Phát triển giao thông công cộng - con đường để Thủ đô vươn tầm

GD&TĐ - Hướng tới mục tiêu giảm áp lực giao thông, từng bước hạn chế ùn tắc và tai nạn, tăng cường kết nối, Thủ đô Hà Nội đã chú trọng phát triển hệ thống giao thông công cộng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Hệ thống đường sắt đô thị đang định hình lại giao thông Hà Nội
Hệ thống đường sắt đô thị đang định hình lại giao thông Hà Nội

Giải quyết ùn tắcgiao thông

Sau 10 năm tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, nhiều tòa nhà cao tầng với các khu đô thị lớn mọc lên đã làm thay đổi diện mạo Thủ đô. Gia tăng dân số với tốc độ nhanh khiến cho hệ thống giao thông quá tải, ùn tắc. Vì vậy, thành phố đặt mục tiêu ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng với những khoản đầu tư lớn về nguồn lực.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: Trước hết, phải kể đến phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt. Trước khi mở rộng địa giới hành chính, cả Hà Nội và Hà Tây chỉ có 68 tuyến buýt với trên 1.000 xe vận hành. Hiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Hà Nội đã có 112 tuyến, với trên 430 triệu lượt hành khách/năm. So với 10 năm trước, số lượng tuyến đã tăng 64% . Mạng lưới đã bao phủ khắp 30 quận huyện, đạt 100%, tăng 37%, tương ứng với 406/584 xã phường, mức độ bao phủ đạt 69,5%, tăng 28%. Đặc biệt, tuyến buýt BRT01 lộ trình Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã ra đời năm 2017 thu hút gần 5 triệu lượt khách, doanh thu thứ 3 toàn mạng lưới.

Mỗi năm, Hà Nội trợ giá cho gần 160.000 học sinh, sinh viên, hơn 1 vạn người cao tuổi và trên 1.000 công nhân tại các khu công nghiệp sử dụng dịch vụ xe buýt.

8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417km, trong đó đi nổi 342 km và đi ngầm 75,6 km.

Hệ thống hạ tầng xe buýt gồm 3.026 điểm dừng, 370 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 96 điểm đầu cuối. Đến nay, tổng số phương tiện toàn mạng là 1.820 xe, các xe đều trang bị thiết bị giám sát hành trình GPS, hệ thống tự động báo điểm dừng, đèn LED. Số chuyến lượt vận hành đạt 99,95% - 100%.

Dự án Metro Hà Nội, gồm 8 đường tàu điện ngầm và đường sắt trên cao, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tầm nhìn của một đô thị tương lai hiện đại. Hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đưa vào sử dụng năm 2019 và Nhổn - Ga Hà Nội, dự kiến đưa vào khai thác đoạn trên cao năm 2020, đoạn ngầm năm 2022. Các tuyến đường sắt đô thị khác đang được khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị để thực hiện đầu tư trong thời gian tới.

Sự phát triển của hệ thống xe buýt nội đô, các tuyến vùng lân cận trong thời gian qua đã giúp cho việc đi lại của người dân thuận tiện hơn, trong đó có lượng khá lớn công viên chức, học sinh, sinh viên. Chị Nguyễn Thị Kim Cúc, công tác tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 chia sẻ: Gia đình ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, hằng ngày chị sử dụng 2 tuyến xe buýt đến cơ quan với quãng đường 30 km thấy rất thuận tiện, an toàn, nhất là khi trời mưa, nắng, rét. Chị Thu Hà, nhà gần đường Xuân Thủy, có con học Trường THPT HES chia sẻ: Mỗi tháng con chị đi xe buýt công cộng chỉ mất 55.000 đồng, so với phí đi xe ô tô nhà trường 2 triệu/tháng thì quá rẻ, đã vậy, tuyến này chỉ 5 phút có một chuyến xe, rất thuận tiện.

Còn nhiều khó khăn

Quá trình đầu tư, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng theo Quy hoạch giao thông thành phố Hà Nội cũng gặp hàng loạt khó khăn, thách thức. Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Viện cũng đã chỉ ra một số bất cập: Trước hết, việc hợp nhất và mở rộng địa giới hành chính khiến cho nhu cầu đi lại của người dân tập trung vào khu vực các quận nội thành, gây áp lực lớn cho giao thông nội đô.

Mạng lưới vận tải hành khách công cộng được điều chỉnh phù hợp và mở rộng nhưng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị. Do đó, vào giờ cao điểm, hiện tượng ùn, tắc đường diễn ra thường xuyên. Hà Nội mới đưa vào khai thác một tuyến buýt nhanh - BRT. Các tuyến đường sắt đô thị vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thành. Thêm vào đó, đa số người dân chưa thay đổi thói quen sử dụng phương tiện công cộng, chủ yếu vẫn là phương tiện cá nhân.

Kinh phí để đầu tư hình thành 8 tuyến đường sắt đô thị chính với tổng chiều dài 417 km, thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư theo hướng xã hội hóa có hiệu quả. Lượng xe cộ tham gia lưu thông ở Thủ đô quá lớn, với khoảng 5,3 triệu xe máy và 560.000 ô tô và đang không ngừng gia tăng, dự kiến đạt 7 triệu xe máy và 1 triệu ô tô vào năm 2020, khiến hạ tầng của Hà Nội phải chịu nhiều áp lực, quá tải.

Nhiều dự án giao thông liên tục bị chậm tiến độ, gây ách tắc kéo dài nhiều năm cho người dân như tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội, mở rộng tuyến đường Phạm Văn Đồng.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội chỉ ra rằng: Thủ đô Hà Nội, cơ cấu phương tiện giao thông chưa hợp lý gây quá tải với đô thị trung tâm, chưa thuận lợi trong liên kết vùng. Tuy nhiên để nâng cao đời sống, thực hiện theo định hướng quy hoạch rất cần có cơ chế đặc thù trong huy động nguồn lực đầu tư, thiết lập giao thông thông minh, nâng cao văn hoá giao thông cho cộng đồng và cả tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương, giữa các ngành với Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ