Thất bại
Tuyên bố được ông James Heappey đưa ra sau khi tờ Moscow Times và một số hãng truyền thông của Nga đăng tải rằng, để tránh bị Ukraine tấn công, Hạm đội Biển Đen của Nga đã chuyển nhiều tàu chiến từ Crimea tới miền nam.
Báo Nga dẫn lời Mikhail Barabanov, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ ở Moskva công bố kết quả nghiên cứu ảnh vệ tinh được Planet Labs chụp đầu tháng 10, cho thấy nhiều chiến hạm chủ lực của Hạm đội Biển Đen Nga đã rời khỏi căn cứ ở Crimea.
Theo đó, chiến hạm Đô đốc Essen và Đô đốc Makarov, ba tàu ngầm, 5 tàu đổ bộ lớn và một số tàu tên lửa nhỏ của hạm đội đang neo đậu tại cảng Novorossiysk, vùng Krasnodar, miền nam nước Nga.
Đô đốc Makarov trở thành soái hạm của Hạm đội Biển Đen Nga sau vụ tàu tuần dương tên lửa Moskva bị đánh chìm năm ngoái.
Hình ảnh vệ tinh trong các ngày 1/10 đến 2/10 cho thấy một tàu đổ bộ cỡ lớn, tàu quét mìn và các tàu nhỏ đã được chuyển từ thành phố Sevastopol, tây nam Crimea, đến cảng Feodosia, nằm ở phía đông bán đảo.
Tháng trước, Sevastopol, nơi có căn cứ của Hạm đội Biển Đen từng hứng chịu hai cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn của Ukraine.
Cuộc tập kích ngày 13/9 khiến một tàu ngầm và một tàu đổ bộ bị hỏng nặng.
Trong khi đó đợt tấn công ngày 22/9 nhằm vào trụ sở Hạm đội Biển Đen cũng khiến công trình bị hư hại đáng kể.
James Heappey, quan chức quốc phòng cấp cao của Anh cho biết, tàu chiến Nga từ cảng Novorossiysk vẫn có thể phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu trong lãnh thổ Ukraine.
Tuy nhiên, việc di chuyển chiến hạm khỏi Crimea đồng nghĩa Nga không thể làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine trong tương lai và là động thái từ bỏ quyền kiểm soát Biển Đen.
"Nga rút loạt tàu chiến khỏi Crimea là sự thất bại về mặt chức năng của Hạm đội Biển Đen và của Hải quân Nga", James Heappey nói.
Tên lửa Anh gây ác mộng
Các nhà phân tích quân sự coi đòn đánh của Kiev bằng tên lửa Storm Shadow và Neptune vào Crimea vừa qua là cuộc tấn công lớn nhất từ đầu chiến sự nhằm vào Sevastopol, nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen Nga.
Tuy nhiên theo Frederik Mertens, nhà phân tích chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Hague, việc một số chiếc tàu Nga bị hư hại sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến khả năng Nga tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình từ Biển Đen.
Được biết, việc Storm Shadow đánh trúng tàu ngầm Nga diễn ra ngay sau khi Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố dòng tên lửa này có khả năng đánh trúng mục tiêu 100%.
"Chúng tôi có thể khẳng định, trong toàn bộ những lần Storm Shadow được khai hỏa, 100% đều đánh trúng mục tiêu", Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố hôm đầu tháng 9.
Storm Shadow Ukraine nhận được là mẫu tên lửa không đối đất có tầm bắn 250km. Ngay khi Kiev được trang bị loại tên lửa này, Nga tuyên bố sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để vô hiệu hóa mối đe dọa từ Storm Shadow, đồng thời cảnh báo Anh chịu hậu quả.
Trước đó, hãng RIA dẫn nguồn tin chính quyền tỉnh Donetsk do Nga bổ nhiệm xác nhận, 2 tên lửa tầm xa Storm Shadow đã được khai hỏa về phía nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol bên bờ biển Azov. Tuy nhiên, cả 2 tên lửa đều không gây ra thiệt hại nào.
Giới chức Nga cũng tiết lộ, lực lượng Ukraine lần đầu sử dụng tên lửa Storm Shadow trong cuộc tập kích thành phố Lugansk hôm 12/5. Moskva tuyên bố đã đánh chặn nhiều Storm Shadow, cùng với thu giữ một số quả tên lửa loại này còn khá nguyên vẹn.
Clip Nga dùng hệ thống Solntsepyok tấn công công sự Ukraine. |