Thế giới đã đánh giá sai nghiêm trọng mức độ nóng lên của các đại dương suốt hơn 1/4 thế kỷ qua.
Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature hôm 31.10 của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, biển cả trên hành tinh giữ lại lượng nhiệt nhiều hơn 60% so với ước tính trước đó của các nhà khoa học.
Sự lầm tưởng này đồng nghĩa Trái Đất còn ít thời gian hơn để tránh thảm họa biến đổi khí hậu hủy diệt và con người cũng hạn hẹp cơ hội sửa chữa lỗi lầm với "Mẹ thiên nhiên".
Biến đổi khí hậu đang nhanh chóng khiến các nhiệt độ đại dương nóng lên, giết chết nhiều sinh vật dưới nước vốn là điểm tựa cho toàn bộ hệ sinh thái, như các rạn san hô hay rừng tảo bẹ.
Tăng nhiệt cũng có thể làm nước biển dâng lên và gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão ngày càng khốc liệt. Từ đó, phần nào thấy được sự quan trọng của việc đo đếm chính xác tốc độ ấm lên của nước biển với việc dự đoán những tác động tương lai của biến đổi khí hậu.
Vậy nên, có thể hiểu được lo ngại của giới khoa học trước thừa nhận gây sửng sốt từ nhà địa chất Laure Resplandy, thuộc Trường ĐH Princeton (Mỹ): "Chúng ta đã sai. Hành tinh đang nóng lên hơn mức chúng ta tưởng. Thực tế đã bị che giấu bởi các nhà khoa học không lấy đúng mẫu. Sự ấm lên ở ngay trước mắt, trong lòng các đại dương rồi".
Rạn san hô ở Maldives bị tẩy màu vì sức nóng.
Cụ thể, nghiên cứu của nhà khoa học Resplandy cho thấy, trong khoảng thời gian 1991-2016, các đại dương ấm hơn trung bình 60% mỗi năm so với ước tính chính thức trước đó của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), tổ chức toàn cầu về dữ liệu khí hậu của Liên Hiệp Quốc.
Nghiên cứu chỉ ra các biện pháp hiện tại để xác định nhiệt độ đại dương dựa trên các thiết bị phao nổi truyền tải dữ liệu tới vệ tinh - được biết tới là hệ thống phao Argo - tồn tại nhiều kẽ hở về mức độ bao phủ, bởi nhiều khu vực trên đại dương có quá nhiều phao trong khi một số nơi lại quá ít.
Nghiên cứu của ông Resplandy, cùng các đồng nghiệp ở Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Đức, thu thập dữ liệu theo cách khác.
Họ đo lượng khí, đặc biệt là ôxy và CO2, đã thoát khỏi đại dương và đi vào bầu khí quyển trong những thập kỷ gần đây. Kết quả cho thấy lượng nhiệt cao hơn dự kiến trong đại dương có nghĩa là nhiệt mắc kẹt nhiều hơn trong bầu khí quyển trái đất, thay vì thoát ra ngoài không gian.
Về bản chất, đại dương ấm hơn báo hiệu sự nóng lên toàn cầu tiến nhanh hơn những gì các nhà khoa học nghĩ.
Theo The Washington Post, công bố trên cũng có thể gây những tác động chính sách quan trọng. Nếu nhiệt độ đại dương tăng nhanh hơn những tính toán trước đây, các quốc gia thậm chí có thể còn ít thời gian hơn để cắt giảm khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Ngay cả trước khi nghiên cứu nói trên công bố, báo cáo từ IPCC hồi đầu tháng trước đã cảnh báo "thời gian hành động sắp hết" và kêu gọi những nỗ lực "nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có tiền lệ" để ngăn toàn cầu nóng thêm 1,5 độ C, thay vì 2 độ C như những kêu gọi trước đây.
Báo cáo cũng kêu gọi cắt giảm 20% khí thải vào năm 2030 và loại bỏ khí thải vào năm 2075 để thực hiện mục tiêu này. Nghiên cứu công bố hôm 31-10 cho thấy lượng khí thải cần phải thấp hơn 25% so với chỉ dẫn của IPCC, vì nhiệt độ đại dương gia tăng sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự nóng lên toàn cầu thêm vài thập kỷ ngay cả khi thế giới tiết giảm khí thải nhà kính ngay lập tức.
Chưa hết, nghiên cứu mới cũng nhấn mạnh những hậu quả tiềm tàng của sự chây ì hành động trên toàn cầu.
Các đại dương nóng lên nhanh chóng đồng nghĩa với mực nước biển sẽ dâng cao hơn và tình trạng nguy cấp hơn đối với những khu vực vốn đã phải đối mặt với tác động của khí hậu nóng lên, như các rạn san hô ở vùng nhiệt đới, các dải băng Greenland và Nam cực.