Tập trung xử lý ổ dịch thủy đậu ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội

GD&TĐ - Trong thời gian qua, nhiều học sinh tại huyện Chương Mỹ đã mắc thủy đậu khiến ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt và học tập của các em. 

Nhân viên y tế phun khử khuẩn phòng chống dịch bệnh tại Trường Tiểu học Văn Võ (Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: TG.
Nhân viên y tế phun khử khuẩn phòng chống dịch bệnh tại Trường Tiểu học Văn Võ (Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: TG.

Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, trong tuần thứ 8 và 9/2023, địa phương này đã ghi nhận ổ dịch thủy đậu ở Trường Tiểu học Văn Võ với 12 ca mắc và ổ dịch tại Trường Mầm non Đồng Lạc với 22 trẻ mắc bệnh; cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã có 129 ca mắc thủy đậu.

Cô Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Võ cho biết, hiện toàn trường đang có hơn 800 học sinh đang theo học. Vừa qua, khi phát hiện một số em mắc thủy đậu, nhà trường đã lập tức phối hợp với cơ quan y tế địa phương tiến hành vệ sinh, phun khử khuẩn toàn bộ trường học. Đồng thời, thầy cô tuyên truyền tới phụ huynh cho những em mắc bệnh nghỉ học ở nhà nhằm đảm bảo sức khỏe.

Với hơn 300 trẻ đang học, cô Dư Thị Thơm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Lạc cho hay, số trẻ bị mắc thủy đậu trong tuần vừa qua tập trung ở 1 lớp khối 5 tuổi. Thời điểm sau Tết, các bệnh như cúm mùa, thủy đậu, sốt xuất huyết thường có xu hướng gia tăng.

Nhà trường đã báo cáo chính quyền địa phương để xử lý triệt để không cho dịch bệnh lây lan. Giáo viên các lớp cũng thông báo tới phụ huynh học sinh các biện pháp phòng bệnh theo quy định.

Về phía Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, sau khi ghi nhận hiện tượng nhiều trẻ bị thủy đậu, đơn vị này đã phối hợp với Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân, Trạm y tế các xã tổ chức phun thuốc khử khuẩn, tuyên truyền, hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh biện pháp chăm sóc, điều trị các ca đã mắc bệnh và biện pháp ngăn ngừa ổ dịch lây lan ra diện rộng.

UBND huyện Chương Mỹ cho biết trong thời gian tới, toàn huyện sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội về triển khai công tác phòng chống dịch bệnh năm 2023. Tiếp tục thực hiện giám sát tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đặc biệt là bệnh thủy đậu, xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan. Triển khai hiệu quả kế hoạch tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho nhân dân.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra với sự xuất hiện của các nốt nhỏ, tròn mọc khắp cơ thể. Người mắc thủy đậu sẽ có cảm giác ngứa ngáy bởi các mụn nước. Thời tiết ẩm ướt chính là điều kiện tốt cho nguồn bệnh phát triển và lây lan.

Bệnh không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, các nốt thủy đậu có khả năng bị nhiễm trùng, để lại sẹo thậm chí còn dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi hay viêm màng não.

Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây truyền. Khi 1 người mang siêu vi thủy đậu nói, hắt hơi hoặc ho... thì các siêu vi đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi. Người khác hít phải bụi đó sẽ lây bệnh ngay.

Thủy đậu xảy ra phần nhiều ở trẻ em, nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh này. Thông thường, từ lúc nhiễm phải siêu vi đến lúc phát ra bệnh, được gọi là thời gian ủ bệnh là khoảng 2 - 3 tuần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.