Do đó, đầu năm học 2024 - 2025, nhiều địa phương đã sát sao nhằm “chấn chỉnh” tình trạng này.
Chỉ đạo sát sao
Nhằm tăng cường công tác quản lý thu, chi, trước thềm năm học mới, Sở GD&ĐT TPHCM vừa ra văn bản hướng dẫn về các khoản thu đầu năm học. Theo đó, sở hướng dẫn cụ thể với từng khoản nhằm tránh tình trạng lạm thu.
Đồng thời lưu ý các trường khi xây dựng dự toán thu - chi cần căn cứ vào hướng dẫn chuyên môn của ngành Giáo dục về thực hiện chương trình dạy học, ngoại khoá… Trong đó, sở yêu cầu nhà trường không thay đổi tên và phát sinh bất kỳ nội dung nào ngoài danh mục khoản thu được quy định trong văn bản.
Đối với các khoản ngoài học phí, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu cơ sở giáo dục phải thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND về các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TPHCM từ năm học 2024 - 2025.
Căn cứ tình hình thực tế của cơ sở giáo dục và nhu cầu học sinh, nhà trường cần thống nhất với cha mẹ học sinh mức thu cụ thể. Mức thu này không được vượt quá quy định tại Nghị quyết 13 và không cao hơn 15% so với mức thu đã thực hiện ở năm học 2023 - 2024.
Tương tự, trước thềm năm học mới, Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo tránh tình trạng “lạm thu” trong các cơ sở giáo dục công lập. Đối với việc thu học phí năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT Bạc Liêu đề nghị các đơn vị trường học thực hiện đúng theo Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành tại kỳ họp chuyên đề tháng 8/2024.
Đối với các khoản quỹ như: Quỹ đoàn, đội, khuyến học... (nếu có), thủ trưởng các cơ sở giáo dục công lập chỉ đạo thực hiện thu, chi và quản lý, sử dụng đúng quy định. Các khoản thu để mua sắm, phục vụ trực tiếp cho học sinh học tập, sinh hoạt, các trường thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh để tự lựa chọn và quyết định hình thức mua phù hợp. Hiệu trưởng nhà trường không được lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu hoặc ép buộc học sinh mua/may quần áo đồng phục trái quy định.
Tại tỉnh Đồng Nai, Nghị quyết 05/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, được áp dụng hơn 3 năm học qua phát huy hiệu quả tích cực.
Nghị quyết 05 giúp cơ sở giáo dục công lập có cơ sở pháp lý thực hiện các nguồn thu mà Nhà nước cho phép. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có cơ sở đối chiếu khi nhà trường triển khai các nguồn thu dịch vụ phục vụ học tập, hạn chế được tình trạng lạm thu.
Thầy Nguyễn Văn Thuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (TP Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ: “Các khoản thu được Phòng GD&ĐT TP Biên Hòa phê duyệt theo đúng quy trình. Với phụ huynh thắc mắc, nhà trường đưa ra cơ sở thu từ Nghị quyết 05 để mọi người hiểu”.
Xử lý nghiêm nếu vi phạm
Chia sẻ về nguyên nhân nhiều năm qua tình trạng lạm thu vẫn xảy ra vào đầu năm học, ông Trần Khắc Huy - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: “Qua các cuộc khảo sát và kiểm tra cho thấy nhiều cán bộ quản lý chưa vận dụng và hiểu rõ Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Một số đơn vị còn lẫn lộn khi thực hiện hai thông tư này. Do đó, các trường học phải nghiên cứu thật kỹ Thông tư 16 và Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT trong năm học 2024 - 2025 khi thực hiện các khoản thu chi”.
Với quyết tâm ngăn chặn hiệu quả việc lạm thu, không để phụ huynh học sinh bức xúc, Sở GD&ĐT TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý các khoản thu, đồng thời yêu cầu các nhà trường tăng tính minh bạch trong việc thực hiện thu chi các khoản và giám sát nội dung này ngay từ những ngày đầu năm học.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị phòng GD&ĐT các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo quyết liệt hiệu trưởng các đơn vị về vấn đề trên. Hiệu trưởng nào làm sai, phòng GD&ĐT phải có biện pháp xử lý.
“Riêng hiệu trưởng các trường THPT nếu sai thì tôi sẽ trực tiếp xử lý. Chúng ta phải quyết liệt như vậy, trước hết vì quyền lợi của học trò nhưng còn vì danh dự của nhà giáo. Đầu năm học và khi tổ chức sơ kết học kỳ I chỉ nên cùng nhìn nhận trường học đã làm những gì cho học trò chứ không phải ngồi lại kiểm điểm xem trường làm đúng cái này, sai cái kia…”, ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Để không để xảy ra tình trạng lạm thu trong trường học, Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời chấn chỉnh. Đồng thời, sở sẽ thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo của phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố, tổ chức triển khai, thu, quản lý và sử dụng cơ sở giáo dục.
“Sở GD&ĐT Tây Ninh yêu cầu thủ trưởng các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai quy định thu chi đến tất cả cán bộ giáo viên, nhân viên trong đơn vị, cha mẹ học sinh để biết và thực hiện, đồng thời cam kết với cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp thực hiện nghiêm túc không thu các khoản trái quy định.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về các khoản thu, chi trong nhà trường. Sở sẽ xử lý nghiêm với hiệu trưởng cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện thu chi không đúng quy định”, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh cho hay.
Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội ngày 4/9 vừa qua, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, HĐND TPHCM đã ban hành nghị quyết quy định rõ về các khoản thu và mức thu trong trường học. Các trường học phải tuân thủ đúng quy định.
Tất cả khoản thu trong nhà trường phải minh bạch, không được vi phạm nguyên tắc đã đề ra. Trong trường hợp muốn vận động thêm khoản khác, nhà trường chỉ triển khai khi đạt sự đồng thuận của phụ huynh. Khi không được đa số phụ huynh đồng thuận, nhà trường không nên tiếp tục thực hiện.