Tập trung làm rõ các vấn đề về tự chủ đại học

GD&TĐ - Là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH 2012”, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, đề tài nghiên cứu một cách toàn diện những vấn đề lý luận và thực tiễn về giáo dục đại học nói chung và về các chế định liên quan trong Luật GDĐH hiện hành nói riêng; đặc biệt tập trung vào các vấn đề về tự chủ đại học.

Quyền tự chủ ĐH phải gắn liền với trách nhiệm đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo
Quyền tự chủ ĐH phải gắn liền với trách nhiệm đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo

Làm rõ nội hàm về tự chủ đại học

  • PGS.TS Vũ Thị Lan Anh

Chia sẻ về đề tài nghiên cứu khoa học này, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh cho hay: Đề án kế thừa những kết quả nghiên cứu trong nước và nước ngoài, phát triển, dựa vào các cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học 2012.

Trong lĩnh vực tự chủ đại học, đề án tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về tự chủ đại học trong lĩnh vực chuyên môn, tổ chức bộ máy và nhân lực, tài chính, tài sản, đặc biệt tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài để kịp thời cung cấp những luận cứ khoa học, tư vấn cho Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan, phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH được phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra cũng như xu hướng phát triển của GDĐH trên thế giới trong thời kỳ hội nhập.

Không chỉ phục vụ hoạt động xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH năm 2012, Đề án còn có mục đích đề xuất những nội dung cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về GDĐH sau khi ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (2018), nhằm mục tiêu hoàn thiện hơn nữa pháp luật về GDĐH hiện hành, tiến tới xây dựng Luật GDĐH thay thế.

Theo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Luật GDĐH năm 2012 là đạo luật đầu tiên điều chỉnh về GDĐH, đã đặt nền móng cho tự chủ đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi thực hiện giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học thì còn rất nhiều vướng mắc, khó khăn và chưa thực hiện được rộng rãi mà vẫn mới dừng lại ở việc thí điểm giao tự chủ cho 23 cơ sở giáo dục đại học theo Nghị quyết số 77 của Chính phủ.

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có sự bất cập của các quy định trong Luật GDĐH hiện hành. Luật chưa quy định về điều kiện thực hiện tự chủ; yêu cầu thực hiện quyền tự chủ; chưa làm rõ nội hàm của quyền tự chủ trong từng lĩnh vực và chưa quy định rõ tự chủ phải gắn liền với trách nhiệm giải trình, làm rõ trách nhiệm giải trình gồm những nội dung nào để làm cơ sở pháp lý thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH.

Về tự chủ của cơ sở GDĐH trong từng phương diện, Luật hiện hành cũng còn nhiều hạn chế như: Về quyền tự chủ trong công tác tổ chức, nhân sự: Luật GDĐH quy định cứng về tổ chức bộ máy đối với tất cả các cơ sở GDĐH. Điều này cản trở các cơ sở GDĐH hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, tăng cường quyền chủ động của cơ sở GDĐH trong việc xây dựng cơ cấu tổ chức nội bộ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học - công nghệ tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị quốc tế.

Luật hiện hành chưa quy định về quyền của các cơ sở GDĐH được chủ động tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh giảng viên, bao gồm cả giáo sư, phó giáo sư. Đây là rào cản trong việc thu hút nhân tài, thu hút giảng viên giỏi trong và ngoài nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Tập trung làm rõ các vấn đề về tự chủ đại học ảnh 2

Ảnh minh hoạ/ Internet

Tinh thần tự chủ xuyên suốt trong dự thảo Luật

Về quyền tự chủ trong tuyển sinh, hoạt động đào tạo, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh nhận xét: Quy định của Luật GDĐH chỉ giao quyền tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cho các đại học quốc gia và các cơ sở GDĐH đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, đến nay các cơ sở GDĐH đạt chuẩn quốc gia vẫn chưa xác định rõ nên phần lớn các cơ sở GDĐH chưa được tự chủ mở ngành. Điều này ảnh hưởng tới việc đào tạo nguồn nhân lực và yêu cầu cần thích ứng nhanh với sự thay đổi và đòi hỏi của thị trường lao động trong và ngoài nước. Quy định của Luật GDĐH hiện hành cho phép các trường được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhưng là chỉ tiêu chung cho tất cả các ngành, chứ không theo ngành, nhóm ngành dẫn tới mất cân đối giữa cung cầu trong đào tạo đối với một số ngành, nhóm ngành.

Cũng theo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Luật GDĐH năm 2012 chưa quy định rõ về quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; chưa quy định quyền liên doanh, liên kết, hình thành doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của cơ sở GDĐH. Điều này phần nào làm giảm động lực của đội ngũ giảng viên trong hoạt động khoa học công nghệ tại các cơ sở GDĐH.

Kiểm định chất lượng giáo dục là một công cụ hữu hiệu để cơ sở giáo dục đại học giải trình với các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, các bên liên quan và xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục của cơ sở GDĐH hoặc chương trình đào tạo, đồng thời để cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở xác nhận mức độ đáp ứng mục tiêu của cơ sở giáo dục đại học hoặc chương trình đào tạo trong từng giai đoạn.

 
PGS.TS Vũ Thị Lan Anh

Các quy định của Luật GDĐH về tài chính, tài sản đã không phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học. Mức học phí chưa được tính theo cơ chế định giá dịch vụ, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo và chất lượng của từng cơ sở đào tạo. Cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ sở GDĐH còn mang tính bình quân giữa các trường đại học công lập, chưa gắn với tiêu chí phản ánh chất lượng và kết quả đầu ra nên chưa phát huy được tính cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH. Việc huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân, hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ GDĐH theo nhu cầu của các cơ sở GDĐH vẫn còn hạn chế do chưa có quy định cụ thể.

Việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của các cơ sở GDĐH chưa có quy định phân biệt giữa nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước hay các nguồn thu hợp pháp mà vẫn phải tuân theo các quy định chung nên làm ảnh hưởng đến thực hiện tự chủ đại học của các cơ sở GDĐH.

Bên cạnh đó, quy định của Luật GDĐH hiện hành chưa khuyến khích sự phát triển của GDĐH ngoài công lập bởi chính sách cho GDĐH ngoài công lập chưa tường minh, coi mọi tài sản tích lũy trong quá trình hoạt động của cơ sở GDĐH tư thục là tài sản chung không phân chia là chưa hợp lý, chưa tạo động lực cho các nhà đầu tư.

Liên quan đến vấn đề tự chủ đại học, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh cho rằng, nhiều quy định về tự chủ đại học trong Luật GDĐH đang bị vướng rất nhiều bởi quy định của các luật khác có liên quan như: Luật đầu tư công, Luật Quản lí, sử dụng tài sản công, hay Luật Viên chức nên chưa thể thực thi và phát huy tác dụng. Các cơ sở GDĐH gặp khó khăn trong việc tự chủ trong chuyên môn, tài chính, tài sản, công tác tổ chức, nhân sự. Chính từ những bất cập đó mà thời gian qua tự chủ đại học chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Theo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, tinh thần tự chủ xuyên suốt dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được quy định theo hướng gắn với trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng giáo dục. “Tôi khẳng định, quyền tự chủ phải đi đôi với trách nhiệm giải trình, bởi nếu chỉ trao quyền tự chủ thì chắc chắn khó tránh khỏi lạm dụng quyền, gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của người học và toàn xã hội” - PGS.TS Vũ Thị Lan Anh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ