Tên lửa Typhon và quyền tối cao toàn cầu

GD&TĐ - Sau khi triển khai hệ thống tầm trung Typhon (vũ khí bị cấm theo Hiệp ước INF) tại Philippines, Mỹ tiếp tục triển khai tên lửa này tại Nhật.

Hệ thống Typhon có thể phóng nhiều loại tên lửa của Mỹ.
Hệ thống Typhon có thể phóng nhiều loại tên lửa của Mỹ.

Duy trì quyền tối cao

Nhà phân tích địa chính trị và cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Brian Berletic nói với Novosti rằng kế hoạch triển khai những vũ khí này của Washington tại châu Á là "một phần trong chiến lược lâu dài rộng lớn hơn nhiều của Mỹ nhằm bao vây và kiềm chế Trung Quốc".

Động thái này cũng là "một phần của chiến lược toàn cầu hậu Chiến tranh Lạnh nhằm loại bỏ bất kỳ đối thủ ngang hàng hoặc gần ngang hàng nào và duy trì quyền bá chủ của Mỹ trên toàn cầu".

Học giả Berletic nói thêm rằng kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa Typhon của Mỹ ở châu Âu cũng là "một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm bao vây và kiềm chế Nga".

Theo ông, việc triển khai các vũ khí này tiết lộ một số yếu tố quan trọng liên quan đến chính sách đối ngoại của Mỹ, bao gồm tính liên tục của chương trình nghị sự.

Berletic lưu ý, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước INF trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, nhưng việc triển khai tên lửa Typhon ở nhiều nơi trên thế giới vẫn diễn ra dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Joe Biden.

Ông cho biết: "Quá trình rút khỏi một hiệp ước, phát triển và sau đó triển khai các hệ thống như vậy đã diễn ra trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống, phục vụ một chương trình nghị sự duy nhất, bất kể ai ngồi trong Nhà Trắng".

Berletic nhận xét: "Việc triển khai Typhon cũng cho thấy bản chất thực sự của chính sách đối ngoại Mỹ và bản chất gây rối loạn của nó đối với những 'đồng minh' được cho là của Mỹ".

Mặc dù cả Philippines và Nhật Bản đều "coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của họ", nhưng cả hai đều là nơi đặt tên lửa của Mỹ nhắm vào Bắc Kinh, điều này không giúp cải thiện mối quan hệ giữa họ.

Ông Berletic giải thích rằng: "Đây chỉ là hành động khiêu khích mới nhất trong một loạt hành động khiêu khích làm phức tạp thêm mối quan hệ vốn ngày càng mang tính xây dựng với Trung Quốc".

Ông này đồng thời lập luận rằng việc Philippines và Nhật Bản sẵn sàng cho phép Mỹ thực hiện những hành động như vậy "cho thấy sự thiếu chủ động trong chính sách đối ngoại của cả hai quốc gia".

"Rõ ràng là chính sách cho phép quân đội Mỹ đồn trú nhằm bao vây và kiềm chế Trung Quốc là chính sách do Washington quyết định, không phải Manila hay Tokyo, và là chính sách phục vụ lợi ích của Mỹ, gây bất lợi cho Philippines và Nhật Bản", ông nói thêm.

Chuyên gia Berletic cũng cho rằng thật trớ trêu khi Mỹ tuyên bố rằng việc triển khai các hệ thống vũ khí trên khắp thế giới là "cần thiết để đảm bảo hòa bình và ổn định toàn cầu", ngay cả khi Mỹ "liên tục chứng minh rằng chính mình là mối đe dọa lớn nhất đối với cả hai".

Sức mạnh đáng sợ

Mối nguy hiểm và đáng sợ của MRC Typhon chính là sự đa năng của vũ khí này bởi chúng có thể được trang bị đa dạng các loại đạn tấn công khác nhau.

Đây là một tổ hợp vũ khí đa mục đích triển khai trên đất liền vừa được phát triển thành công, có thể sử dụng để tấn công các mục tiêu trên bộ, trên không và trên biển. Khẩu đội đầu tiên được bàn giao cho quân đội Mỹ tháng 12 năm 2022.

Đạn tấn công chính của tổ hợp là tên lửa Tomahawk, tùy thuộc vào thiết kế và sửa đổi, có thể tấn công những mục tiêu cố định ở khoảng cách lên tới 1.500 km. Do vậy Typhon tương ứng với danh mục hệ thống tên lửa tầm trung.

Ngoài ra, phạm vi vũ khí của hệ thống còn có tên lửa phòng không SM-3, SM-6 và tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-Asroc. Trong tương lai, Typhon dự kiến còn được trang bị tên lửa siêu thanh LRHW Mỹ đang phát triển.

Khẩu đội tiêu chuẩn của tổ hợp bao gồm các bệ phóng cho 4 tên lửa trên khung gầm xe đầu kéo ba trục (tương tự như hệ thống phòng không Patriot) và một đài chỉ huy.

Typhon trên bộ được xây dựng trên cơ sở các thành phần của hệ thống bệ phóng thẳng đứng đa năng Mk 41 được sử dụng rộng rãi trong biên chế Hải quân Mỹ.

Quyết định này giúp rút ngắn khung thời gian tạo ra MRC Typhon và thống nhất phạm vi vũ khí tên lửa cho hạm đội và lực lượng mặt đất.

Bước đi trên của Mỹ được xem là hành động cần thiết kể từ khi nước này rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (Hiệp ước INF), đồng thời hệ thống vũ khí trên cũng là bước phát triển xa hơn so với những hệ thống Aegis Ashore.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Ten Hag muốn Antony sớm trở lại là chính mình.

HLV Ten Hag ra điều kiện cho Antony

GD&TĐ - Trong buổi họp báo trước trận gặp Bransley thuộc khuôn khổ Carabao Cup, HLV Erik ten Hag đã đưa ra những phát biểu thẳng thắn về Antony.