Trung tâm điều khiển bay theo dõi vận tốc và vị trí tàu Parker nhờ mạng Deep Space Network (DSN) của NASA. Mạng DSN gửi tín hiệu về phía tàu Parker và con tàu này gửi tín hiệu phản hồi. Thời gian tín hiệu quay về Trái đất và đặc tính của tín hiệu giúp xác định các thông số bay của con tàu.
Trên cơ sở các tính toán, NASA thông báo, ngày 29/10 vừa qua, tàu Parker đã đến gần Mặt trời hơn tàu Helios 2 (kỷ lục của tàu Helios 2 là gần 42,5 triệu km). Tiếp sau đó, tàu Parker lập kỷ lục về vận tốc đối với Mặt trời, vượt kỷ lục hiện thời của tàu Helios 2 (245.500 km/h). Trong giai đoạn cuối cùng của sứ mệnh, vào năm 2024 tàu Parker sẽ đến gần Mặt trời ở khoảng cách trên 6 triệu km với vận tốc kỷ lục là gần 690.000 km/h. Sau gần 78 ngày đêm, tàu Parker Solar Probe đã đến gần Mặt trời với khoảng cách gần nhất, so với các con tàu khác trong lịch sử” – ông Andy Driesman ở Phòng Thí nghiệm Vật lý Johns Hopkins (Mỹ) cho biết như vậy.
Hiện tại, Parker Solar Probe vẫn đang bay đến gần Mặt trời để bay qua điểm cận nhật (perihelion) vào ngày 6/11. Khi đó, nó sẽ ở cách Mặt trời khoảng 24 triệu km. Đây sẽ là cơ hội đầu tiên để thực hiện hàng loạt nghiên cứu và thử nghiệm các hệ thống an toàn của con tàu trước nhiệt độ cao. Các kết quả trong giai đoạn quan sát có thể hé lộ bí mật các quá trình trên Mặt trời (các quá trình này cũng ảnh hưởng đến Trái đất).