Nghề cào ngao của người dân làng biển xứ Thanh thường đi theo con nước. Khi thủy triều rút cũng là lúc họ bắt đầu công việc của mình. Có những hôm, những người cào ngao đã tất bật làm việc từ lúc 3-4 giờ sáng. Ảnh: LT. |
Dụng cụ cào ngao rất đơn giản, chỉ cần một chiếc cào 3 đinh, rổ đựng và găng tay. Theo những người gắn bó lâu năm với nghề này, cào ngao không cần kinh nghiệm mà chỉ cần có sức khỏe cùng sự dẻo dai. Ảnh: LT. |
Để chống chọi lại cái nắng nóng gay gắt vào mùa Hè, những người phụ nữ thường mặc quần áo dài tay, mang nón hoặc mũ rộng vành, che kín mặt. Ảnh: LT. |
Những người cào ngao thuê tại cửa biển Hoằng Trường cho biết, vào mùa này ngao thường có trứng, béo và ngọt hơn so với những thời điểm khác trong năm. Ảnh: LT. |
Những con ngao tươi, to béo được những người phụ nữ cần mẫn bới cát để nhặt dưới thời tiết oi nóng ngày đầu Hè. Ảnh: LT. |
Có mặt ở bãi biển Hoằng Trường từ 3 giờ sáng, chị Tô Thị Hồng (40 tuổi, áo xanh đậm), ở xã Hải Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) tâm sự: "Nghề này phơi nắng, dầm mưa không cần kinh nghiệm chỉ cần sức khỏe. Nhà 4 mặt con nên cũng phải chịu khó bươn chải mưu sinh. Mỗi tiếng cào ngao thuê, chúng tôi được trả thù lao 30.000 đồng, có nhiều hôm say nắng ngất lịm trên ruộng ngao”. |
Ngao sau khi cào sẽ được nhúng nước cho sạch cát, đóng vào bao và chở đi nhập cho các cơ sở thu mua ngay tại bến. Ảnh: LT. |
Trung bình, mỗi lao động có thể cào được khoảng 1 tạ (100kg) ngao tươi trong vòng từ 6-7 giờ. Ảnh: LT. |
Theo báo cáo quý 1 năm 2023 của UBND xã Hoằng Trường, trong 3 tháng đầu năm nay, sản lượng ngao toàn xã ước đạt gần 50 tấn. Ông Lê Phạm Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cho biết, nghề nuôi ngao đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương và một số xã tại huyện Hậu Lộc,... Ảnh: LT. |