Tây Sơn thất hổ tướng - Kỳ 6: Danh tướng đau đáu phục nghiệp Tây Sơn

GD&TĐ - Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, danh tướng Nguyễn Văn Lộc lên núi Kỳ Sơn ẩn náu. Trong suốt thời gian này, ông vẫn nuôi ý phục nghiệp nhà Tây Sơn.

Khi ở ẩn, Đô đốc Nguyễn Văn Lộc vẫn nuôi chí phục nghiệp nhà Tây Sơn.
Khi ở ẩn, Đô đốc Nguyễn Văn Lộc vẫn nuôi chí phục nghiệp nhà Tây Sơn.

Mưu đồ đại nghiệp

“Phải nghĩ đến dân đến nước. Không có thể làm lợi cho dân, cho nước thì nằm yên chớ đừng nên gây rối. Trung với một người, một nhà, mà làm khổ cho dân cho nước thì trung ấy, kẻ chân chính không nên nghĩ đến. Trung ấy không phải là trung”, lời tướng Nguyễn Quang Huy nói với Đô đốc Nguyễn Văn Lộc, theo tìm hiểu của nhà nghiên cứu Hữu Vinh.

Nhà sử học, GS Nguyễn Khắc Thuần cho biết, Đô đốc Nguyễn Văn Lộc người làng Kỳ Sơn, huyện Tuy Viễn (nay là Tây Sơn – Bình Định). Cho đến nay, vẫn chưa ai biết rõ năm sinh, năm mất của danh tướng nổi tiếng này.

Tương truyền, Nguyễn Văn Lộc thuở nhỏ nhà nghèo, ông phải đi ở chăn trâu cho một phú hộ trong làng. Một hôm, vì ham chơi nên để trâu ăn lúa, về nhà bị chủ đánh mắng, hăm dọa, nên ông bỏ nhà ra đi.

Sau 10 năm trở về, ông đã thành một thanh niên cường tráng. Trong thời gian lang bạt, ông được một người thầy truyền dạy võ nghệ. Cũng từ đó, khắp huyện Tuy Viễn đều biết đến Nguyễn Văn Lộc là người giỏi võ.

Khi anh em Tây Sơn tụ hội quần anh mưu đồ đại nghiệp, Nguyễn Văn Lộc liền đến gia nhập và được đón tiếp nồng hậu.

Nguyễn Nhạc xưng vương, Nguyễn Văn Lộc được phong làm hữu Đô đốc, cùng với tả Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết theo đại binh Nguyễn Nhạc tiến đánh huyện lỵ Tuy Viễn, rồi tấn công vào thành Quy Nhơn.

Mùa thu năm 1773, Nguyễn Văn Lộc tháp tùng Nguyễn Lữ và Võ Văn Cao đi vào Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận để xem xét tình hình dân chúng và liên lạc với hai vua Thủy Xá, Hỏa Xá, vận động nhân dân hưởng ứng cuộc Nam tiến của quân Tây Sơn.

Mùa đông năm ấy, Nguyễn Văn Lộc cùng Lê Văn Hưng theo Chinh Nam đại tướng quân Ngô Văn Sở vào đánh chiếm ba phủ Phú Yên, Diên Khánh và Bình Thuận. Quân Tây Sơn đi đến đâu, dân địa phương nghênh đón đến đó.

Nhờ sự ủng hộ của bách tính, quân Tây Sơn đánh đâu thắng đó. Tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Hiền bị giết tại trận, Nguyễn Khoa Kiên bị bắt sống. Sau đại thắng, quân Tây Sơn rút về. Đô đốc Nguyễn Văn Lộc ở lại trấn thủ Phú Yên.

Mùa đông năm 1774, được tin Châu Văn Tiếp dựng cờ khởi nghĩa tại Trà Lương, huyện Tuy An, Đô đốc Nguyễn Văn Lộc đem quân vây đánh. Quân của Châu Văn Tiếp chưa giáp trận đã tan rã. Tiếp tẩu thoát vào Gia Định, cung thuận Định vương Nguyễn Phúc Tần.

Tống Phước Hiệp cử đại binh chiếm Bình Thuận, tấn công Diên Khánh. Lê Văn Hưng trấn thủ Diên Khánh lui quân về Phú Yên, kết hợp với Nguyễn Văn Lộc chờ binh Nguyễn Huệ kéo vào. Khi hợp binh, quân Tây Sơn đã đánh bại thủy, bộ binh của Tống Phước Hiệp. Sau chiến thắng, Nguyễn Văn Lộc theo Nguyễn Huệ về Quy Nhơn.

Năm Bính Ngọ 1786, Nguyễn Văn Lộc được thăng chức Thủy sư Đô đốc, mang quân theo Nguyễn Huệ vượt đèo Hải Vân đánh vào đạo quân Trịnh đang đóng tại Phú Xuân.

Ấn tín của vua Quang Trung (trong Bảo tàng Quang Trung).

Ấn tín của vua Quang Trung (trong Bảo tàng Quang Trung).

Giết Tạo sĩ, tiêu diệt Quận công

Thành do Tạo Quận công Phạm Ngô Cầu trấn thủ, phó tướng là Tạo sĩ Hoàng Đình Thể phụ tá. Phạm Ngô Cầu là tướng tham lam, chỉ lo việc vơ vét, còn việc quân thì giao cho kẻ thuộc hạ.

Đã vậy, Cầu còn hay đa nghi và thường đố kỵ với người khác. Dựa vào đặc tính này, Nguyễn Huệ dùng kế ly gián giữa Cầu và Thể. Nguyễn Huệ làm một phong thư để gửi cho Hoàng Đình Thể khuyên về hàng Tây Sơn, nhưng lại bắn vào cho Phạm Ngô Cầu xem. Cầu bắt đầu nghi ngờ Thể.

Khi binh lính Tây Sơn vây đánh thành Phú Xuân, Ngô Cầu sai Đình Thể đem binh ra đánh, rồi đóng cửa thành không tiếp viện. Thể và hai con cùng tướng Võ Tá Kiên chết tại trận.

Nguyễn Văn Lộc xông vào phá cửa thành, dẫn binh tiến thẳng vào dinh trấn thủ. Vượt qua cổng dinh, Nguyễn Văn Lộc bắt gặp Phạm Ngô Cầu đang cùng gia đình chạy trốn. Bắt sống được Phạm Ngô Cầu, sau Cầu bị quân Tây Sơn giết chết.

Sau khi hạ thành Phú Xuân, Đô đốc Nguyễn Văn Lộc lại cùng Nguyễn Lữ, Võ Văn Nhậm tiến quân đánh lấy các doanh trại thuộc Quảng Trị, Quảng Bình. Chỉ trong một thời gian ngắn, đất Thuận Hóa được bình định.

Cũng trong năm 1786, khi Nguyễn Huệ dẫn quân ra Bắc lần thứ nhất thì Đô đốc Nguyễn Văn Lộc được phong làm Phòng Ngự sử tại Thanh Hóa.

Tháng 11 năm Mậu Thân (1789), Quang Trung lên ngôi Hoàng đế, kéo quân ra Bắc đánh đuổi 20 vạn quân Thanh xâm lược. Nguyễn Văn Lộc được phong Đại Đô đốc chỉ huy và nhận nhiệm vụ đốc suất tả quân trong đó gồm cả thủy quân.

Quân của Nguyễn Văn Lộc từ Biện Sơn vượt biển vào sông Lục Đầu tiến lên Phượng Nhãn, Lạng Giang, Yên Thế chặn đường rút lui của địch. Tôn Sĩ Nghị cùng binh tướng trên đường rút chạy về Nam Quan, bị quân của Đại Đô đốc Nguyễn Văn Lộc đánh giết không sao kể xiết. Tôn Sĩ Nghị phải vứt bỏ cả sắc thư, ấn tín lo chạy thoát thân.

Nơi tế trời đất của nhà Tây Sơn.

Nơi tế trời đất của nhà Tây Sơn.

Ở ẩn vẫn nhớ đến chủ

Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời, Nguyễn Quang Toản (tức Cảnh Thịnh) lên nối ngôi. Đại Đô đốc Nguyễn Văn Lộc được cử vào trấn thủ Quảng Nghĩa.

Năm 1797, Nguyễn Phúc Ánh kéo thủy binh ra đánh Quy Nhơn, song thất bại bèn kéo quân ra đánh Quảng Nam.

Thành Quảng Nam bị vây, nhờ có nữ tướng Lâm Thị Bạch cố thủ và viết huyết thư cầu cứu Nguyễn Văn Lộc đem binh ra đánh lui Nguyễn Phúc Ánh, giải vây cho thành Quảng Nam.

Tháng Giêng năm 1800, Đại Đô đốc Nguyễn Văn Lộc kéo binh vào phối hợp với Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng vào cứu Quy Nhơn, nhưng bị Tống Viết Phước cầm chân tại Bình Đê.

Vốn rành rẽ địa thế Quảng Nghĩa, Nguyễn Văn Lộc đề xuất chia quân làm ba đạo theo ba ngõ đèo Bến Đá, núi Sa Lung và núi Cung Quăng vượt qua khỏi Bến Đá vào thẳng Quy Nhơn.

Tháng 5/1801, thành Quy Nhơn thất thủ. Trước đó, Phú Xuân cũng thất thủ. Tướng nhà Nguyễn là Lê Văn Duyệt cùng Lê Chất đem quân vào cứu Quy Nhơn, bị Tây Sơn chặn đánh. Sau được tin Thuận Hóa hoàn toàn bị chiếm, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đem quân ra Nghệ An. Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Quang Huy đóng ở Dương An.

Trong khoảng vài năm đầu của thời Quang Toản, Đô đốc Nguyễn Văn Lộc vẫn tiếp tục có thêm nhiều cống hiến xuất sắc. Chính ông là người đã tổ chức đánh bại viên tướng khét tiếng của Nguyễn Ánh là Võ Tánh ở ngay trên đất làng Kỳ Sơn quê hương ông.

Nguyễn Ánh và tướng tá dưới quyền đều rất kiêng nể tài cầm quân của Đô đốc Nguyễn Văn Lộc. Sau trận này Đô đốc Nguyễn Văn Lộc được thăng làm Thần Võ Hữu quân Đô Thống chế.

Mô hình thuyền chiến của quân Tây Sơn.

Mô hình thuyền chiến của quân Tây Sơn.

Sau trận Kỳ Sơn, Nguyễn Văn Lộc có thêm trên 20 lần đụng độ với quân đội của Nguyễn Ánh do các tướng cao cấp nhất là Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành chỉ huy và cả trên 20 lần đụng độ đó, Nguyễn Văn Lộc đều thắng. Uy danh của ông vang dội ở khắp nơi.

Tiếc thay, cũng đúng vào lúc đó thì chính quyền của Quang Toản ngày một suy yếu bởi sự lộng hành của Bùi Đắc Tuyên. Nguyễn Văn Lộc không cùng phe cánh với tên quyền thần ích kỷ và nhỏ nhen này, vì thế ông bị Bùi Đắc Tuyên thu hết binh quyền, giáng xuống làm quan Thị lang ở bộ Lễ.

Năm 1802, Văn Lộc nghe tin vua Cảnh Thịnh bị bắt, ông tự động giải tán quân sĩ dưới quyền, một mình lên núi Kỳ Sơn ẩn náu, dùng Hầm Rùa làm chốn nương thân.

Tướng Nguyễn Quang Huy cũng lên núi Dương An trú ẩn, thỉnh thoảng về Phú Yên thăm quê hương và ra Kỳ Sơn thăm Nguyễn Văn Lộc.

Tuy nhà Tây Sơn mất, song Văn Lộc vẫn nuôi ý chí phục nghiệp. Văn Lộc hỏi Quang Huy: “Cựu thần nhà Tây Sơn, văn cũng như võ, còn khá nhiều tay tài tuấn, sao không hợp sức lại cùng lo việc phục hưng. Như thế chẳng hóa ra là không tận trung với cựu chúa hay sao?”.

Nguyễn Quang Huy đáp: “Những anh hùng nghĩa sĩ ra giúp nhà Tây Sơn từ ngày mới khởi nghĩa đến nay, không ai phụ nhà Tây Sơn. Tất cả đều lo tròn phận, như thế là tận trung.

Nhà Tây Sơn đã không còn nữa thì chúng ta tận trung với ai? Bầy tôi của vua Lê Chiêu Thống bo bo giữ lòng trung với cố chủ, nổi dậy đánh ở miền Bắc, hết lớp này đến lớp khác đã chẳng lợi gì cho nhà Lê mà còn làm khổ dân hại nước”.

Nguyễn Văn Lộc nghiệm thấy đúng, nên không còn nuôi mộng phục hưng nhà Tây Sơn nữa. Cũng từ ấy không ai trông thấy Đô đốc Nguyễn Văn Lộc. Một cuộc đời hiển hách khép lại từ đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.