Nhận diện siêu vi khuẩn gây bệnh thủy đậu

Các giai đoạn của thủy đậu

GD&TĐ - Triệu chứng thủy đậu thường bắt đầu từ một mụn đỏ, nhưng nhiều mụn sẽ phát rất nhanh, kèm với nóng sốt, nhức đầu, sổ mũi, ho và cảm thấy rất mệt.

Sau thời gian ủ bệnh, trên cơ thể người bị thủy đậu sẽ bắt đầu phát ban dạng mụn nước. Ảnh minh họa
Sau thời gian ủ bệnh, trên cơ thể người bị thủy đậu sẽ bắt đầu phát ban dạng mụn nước. Ảnh minh họa

Bệnh thủy đậu do siêu vi khuẩn gây ra và lây lan nhanh. Triệu chứng thủy đậu thường bắt đầu từ một mụn đỏ, nhưng nhiều mụn sẽ phát rất nhanh, kèm với nóng sốt, nhức đầu, sổ mũi, ho và cảm thấy rất mệt.

Bác sĩ Lò Thanh Hợp, Trưởng khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ (Điện Biên) đã chia sẻ những lưu ý về biểu hiện trong từng giai đoạn của bệnh thủy đậu.

Lứa tuổi nào có thể mắc bệnh?

Thủy đậu là một trong những căn bệnh truyền nhiễm với triệu chứng là mụn nước xuất hiện trên da. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, không chỉ gây ra những khó chịu, mà bệnh còn để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh thủy đậu là một trong số bệnh chỉ mắc một lần. Nghĩa là người đã bị bệnh sẽ không mắc lại hoặc tỷ lệ mắc lại bệnh vô cùng thấp vì cơ thể đã sinh ra kháng thể chống lại bệnh sau khi bị lần đầu tiên. Thủy đậu xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào dù là trẻ em hay người lớn với khả năng lây lan khá cao, thậm chí bùng phát thành dịch.

Tác nhân chính dẫn đến thủy đậu là virus Varicella Zoster (VZV) có khả năng lây truyền thông qua da tiếp xúc với dịch từ mụn nước hoặc qua đường hô hấp. Trường hợp các giọt nước nhỏ li ti chứa trong không khí qua hắt hơi, ho, nói chuyện của người bệnh sẽ khiến cho thủy đậu lây lan nhanh.

Ngoài ra, nếu người bình thường dùng chung vật dụng cá nhân hoặc dụng cụ có tiếp xúc với nước bọt hay dịch mụn thủy đậu của người bị bệnh như khăn tắm, bàn chải đánh răng, dao cạo... cũng có thể bị nhiễm virus. Trước đây, số lượng người được tiêm ngừa rất ít trong khi đường lây truyền lại đơn giản khiến cho số người mắc bệnh gia tăng.

Dấu hiệu rõ ràng và dễ nhận biết nhất của bệnh thủy đậu là các mụn nước đỏ nổi lên trên bề mặt da. Bệnh phát triển theo từng giai đoạn, do đó việc điều trị bệnh ở mỗi giai đoạn cũng khác nhau. Tùy vào mức độ bệnh và tình trạng của cơ thể mà đưa ra kết luận về thủy đậu bao lâu thì khỏi.

Việc chẩn đoán bệnh thủy đậu chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng như người bệnh chưa tiêm vắc-xin và chưa mắc thủy đậu. Đồng thời, người bệnh bị lây nhiễm virus trong khoảng thời gian từ 2 – 3 tuần trước đó… Ngoài ra, người bệnh còn được thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như bạch cầu máu ngoại vi giảm, lympho bào tăng, miễn dịch huỳnh quang, soi tìm virus, phân lập virus, xét nghiệm chẩn đoán huyết thanh…

Những giai đoạn của bệnh thủy đậu bao gồm 4 giai đoạn. Đó là ủ bệnh, khởi phát, toàn phát, hồi phục. Kể từ khi tiếp xúc với người bệnh cho đến khi bệnh kết thúc giai đoạn có thể mất thời gian tối đa 1 tháng. Bệnh cần tối đa 21 ngày để virus phát triển và gây ra những biểu hiện đầu tiên và mất khoảng 10 ngày để bệnh biểu hiện và phục hồi.

Nhiều người có hệ miễn dịch tốt, thời gian khởi phát và phục hồi ngắn nên khả năng đẩy virus ra khỏi cơ thể nhanh chóng. Và ngược lại, với người có sức khỏe yếu thì có thể mất đến 3 tuần mới có thể lành bệnh, khiến cho thời gian điều trị cũng kéo dài ra.

Biểu hiện bệnh từng giai đoạn

Thông thường, trong khoảng từ 1 - 2 ngày thì thủy đậu có thể lây từ người bệnh sang người lành. Sau khi tiếp xúc với mầm bệnh, virus sẽ bắt đầu phát triển và gây bệnh. Tùy thuộc vào sức đề kháng và đối tượng nhiễm bệnh mà thời gian ủ bệnh ở mỗi người không giống nhau, trung bình kéo dài từ 10 – 20 ngày. Trong khoảng 14 ngày ủ bệnh, hầu như bệnh nhân không có biểu hiện rõ ràng và rất khó để nhận biết.

Giai đoạn khởi phát kéo dài trong vòng từ 24 - 48 giờ. Khi bắt đầu phát bệnh, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, chán ăn, nôn ói, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng. Và 1 – 2 ngày sau đó, trên da người bệnh sẽ xuất hiện các mẩn ngứa màu đỏ khắp các vùng da, với đường kính vài mm, bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Một số người bệnh còn xuất hiện hạch sau tai, viêm họng.

Triệu chứng ở giai đoạn này khá phổ biến và gặp nhiều ở các bệnh thông thường như cảm cúm nên người bệnh có thể bị nhầm lẫn.

Giai đoạn toàn phát, các triệu chứng xuất hiện rõ ràng và nặng hơn, các nốt ban cũng bắt đầu xuất hiện. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chân tay rã rời như không có sức. Sốt vừa hoặc sốt cao, kèm với các cơn đau đầu dữ dội, mụn nước nổi lên nhiều và lan khắp cơ thể, ngứa ngáy khiến các bệnh nhân vô cùng khó chịu. Nhiều người còn có biểu hiện nôn ói hoặc đau nhức cơ xương khớp.

Các mụn nước hay còn gọi là ban dạng phỏng nước xuất hiện nhanh chóng trong vòng 1 ngày sau đó. Ban đỏ chuyển thành mụn nước hình tròn, với đường kính 1 - 3mm, chứa chất dịch bên trong màu trắng hoặc trắng đục. Nếu bội nhiễm vi khuẩn thì dịch sẽ kèm theo mủ. Ban mọc nhiều ở vùng ít bị tì đè như vùng liên bả, bên sườn, nách, kheo, có khi dày đặc ở mặt và thân mình, chân tay thì ít ban hơn.

Ban đỏ mọc nhiều đợt trên cùng một vùng da, do đó người bệnh sẽ thấy ban mọc ở nhiều mức độ khác nhau từ nốt sẩn, bọng nước trong, bọng nước đục hoặc đóng vảy. Người mắc bệnh thủy đậu có thể nổi từ vài mụn nước cho đến hàng trăm mụn nước trên cơ thể.

Một khi phát ban thủy đậu xuất hiện, nó sẽ có màu hồng hoặc đỏ. Các mụn nước nhỏ chứa đầy chất lỏng, hình thành trong khoảng 1 ngày, sau đó vỡ và rỉ dịch. Tiếp đến, các mụn nước bị vỡ mất thêm vài ngày để lành vết thương.

Trong thời gian đó, các mụn nước mới tiếp tục xuất hiện. Bệnh thủy đậu thường nhẹ ở trẻ em khỏe mạnh nhưng ở một số ca, ban có thể bao phủ toàn bộ cơ thể, có thể hình thành tổn thương ở cổ họng, mắt và niêm mạc niệu đạo, hậu môn và âm đạo.

Giai đoạn toàn phát các mụn nước sẽ nổi nhiều khắp cơ thể, bệnh nhân chà xát, cào hay gãi có thể khiến cho mụn nước bị vỡ và nhiễm trùng. Lúc này các nốt mụn sẽ lớn hơn và dịch có lẫn mủ. Giai đoạn này có thể kéo dài từ 1 - 3 tuần tùy từng người.

Giai đoạn hồi phục, thường diễn ra từ 3 - 4 ngày. Sau hơn 10 ngày kể từ khi phát bệnh, tất cả các mụn nước sẽ vỡ ra và khô lại, tạo thành vảy sau đó bong tróc. Nhiều trường hợp mụn bong ra nhưng không để lại sẹo. Còn các nốt mụn vỡ tạo thành vết thâm thì bệnh nhân có thể nhờ bác sĩ tư vấn, kê đơn các loại thuốc bôi ngoài da, trị thâm, sẹo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ