Tây Sơn thất hổ tướng: Lê Văn Hưng - Từ tướng cướp thành danh tướng

GD&TĐ - Gia cảnh nghèo khó, cha mẹ đau ốm liên miên, Lê Văn Hưng làm lụng chăm chỉ cũng không đủ sống. Cuối cùng, ông tập hợp bạn bè, lập thành nhóm cướp hoạt động ở Phú Yên và vùng lân cận.

Ảnh tái hiện lễ đăng quang của Quang Trung tại núi Bân.
Ảnh tái hiện lễ đăng quang của Quang Trung tại núi Bân.

Ở Bình Định, người ta nói rằng cuộc đời của danh tướng Lê Văn Hưng cũng tựa như các anh hùng trong tiểu thuyết Thủy Hử bên Trung Quốc. Từ một tướng cướp khét tiếng, vì gây án mạng, bị tầm nã nên biệt xứ bỏ đi rồi gia nhập nghĩa quân.

Sống ngoài vòng pháp luật

Các nguồn sử liệu đều khẳng định tướng Lê Văn Hưng là người ở thôn Kiên Dõng, huyện Bình Khê (nay là Tây Sơn – Bình Định). Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, cha mẹ đau yếu liên miên nên từ nhỏ ông đã phải vất vả kiếm sống. Thời gian này, Hưng tỏ ra là một người nhanh nhẹn, dũng cảm, và sức khỏe “đánh bại 10 trẻ chăn trâu”.

Về sau Hưng được một thầy võ dạy bảo trở thành võ sĩ có sức mạnh và sở trường về môn đánh côn (roi trường). Thuật đánh roi của ông rất mãnh liệt, đánh ra một đòn, hàng trăm người không đỡ nổi. Binh khí đụng đến đường roi, lớp văng lớp gãy.

Là thanh niên có sức mạnh, giỏi võ nhưng thiếu học, tính khí ngang tàng lại bị hoàn cảnh đưa đẩy nên Văn Hưng sớm trở thành thảo khấu.

Tuy sống bằng nghề cướp bóc, nhưng Hưng vẫn được nhân dân địa phương quý mến vì không quấy phá đồng bào trong vùng. Thuộc hạ dưới trướng Văn Hưng có đến vài chục người, song không hề có lời than vãn về hoạt động cướp bóc của dân.

Theo tìm hiểu của nhà nghiên cứu Hữu Vinh: “Là người có mưu lược nên việc thăm dò hiện trường khi đã hoàn toàn vừa ý thì Lê Văn Hưng mới khởi xướng “xuất hành”. Họ chỉ cướp của nhà giàu có nhưng do làm ăn bất chính. Trong đám cướp, Hưng luôn là tay roi cản hậu”, nhà nghiên cứu Hữu Vinh cho biết.

Theo giai thoại truyền lại, một hôm Lê Văn Hưng tổ chức một vụ cướp lớn ở Phú Yên. Khổ chủ giàu có lại biết võ nghệ và nuôi nhiều gia nô nên khi toán cướp của Hưng hành động, gia chủ cùng các gia nô trai tráng đuổi theo. Hưng ở lại sau, bị 30 người bao vây giữa đồng.

Đánh ngang ngọn roi, Hưng tạo thành một vòng tròn, càng lúc càng rộng ra. Rồi sử dụng thế roi “toàn phong tảo diệp”, Hưng đánh văng roi một số đông trai tráng. Ỷ mình có võ nghệ nên khổ chủ vừa lăn vào đánh vừa đôn đốc gia nô lao vào bắt.

Hưng nương tay đã nhiều lần, nhưng đối phương vẫn liều mạng bám sát. Trời gần sáng mà trận chiến vẫn chưa giải quyết xong, Hưng đành phải dùng tận lực đánh dữ dội để rút theo đồng bọn. Cuối cùng, khổ chủ trúng một roi, hộc máu chết tươi.

Vì vụ việc này, Tuần phủ Phú Yên hợp lực cùng Tuần phủ Quy Nhơn cho truy nã Hưng rất gắt gao. Hưng đành bỏ nhà trốn vào rừng. Nhân việc anh em Tây Sơn mộ binh, Hưng đến ghi danh. 

Sắc phong thời Tây Sơn.

Sắc phong thời Tây Sơn.

Lập thân tướng quân

Tương truyền, trong khi tập luyện, các thủ lĩnh Tây Sơn phải chú ý đến một tân binh tên Hưng vì tài cưỡi ngựa không yên cương cùng võ nghệ xuất chúng. Lọt vào “mắt xanh” của anh em nhà Tây Sơn, nên chức vụ trong quân đội của Lê Văn Hưng mỗi ngày một thăng và cuối cùng, ông trở thành võ tướng.

Năm 1773, Nguyễn Nhạc xưng vương, Lê Văn Hưng được phong Đề đốc dưới trướng Đô đốc Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng. Hưng được theo hai Đô đốc Tây Sơn kéo quân ra chiếm huyện Bồng Sơn và Phù Ly, rồi cùng tiến đánh thành Quy Nhơn.

Sau đó, Đề đốc Lê Văn Hưng theo Đại tướng quân Ngô Văn Sở vào đánh chiếm ba phủ Phú – Diên - Bình. Sau khi đại thắng, Lê Văn Hưng được cử trấn thủ đất Diên Khánh.

Mùa thu năm 1774, viên Lưu thủ đất Long Hồ trong Nam là Tống Phước Hiệp cử đại binh ra đánh Tây Sơn. Quân nhà Nguyễn đánh chiếm Bình Thuận, rồi tiến ra Diên Khánh.

Trấn thủ Lê Văn Hưng đem binh cự địch. Sau nhận thấy địch quân đông và có trọng pháo yểm trợ, liệu không thắng nổi, bèn bỏ thành trống, rút toàn lực lượng về Phú Yên hợp cùng Nguyễn Văn Lộc chống địch.

Bức họa được cho là vẽ Nguyễn Ánh khi đang lưu vong ở Xiêm La năm 1783.

Bức họa được cho là vẽ Nguyễn Ánh khi đang lưu vong ở Xiêm La năm 1783.

Năm 1778, Nguyễn Ánh chiếm được thành Sài Côn, sai Lê Văn Quân kéo quân ra đánh Bình Thuận. Từ khi Lý Tài làm phản, Bình Thuận giao cho Lê Văn Hưng kiêm nhiệm trấn thủ nên bị mất dễ dàng. Nhưng khi quân Nguyễn ra đến Diên Khánh thì bị Hưng chặn đánh, phải lui vào Bình Thuận.

Lê Văn Hưng truy kích, đánh cho địch tan tác. Quân Nguyễn phải kéo chạy về Gia Định. Nguyễn Ánh gọi Hưng là “Lê vô địch” vì tướng sĩ của mình quá sợ Lê Văn Hưng.

Cuối năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương, năm sau cử binh đánh Diên Khánh. Tôn Thất Dụ kéo binh từ Bình Thuận ra, chưa kịp hạ trại đóng quân thì bị Văn Hưng cho đoàn voi chiến xông trận.

Đoàn voi do nữ tướng Bùi Thị Xuân huấn luyện, rồi tăng phái cho Lê Văn Hưng phòng bị mặt Nam. Quân nhà Nguyễn vốn sợ uy danh của Hưng, nay lại thấy voi chiến ào ạt tiến đến thì khiếp đảm bỏ chạy.

Đầu năm 1783, Nguyễn Ánh lại trở về Gia Định tổ chức quân ngũ, sai người sang Xiêm cầu viện. Nghe được tin này Nguyễn Nhạc sai Văn Hưng tháp tùng Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và Trương Văn Đa vào đánh Gia Định.

Thủy binh Tây Sơn đến cửa Cần Giờ, đợi lúc thủy triều dâng, gió từ biển thổi mạnh vào đất liền. Tiền quân Châu Văn Tiếp dùng hỏa công chống trả song thất bại tại đồn thủy binh Dác Ngư. Tướng trấn giữ là Tôn Thất Mậu đem quân ra giao chiến, song chỉ một vài hiệp liền bị Văn Hưng giết chết.

Nguyễn Ánh bỏ Gia Định chạy về Ba Giồng. Qua tháng tư, hai bên đánh nhau tại Đông Tuyên. Quân Nguyễn vừa thấy quân Tây Sơn đã chạy. Văn Hưng tả xông hữu đột, bắt được tướng Nguyễn Huỳnh Đức lập công đầu. Nguyễn Phúc Ánh chạy trốn ra Phú Quốc. Lê Văn Hưng theo Nguyễn Huệ về Quy Nhơn.

Năm 1789, ông theo Nguyễn Huệ ra Bắc đại phá quân Thanh. Sau khi vua Quang Trung đánh thắng quân Thanh, Lê Văn Hưng được triệu về Phú Xuân.

Năm 1794, vua Cảnh Thịnh sai Văn Hưng vào đánh Phú Yên. Lê Văn Hưng kéo đến đèo Cù Mông thì gặp Nguyễn Quang Huy là bạn cũ. Hai bên vui mừng và cùng nhau đánh chiếm lại Phú Yên. Sau chiến thắng, Văn Hưng để Huy ở lại trấn thủ, còn mình kéo quân về Phú Xuân.

Danh tướng bị hãm hại

Kiếm và súng ngắn quân Tây Sơn (tại Bảo tàng Quang Trung).

Kiếm và súng ngắn quân Tây Sơn (tại Bảo tàng Quang Trung).

Trong triều đình Tây Sơn, Lê Văn Hưng thường xuyên động chạm với Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Biết Lê Văn Hưng không có học, chỉ giỏi việc đánh nhau nên Tuyên trọng dụng Hưng để lợi dụng triệt để.

Tính tình của Lê Văn Hưng rất trung thực, nên dù được Thái sư biệt đãi, nhưng càng ngày Hưng càng thấy rõ Tuyên là một kẻ đại gian thì có thái độ phản đối.

Bùi Đắc Tuyên nhận thấy Văn Hưng không còn là con bù nhìn để mình sai khiến nên tìm cách xúc xiểm vua Cảnh Thịnh trừ đi mối hoạ.

Tuyên khép tội Hưng với cớ giao thành cho Huy trấn thủ, rút quân về Phú Xuân mà không thỉnh mệnh, cấu kết vây cánh có ý tạo phản. Vua Cảnh Thịnh nghe lời chuẩn tấu, Lê Văn Hưng bị xử tử dù đã được một số quan lại ra sức can ngăn.

Sự việc này cùng một số lý do khác đã dẫn đến việc Đô đốc Võ Văn Dũng từ Bắc Hà về Phú Xuân bắt giết cha con Bùi Đắc Tuyên, Bùi Đắc Trụ và Ngô Văn Sở.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Minh Hồng, đến nay cái chết của Đô đốc Lê Văn Hưng vẫn còn tồn nghi, và hiện có ba giả thiết. Một là Lê Văn Hưng tham gia khởi nghĩa Tây Sơn, phục vụ dưới trướng Nguyễn Nhạc và được phong chức Thái úy.

Sau khi xảy ra bất hòa giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, Lê Văn Hưng vẫn theo Nguyễn Nhạc. Đến khi Nhạc chết, Hưng theo về với triều Cảnh Thịnh và được giao trọng trách Thái úy. Tuy nhiên sau đó ông bị Cảnh Thịnh nghi ngờ giết chết.

Hai là như giả thiết thứ nhất, nhưng Lê Văn Hưng không bị giết chết mà được cứu thoát về Quy Nhơn, sau đó tiếp tục được Trần Quang Diệu trọng dụng. Sau khi thành Hoàng Đế bị hạ, ông tạm hàng quân Nam Hà và sau đó trốn về với quân Tây Sơn cho đến ngày bị xử tử trong lễ Hiến Phù.

Trong danh sách hàng tướng có vị Đại Đô đốc Lê Văn Hưng, sau đó được giao giữ chức Vệ úy. Tuy nhiên, nhiều khả năng tướng Lê Văn Hưng này về sau đã theo về lại với quân Tây Sơn. Sau đó có sự kiện, Đại Đô đốc Lê Văn Hưng dẫn thuyền lương đến của Đề Gi nhưng bị thủy quân Nam Hà ngăn cản.

Ba là có hai tướng Lê Văn Hưng. Một là Lê Văn Hưng theo Nguyễn Nhạc, và tướng còn lại theo Quang Trung – Cảnh Thịnh.

“Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi chép trong lễ Hiến Phù năm 1802, danh sách các tướng Tây Sơn bị xử tử có Thống tướng Lê Văn Hưng. Sở dĩ chúng ta không thể biết rõ về cái chết của Đô đốc Lê Văn Hưng, vì cuộc trả thù của nhà Nguyễn. Đến các tư liệu về nhà Tây Sơn cũng bị tiêu hủy”, nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Minh Hồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.