Nếu xây được thì tốt quá
Bà Phạm Thị Lan (phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An) là chủ một ki ốt bán đồ điện và phụ tùng ô tô trên tuyến đại lộ Vinh - Cửa Lò. Vợ chồng bà thuê kiot này với mức giá 5 triệu đồng/tháng. “Hiện nay, đường chưa hoàn thành nhưng xem trên tivi thấy nói là đến 31/12 này sẽ thông xe. Tôi đang mong từng ngày vì như thế sẽ có nhiều phương tiện qua lại, kinh doanh sẽ khá hơn” - bà Lan nói.
Là cư dân mới trên tuyến đại lộ Vinh - Cửa Lò (hay còn được gọi đường 72m - PV) nhưng nhắc đến kế hoạch xây dựng tàu điện chạy qua tuyến đại lộ này, bà Phạm Thị Lan khá bất ngờ “tôi chưa nghe đến”. Dù vậy, bà cũng tỏ ra hào hứng: “Nếu xây được thì tốt quá chứ sao. Đi tàu điện sẽ nhanh hơn, thuận tiện hơn và nhất là an toàn hơn. Con gái tôi đang đi du học ở Nhật, nghe cháu bảo bên đó toàn đi tàu điện ngầm rất thuận tiện nên tỉnh mà có tàu điện thì tôi rất ủng hộ. Nhưng biết bao giờ mới có? Hiện giờ tôi chỉ mong đường 72m này sớm thông xe thôi”.
Ông Nguyễn Văn Đậu (trú tại phường Đông Vĩnh, TP Vinh) là một cán bộ hưu trí cũng cho rằng, nếu có tàu điện sẽ rất thuận tiện cho người dân đi Cửa Lò. “Có tuyến tàu điện người dân sử dụng, khoảng cách Vinh - Cửa Lò sẽ gần hơn, có thể đi về trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng tôi cho rằng, để xây dựng được thì sẽ cần một số tiền rất lớn. Trong khi đó Vinh đang là thành phố loại 1 đang trên đà phát triển chứ chưa mạnh về kinh tế. Để tàu điện từ ý tưởng đến hiện thực tôi nghĩ khó và còn rất xa”.
Đại lộ nối Vinh – Cửa Lò với chiều dài 11,2 km, diện tích quy hoạch 1.333 ha, đi qua các phường, xã: Nghi Đức, Nghi Phú, Nghi Ân (TP Vinh); Nghi Phong, Nghi Xuân (Nghi Lộc) và Nghi Hòa, Nghi Hương (thị xã Cửa Lò) với tầm nhìn quy hoạch phát triển đô thị xanh, du lịch, thông minh và thân thiện.
Về phương án quy hoạch, trên đại lộ có 3 đường giao thông cắt ngang và được chia thành 5 khu vực chính gồm: Khu vực thương mại, trung tâm đào tạo, khu dân cư, không gian xanh và khu vực thương mại kết hợp với du lịch. Đầu tuyến quy hoạch có 2 tòa tháp chào mừng, trên tuyến có các điểm kết nối tàu điện, xe buýt, các nhà ga, siêu thị, hành lang đi bộ và không gian xanh để tạo thêm điểm nhấn.
Ngoài trục đường bộ là giao thông chính, bố trí đường tàu điện chạy trong dải cây xanh giữa các tuyến đường, kết nối nhanh Vinh với Cửa Lò. Bố trí các ga tại trung tâm các khu để kết nối toàn tuyến, trong tương lai nghiên cứu phát triển về phía Tây để kết nối với ga đường sắt cao tốc quốc gia. Đường tàu điện được xem là điểm nhấn kết nối trong xây dựng đại lộ Vinh - Cửa Lò.
Chỉ mới là ý tưởng
Nói về đường tàu điện trong đồ án quy hoạch Đại lộ Vinh – Cửa Lò, ông Nguyễn Văn Tuấn (58 tuổi, xã Nghi Đức, TP Vinh) cho rằng: Theo thông tin ông biết được, ý đồ xây dựng tàu điện là nhằm kết nối phát triển kinh tế, du lịch Vinh - Cửa lò - Nam Đàn. Tuy nhiên, tuyến Nam Đàn - Vinh - Cửa Lò chỉ khoảng 30 - 40km. Trong khi đó, đã có rất nhiều tuyến đường bộ để người dân có thể lựa chọn lưu thông. Các tuyến đường đó đều đẹp, thuận lợi.
Vậy xây dựng thêm một tuyến đường tàu điện thì nhu cầu sử dụng được bao nhiêu? Tính cấp thiết và cần thiết của loại phương tiện này không quá lớn. Chưa kể, nếu đi vào hoạt động, tàu điện có cạnh tranh được về giá với xe bus hoặc phương tiện cá nhân của người dân hay không? Đặc biệt, chi phí xây dựng tuyến tàu điện này là quá lớn. “Tôi không rõ tỉnh sẽ huy động vốn như thế nào để xây dựng”, ông Tuấn nói.
Trước đó, giữa tháng 10/2018, Tỉnh ủy Nghệ An đã có buổi làm việc và cho ý kiến về đồ án quy hoạch Đại lộ Vinh - Cửa Lò và hai bên đại lộ Vinh - Cửa Lò. Buổi làm việc thống nhất về ý tưởng quy hoạch đại lộ Vinh - Cửa Lò, trong đó, hệ thống các ga tàu điện, việc quy hoạch đại lộ Vinh - Cửa Lò và hai bên đại lộ sẽ thúc đẩy phát triển các vùng xung quanh phù hợp với xu thế phát triển.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa ý tưởng quy hoạch đồ án trong thực tiễn còn rất nhiều việc phải làm, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì thẩm định hoàn chỉnh quy hoạch đồ án đại lộ Vinh - Cửa Lò trong năm 2018. Sau khi đồ án được UBND tỉnh phê duyệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ra Nghị quyết để quản lý công tác quy hoạch, triển khai đồ án.
Theo một cán bộ Sở Xây dựng Nghệ An: Để xây dựng tàu điện với 2 phương án tàu điện nổi hoặc tàu điện ngầm cần khoảng 10.000 tỷ đồng, trong khi tổng thu của toàn tỉnh Nghệ An trong 1 năm là khoảng 13.000 tỷ đồng. Xin ngân sách từ Trung ương hoặc tìm kiếm nhà đầu tư bỏ ra số vốn lớn như trên đều rất khó. Trong khi đó, Chính phủ đã có yêu cầu các tỉnh dừng dự án BT đổi đất lấy hạ tầng, dùng quỹ đất công để thanh toán dự án. Vì thế, để triển khai dự án tàu điện sẽ gồm rất nhiều vấn đề cần giải quyết và ở trong một tương lai xa chứ trước mắt chưa có phương án huy động vốn nào khả thi.
Ông Vương Đình Nhuận - Trưởng ban Quản lý dự án Sở GTVT Nghệ An cũng cho biết, chưa nhận được bất cứ kế hoạch chi tiết, quyết định nào về triển khai xây dựng tàu điện. Tất cả mới chỉ là ý tưởng.