Ngày 9/9, hãng CNN đưa tin rằng Iran bị cáo buộc đã chuyển tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga để sử dụng trong hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine.
"Chúng tôi đã thấy những báo cáo này, không phải lúc nào thông tin như vậy cũng đúng với thực tế. Iran là đối tác quan trọng của chúng tôi, chúng tôi đang phát triển quan hệ thương mại và kinh tế.
Chúng tôi đang phát triển hợp tác và đối thoại trong mọi lĩnh vực có thể, bao gồm cả những lĩnh vực nhạy cảm nhất. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều này vì lợi ích của người dân hai nước chúng ta", ông Peskov nói khi bình luận về thông tin trên.
Ngay sau khi CNN đưa tin Iran chuyển giao tên lửa đạn đạo để Nga, phát ngôn của phái bộ Iran tại Liên Hợp Quốc ở New York khẳng định: "Iran không tham gia vào các hành động như vậy, nhưng cũng kêu gọi các quốc gia khác ngừng cung cấp vũ khí cho các bên tham gia vào cuộc xung đột".
Tuy nhiên, khi phát biểu với truyền thông Iran ngay trước đó, Nghị sĩ Ahmad Bakhshayesh Ardestani, thành viên Ủy ban an ninh và chính sách đối ngoại Iran xác nhận nước này đang gửi tên lửa đạn đạo cho Nga để đổi lấy đậu nành và lúa mì.
"Chúng tôi lách lệnh trừng phạt thông qua quan hệ đối tác với Nga. Chúng tôi nhập khẩu đậu nành, ngô và các hàng hóa khác từ Nga", ông Ahmad Ardestani cho biết.
Cộng hòa Hồi giáo Iran đang chịu lệnh trừng phạt nặng nề từ phương Tây hạn chế khả năng tiếp cận các ngoại tiền tệ mạnh, buộc Tehran phải đổi hàng hóa lấy lương thực và nhiên liệu từ đối tác và đồng minh.
"Chúng tôi cung cấp tên lửa cho Hezbollah, Hamas và Hashd al-Shaabi (lực lượng bán quân sự Iraq), vậy tại sao không thể cung cấp cho Nga?
Châu Âu bán vũ khí cho Ukraine. Lính NATO cũng có mặt ở Ukraine, vậy tại sao chúng tôi không hỗ trợ đồng minh của mình bằng cách gửi tên lửa và máy bay không người lái (UAV) đến Nga?", ông Ardestani nói với truyền thông Iran.
Cũng theo CNN, khả năng Iran đã chuyển 2 loại tên lửa tầm ngắn Ababil và Fath-360 cho Nga và các quân nhân Nga được cho là đã tham gia khóa đào tạo vận hành ở Iran.
Ông Fabian Hinz, nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nói: "Vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải.
Câu hỏi là Iran cung cấp cho Nga hệ thống cụ thể nào, chúng sẽ mang tính chiến lược hay chiến thuật? Câu trả lời cho câu hỏi này có ý nghĩa quan trọng đối với Ukraine".
Những tên lửa chiến thuật có khả năng gây ra nhiều mối đe dọa hơn đối với Ukraine. Ababil và Fath-360 có tầm bắn lần lượt là 86 km và 120 km. Mục tiêu mà Nga có thể tấn công bằng các tên lửa này sẽ chỉ hạn chế ở gần biên giới và tiền tuyến.
"Nhiều khả năng chúng sẽ được sử dụng cho các mục tiêu gần tiền tuyến như trung tâm hậu cần, sở chỉ huy, doanh trại, kho nhiên liệu", ông Hinz cho biết.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110 và Zolfaghar có tầm bắn lần lượt là 300km và 700km. Nếu Iran cung cấp những tên lửa này cho Nga, về cơ bản, Moscow có thể tấn công sâu bên trong lãnh thổ Ukraine.
Ông Hinz nói thêm: "Tầm bắn của Zolfaghar thực tế lớn hơn một chút so với Iskander của Nga. Do đó, Nga có thể sử dụng chúng để nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp Ukraine".
Tầm bắn và mức độ phá hủy do tên lửa đạn đạo như vậy gây ra đã được chứng minh khi Nga sử dụng Iskander tập kích Poltava hôm 3/9.
Điều đáng chú ý là ngay cả tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhất của Iran cũng có thể vươn tới các thành phố như Kharkov, nơi chỉ cách biên giới Nga 30km.
"Đây chính là lý do khiến thông tin Iran chuyển tên lửa cho Nga đang được Kiev đặc biệt quan tâm", học giả Hinz nhấn mạnh.