Tất bật lo Tết cho trò

GD&TĐ - Dịch bệnh khiến hoạt động nhà trường cũng như cuộc sống của giáo viên gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không vì khó mà bỏ mặc trò.

Lớp học của cô Bùi Thị Khuê. Ảnh: NTCC
Lớp học của cô Bùi Thị Khuê. Ảnh: NTCC

Các nhà trường và thầy cô đang tất bật lo Tết cho học trò, chỉ mong các em có một cái Tết đủ đầy, vẹn tròn niềm vui.

Lo Tết cho trò

Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, Trường PTDTBT Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) lại bận rộn với những hoạt động chăm lo Tết cho học sinh nghèo. Thầy Hiệu trưởng Đỗ Văn Long nhấn mạnh, mục đích là có được những món quà xuân để tặng học trò, giúp các em đón Tết đầm ấm, vui tươi.

“Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc quyên góp, vận động gặp nhiều khó khăn. Vì thế, nhiều giáo viên tự nguyện trích một phần lương của mình để mua quà tặng cho học sinh. Có thầy cô còn mua áo ấm để các em có áo mới cùng bạn bè đón Tết” – thầy Long chia sẻ.

Cô Bùi Thị Khuê – giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học An Lương (Văn Chấn, Yên Bái) cùng đồng nghiệp xây dựng kế hoạch tổ chức vui xuân đón Tết. Để có những phần quà tặng cho học sinh, nhóm đã đăng tải lên các trang mạng xã hội nhằm kêu gọi nhà hảo tâm chung tay lo Tết cho học sinh vùng khó. Ngoài các phần quà, nhà trường dự định gói bánh chưng để tặng các em trong ngày Tết. “Mỗi người chung tay, góp sức một ít, tôi tin học sinh vùng cao sẽ có cái Tết tươm tất và đủ đầy như bao học trò vùng xuôi khác” – cô Khuê bày tỏ.

Sau nhiều ngày đăng bài trên Facebook và Zalo, cô Đào Thị Vân – giáo viên Trường THCS Tân Lập (Thanh Sơn, Phú Thọ) đã kêu gọi được một số cá nhân hỗ trợ học phí cho 4 học sinh. “Hiện, tôi tiếp tục kêu gọi trên mạng xã hội để tặng quà Tết cho học sinh nghèo vùng khó, để không em nào bị bỏ lại phía sau và học sinh nào cũng có Tết” – cô Vân bộc bạch, đồng thời chia sẻ: Ngày nào cũng đăng một bài mới trên Facebook cá nhân, chỉ mong bài viết được lan tỏa sâu rộng để mọi người biết đến. Từ đó, sẽ có những hỗ trợ thiết thức cho trẻ vùng khó.

Chương trình “Nuôi heo đất – giúp bạn đón Tết” của Trường THPT Lương Thế Vinh. Ảnh: NTCC
Chương trình “Nuôi heo đất – giúp bạn đón Tết” của Trường THPT Lương Thế Vinh. Ảnh: NTCC

Nuôi heo đất… online

Với chủ đề “Tết an toàn, xuân yêu thương”, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Lào Cai) đã phát động nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa; trong đó điểm nhấn là chương trình gây quỹ để tặng quà Tết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, 100% học sinh các lớp đều tự tay làm các sản phẩm như: Lịch treo tường, đồ chơi, đồ lưu niệm trang trí…

Cô Hiệu trưởng Bùi Thị Kim Chi cho biết: Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên nhà trường không tổ chức hội chợ với các gian hàng như mọi năm. Vì thế, ban giám hiệu quyết định phát động đến các khối lớp, để học sinh có thể làm ở nhà hoặc ở lớp, miễn là có sản phẩm quà tặng. Những sản phẩm này được bán lại cho phụ huynh, giáo viên để gây quỹ. Toàn bộ số tiền thu được đem tặng các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài nhà trường trước khi các em nghỉ Tết Nguyên đán.

“Chúng tôi đã thu được gần 20 triệu đồng từ chương trình, hoạt động trên. Theo kế hoạch, chúng tôi phấn đấu có được 50 triệu đồng tiền quỹ để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn và những em bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 vui xuân, đón Tết” – cô Chi chia sẻ.

Từ phong trào “Nuôi heo đất - giúp bạn đón Tết”, Trường THPT Lương Thế Vinh (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) đã có được số tiền 150 triệu đồng. Cô Hiệu trưởng Bùi Minh Tâm cho hay: Toàn bộ số tiền này sẽ dành để chăm lo, hỗ trợ gần 100 học sinh trong trường có hoàn cảnh khó khăn và những em mồ côi do dịch Covid-19.

Trong thư gửi học sinh cô Tâm viết: Với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”; hoạt động “Nuôi heo đất – giúp bạn đón Tết” là truyền thống ý nghĩa của Trường THPT Lương Thế Vinh trong nhiều năm qua. Hoạt động này có ý nghĩa đặc biệt khi đem lại niềm vui, sự sẻ chia với những bạn có hoàn cảnh khó khăn. “Dẫu tình hình dịch bệnh phức tạp, cô mong mỗi em hãy dành dụm một ít tiền để nuôi heo. Nếu mỗi học sinh của trường cùng chung tay góp sức, chúng ta sẽ mang đến những điều tốt đẹp cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn, để các bạn vui Tết đầm ấm và hạnh phúc” – cô Tâm nhắn gửi.

Theo cô Tâm, tiền nuôi heo đất được các em tiết kiệm từ tiền ăn sáng; có khi được dành dụm từ tiền bán ve chai, giấy vụn; tiền thưởng khi đạt điểm cao hoặc giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà… Heo đất không chỉ được nuôi bởi học sinh, mà còn có sự chung tay từ thầy cô, phụ huynh. Tất cả cùng nhau góp sức để những học sinh khó khăn có một cái Tết ấm áp, vẹn tròn niềm vui.

Năm học này, do học sinh học online, phong trào “Nuôi heo đất” đã được nhà trường thực hiện theo hình thức trực tuyến ngay từ đầu năm học. Học sinh tại 59 lớp học trong toàn trường đã “bỏ ống heo” online, góp gom, vun vén mỗi ngày… Ngay khi học sinh đi học trực tiếp, trường đã trao tặng mỗi lớp 1 con heo đất để nuôi. Với 10 học sinh mồ côi do dịch bệnh, ngoài các phần quà từ phong trào “Nuôi heo đất”, nhà trường còn kêu gọi cộng đồng tặng quà, chăm lo, góp Tết, xoa dịu phần nào mất mát của các em.

Những tấm lòng cao đẹp của thầy cô, bè bạn sẽ mang đến cho những học sinh nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mồ côi bởi Covid-19 niềm vui, hạnh phúc và trên hết là tình thân ấm áp khi Tết đến xuân về. Đó sẽ là động lực, niềm tin để các em an tâm tiếp bước đến trường, cùng bè bạn, thầy cô vun đắp cho những ước mơ tươi đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.