Cần thiết phải có hội đồng trường
Khẳng định sự cần thiết phải có hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Càng tự chủ đại học thì càng cần hội đồng trường.
Quyền tự chủ chỉ nên giao cho cơ chế hội đồng, không nên giao cho cá nhân hiệu trưởng vì dễ dẫn đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm khó kiểm soát. Tuy nhiên, cần phải quy định rõ chức năng của hội đồng trường để tránh tình trạng “mặt trận” như nhiều ý kiến lo ngại.
Những vấn đề này, Ban soạn thảo dự án luật đã nghiên cứu dưới nhiều góc độ, ví dụ như tham khảo luật của nước ngoài thì các hội đồng trường của các nước phát triển hoạt động rất hiệu quả, trong đó thông thường có khoảng 50 - 60% là các thành viên ngoài trường.
Những thành viên của hội đồng trường là những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, hoặc đó là những cựu sinh viên của trường, mong muốn cho trường của mình ngày càng phát triển lớn mạnh, uy tín, có thương hiệu. Nếu cựu sinh viên được mời vào hội đồng trường thì đấy sẽ là những người rất tâm huyết với nhà trường. Đó là kinh nghiệm thành công ở nước ngoài.
Đối với Việt Nam hiện nay thì việc quy định hội đồng trường có 30% thành viên ngoài trường là khả thi. Đó là con số dần tiệm cận với chuẩn quốc tế và tránh tình trạng chỉ một nhóm trong trường quyết định mà không căn cứ vào lợi ích và nhu cầu xã hội. Đào tạo phải theo nhu cầu xã hội chứ không phải đào tạo những gì mà nhà trường đang có, cho nên rất cần bên ngoài tham gia vào.
Tuy nhiên, mỗi nhà trường cần xem xét mời ai để có thể có điều kiện đóng góp cho trường, có hiểu biết về lĩnh vực giáo dục đại học thì đó là tầm của nhà trường khi lựa chọn hội đồng trường. Tất nhiên cơ chế có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào quá trình tổ chức thực hiện. Không phải là vì một vài nơi chưa tổ chức thực hiện mà chúng ta xóa sổ cơ chế đó.
Khi đi sâu vào quyền hạn của hội đồng trường, Ban soạn thảo đã thiết kế là với cách tiếp cận quyền tự chủ từ cơ quan chủ quản cho đến các quyền lực của nhà trường phải tập trung vào hội đồng trường chứ không phải vào ban giám hiệu hay hiệu trưởng.
Hội đồng trường sẽ ban hành các quy định của nhà trường. Ví dụ như quy định quy chế tổ chức, quy chế tài chính, quy chế dân chủ. Nó là “luật con” của nhà trường phù hợp với luật của Nhà nước.
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Rồi quyết định về tiêu chuẩn, về cơ cấu tổ chức, quyết định các loại chính sách như chính sách đầu tư, chính sách học phí học bổng, về nhân sự... trong đó có trách nhiệm là hội đồng trường là phải phân cấp cho hiệu trưởng thực hiện một số quyền hạn của hội đồng trường, đảm bảo phát triển nhà trường và công tác quản lí điều hành hoạt động linh hoạt hiệu quả.
Phân cấp đến đâu là do hội đồng trường quyết định và được đưa vào quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường. Nó phù hợp vào định hướng của nhà trường, lực lượng hội đồng trường và hiệu trưởng mà nhà trường đó lựa chọn.
Cần hiểu hiệu trưởng hay bộ máy của hiệu trưởng là bộ máy thực thi quản lí các công việc hành chính, điều hành các hoạt động trong nhà trường. Còn hội đồng trường là nơi quyết định tất cả các chính sách phát triển của nhà trường. Đó là cách thiết kế của Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Cơ quan chủ quản không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của trường
Việc mở rộng nhiệm vụ quyền hạn của hội đồng trường đại học cũng liên quan chặt chẽ đến vấn đề mối liên hệ và bỏ cơ quan chủ quản thế nào.
Bà Phụng khẳng định: Nếu như hội đồng trường thực hiện các quyền được quy định trong điều 16, 18 và điều 32, tức là tất cả các mặt tự chủ về tổ chức bộ máy, về tài chính tài sản, về chuyên môn thì cơ quan chủ quản hầu như không “có đất” để can thiệp trực tiếp vào các hoạt động của trường nữa.
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Việc giảm đi tiến tới bỏ cơ quan chủ quản để đảm bảo quyền tự chủ cho nhà trường phụ thuộc vào cơ chế được quy định trong luật này ra sao và cũng phải có một số luật khác nữa.
Hiện nay, một số luật khác cũng đang được sửa đổi đồng bộ để thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Đó là những luật sẽ cùng phối hợp thực hiện đồng bộ với Luật Giáo dục đại học để đảm bảo quyền tự chủ cho các trường đại học.
Cơ quan chủ quản sẽ giao các nhà trường thực hiện những quyền tự chủ trong tài chính, tài sản, trong tổ chức. Còn cơ quan quản lý Nhà nước thì quản lý về đào tạo, về chuyên môn. Không chỉ giảm vai trò của cơ quan chủ quản mà vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước cũng giảm khi chỉ đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu về sự công khai minh bạch, về điều kiện đảm bảo chất lượng cũng như chất lượng thực tế.