự sẻ chia của cộng đồng mang lại niềm tin và yêu thương cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ý nghĩa thế nào..

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ