Lo Tết cho nhà giáo

GD&TĐ - Với nguồn kinh phí hạn hẹp, chăm lo cho cán bộ, nhà giáo là nỗ lực của mỗi đơn vị trường học khi Tết đến, xuân về.

Cô và trò Trường Tiểu học Thường Thới Hậu 3 (Đồng tháp). Ảnh: Hồng Ngự
Cô và trò Trường Tiểu học Thường Thới Hậu 3 (Đồng tháp). Ảnh: Hồng Ngự

Giá trị vật chất không nhiều và mỗi nơi mỗi khác, nhưng thưởng Tết phần nào ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của thầy cô sau một năm cống hiến.

Để thầy cô đều có Tết

Qua khảo sát sơ bộ, hằng năm vào dịp Tết, từ các nguồn tiết kiệm và của tổ chức công đoàn, mỗi thầy cô khối các trường THPT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được hỗ trợ từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/người; khối THCS, tiểu học và mầm non thấp hơn, mỗi thầy cô được hỗ trợ từ 200 – 800 nghìn đồng/người. Bên cạnh đó, hằng năm, ngành GD-ĐT tỉnh Hưng Yên có chương trình thăm, tặng quà cho cán bộ, nhà giáo, người lao động và HS có hoàn cảnh khó khăn.

Chia sẻ điều này, ông Trần Đắc Viện, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Hưng Yên cho biết: Dịp Tết Nguyên đán năm nay, Công đoàn ngành Giáo dục Hưng Yên có văn bản đề nghị rà soát cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ), HS có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo và HS mồ côi cả cha mẹ để sở GD&ĐT, Công đoàn ngành hỗ trợ, thăm, tặng quà. Tinh thần làm sao mọi người đều có Tết, không để CBNGNLĐ, HS khó khăn không được hỗ trợ tặng quà, chăm lo Tết. 

Theo đó, có 220 suất quà từ tổng hợp của khối phòng GD&ĐT, mỗi suất 500 nghìn đồng; 10 suất quà cho CBNGNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá 2 triệu đồng/suất; 90 suất quà từ tổng hợp của các trường THPT, mỗi suất 500 nghìn  đồng. Năm nay là năm đầu tiên ngành Giáo dục Hưng Yên có chủ trương tặng quà cho HS mồ côi cả cha mẹ. Khảo sát sơ bộ, toàn ngành từ bậc học mầm non đến THPT có khoảng 87 cháu, mỗi suất quà 500 nghìn đồng. 

“Sở GD&ĐT thành lập Đoàn công tác gồm đại diện ban giám đốc, lãnh đạo công đoàn ngành và Phòng Công tác Chính trị Tư tưởng đến thăm, tặng quà từ 10 - 15 CBNGNLĐ, HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; thời gian thăm, tặng quà từ 15 – 24 tháng Chạp”, ông Trần Đắc Viện chia sẻ.

Theo ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Đồng Tháp, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục thay đổi, điều chỉnh hoạt động mừng xuân, không tổ chức hoạt động tập trung đông người (văn nghệ, cắm trại…), vận động hỗ trợ HS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bằng hình thức phù hợp để tất cả các em đều có Tết. Cùng với đó, tổ chức thăm hỏi nhà giáo, CBQL giáo dục nghỉ hưu trên địa bàn. Giải quyết lương, phụ cấp lương tháng 2/2021 cho CBNGNLĐ trước khi nghỉ Tết. Công đoàn các cấp hỗ trợ cho CBNGNLĐ có hoàn cảnh khó khăn từ nhiều nguồn (phân bổ của công đoàn cấp trên; vận động nhà hảo tâm; thực hiện “hỗ trợ tại chỗ”…).

Là trường miền núi, chăm lo Tết cho người lao động luôn được Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ) quan tâm vào mỗi dịp cuối năm. Chia sẻ từ hiệu trưởng Trần Huy, nhiều năm qua, nhà trường luôn có phần quà Tết cho cán bộ, nhà giáo; thưởng bình quân 1 triệu đồng/người. Cùng với đó, nhà trường làm tốt việc thăm hỏi, tặng quà Tết cho gia đình cán bộ nhà giáo thuộc diện chính sách, có cha mẹ cao niên; chia sẻ với gia đình HS nghèo, hoàn cảnh khó khăn, động viên các em và gia đình đón Tết đầm ấm, hòa thuận.

Lễ trưởng thành của HS Trường THPT Thanh Thủy (Phú thọ).
Lễ trưởng thành của HS Trường THPT Thanh Thủy (Phú thọ).

Còn nhiều trăn trở

Từ thực tế tại Hưng Yên, ông Trần Đắc Viện trăn trở: Sở GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục tỉnh không có nhiều nguồn lực để hỗ trợ tốt hơn đến CBNGNLĐ, HS có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 200 triệu đồng để chăm lo cho hơn 18.000 GV và hơn 100.000 HS là quá ít. “Năm nay, tinh thần của lãnh đạo sở GD&ĐT là cố gắng mức cao nhất trong khả năng và điều kiện. Các đơn vị cũng tổ chức nhiều chương trình quyên góp tại chỗ để hỗ trợ cho GV, HS ngay tại đơn vị”, ông Viện cho hay.

Còn theo Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Thủy (Phú Thọ), ông Nguyễn Anh Tuấn, câu chuyện tiền lương, thưởng Tết như một nỗi trăn trở đối với nhiều nhà giáo, nhất là cơ quan quản lý giáo dục. Bởi ngành Giáo dục, nhất là hệ thống trường công lập, hầu như không có thưởng. Tết Dương lịch, các trường đều không nghĩ đến thưởng vì không có nguồn; thưởng Tết Âm lịch cũng không nhiều, chỉ có từ các khoản tiết kiệm chi tiêu. Như năm trước, tại Thanh Thủy, mức thưởng Tết cao nhất là 1 triệu đồng/người; còn lại chỉ vài trăm nghìn đồng.

Để chăm lo Tết Tân Sửu 2021 cho CBNGNLĐ ngành GD-ĐT của huyện, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Huyện chỉ đạo chính quyền các cấp và Công đoàn triển khai hoạt động chăm lo Tết thiết thực, hiệu quả cho CBNGNLĐ, nhất là  trường hợp khó khăn, bệnh hiểm nghèo, Ngoài ra, khuyến khích các cơ quan, đơn vị vận động nguồn quỹ xã hội để tăng mức chi chăm lo cho CBNGNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, thống nhất và nguyên tắc tài chính. 

“Là ngành có số công chức, viên chức cao trong huyện nên việc hỗ trợ thưởng Tết của ngành Giáo dục rất khó khăn, chủ yếu do các trường tự lo. Tiền dạy thêm với các trường nằm ở huyện trung du, miền núi lại rất ít, nên nhiều khi “lực bất tòng tâm”. Tuy vậy, đội ngũ CBNGNLĐ trong ngành luôn xác định: Dù khó khăn, thiếu thốn những vẫn quyết tâm vượt qua để thi đua “Dạy tốt, Học tốt” và tiếp tục kỳ vọng thời gian tới đây đội ngũ nhà giáo và người lao động trong ngành Giáo dục  sống được bằng lương”, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Có nhiều ý kiến cho rằng, nên cố gắng tăng thưởng Tết bởi giá cả thị trường tăng lên từng ngày. Nên chăng có chế độ thưởng Tết riêng cho những cán bộ, GV hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ? Cho rằng, các ý kiến đề xuất đều chính đáng xuất phát từ thực tế của người lao động, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy đề nghị mỗi nhà trường, cấp quản lý cần chủ động quan tâm, đáp ứng để động viên được ngày càng nhiều cho người lao động; phát huy vai trò của các đoàn thể, lực lượng xã hội để chăm lo tốt hơn cho cán bộ nhà giáo mỗi khi Tết đến, xuân về.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.