Tấp nập mùa sắm lễ phục ở làng khăn chầu áo ngự

GD&TĐ - Có thể khẳng định, đó là ngôi làng duy nhất ở nước ta giữ được nghề thêu làm khăn chầu, áo ngự cung đình và phục vụ hầu đồng. Tháng Bảy âm lịch, ngôi làng cổ ấy như tấp nập đông đúc hơn bởi giới hầu đồng về sắm lễ phục mới.

Tấp nập mùa sắm lễ phục ở làng khăn chầu áo ngự

Làng Đông Cứu thuộc xã Dũng Tiến (Thường Tín - Hà Nội) có lịch sử 300 năm với nghề thêu truyền thống. Trong quá khứ, Đông Cứu nổi tiếng về thêu trang phục cho vua chúa triều đình. Còn ngày nay, ngôi làng ấy vẫn quyết giữ nghề thêu bằng các sản phẩm tinh túy dành cho xuất khẩu.

Nghề thêu hầu thánh

Tấp nập mùa sắm lễ phục ở làng khăn chầu áo ngự ảnh 1

Khăn chầu, áo ngự vẫn được người Đông Cứu miệt mài thêu sửa. Nói là thêu sửa vì ở đây còn cả những nghệ nhân chuyên phục chế những bộ trang phục của các vua chúa xưa cho các bảo tàng triển lãm.

Và khăn chầu, áo ngự cho giới hầu đồng thì ở Đông Cứu giống như một siêu thị. Hầu như ở ngõ xóm nào cũng có những nghệ nhân, những sạp hàng, những tủ trưng bày đủ mọi kích cỡ, màu sắc, kiểu dáng cho những người tham gia hầu đồng tuyển chọn.

Ông Vũ Giỏi, nghệ nhân làng Đông Cứu cho hay, từ đầu tháng Bảy âm lịch, những cô đồng cùng con nhang đệ tử đã về đây mua lễ phục mới phục vụ diễn xướng hầu đồng dịp Rằm. Bởi thế mà không lúc nào làng vắng bóng người, cứ xe này đi thì xe khác lại về suốt ngày đêm.

Làng thêu Đông Cứu có lịch sử từ rất lâu đời. Theo thời gian ghi trên bản sắc phong, làng thêu có sớm nhất là dưới triều vua Lê Cảnh Hưng (1746). Thần tích của làng và bản sắc phong các triều đại cho thấy làng thờ Lê Công Hành, vị tiến sĩ thời vua Lê Thần Tông (1637), làm tổ nghề thêu.

Khi ông đi sứ phương Bắc, có học được kĩ thuật thêu của người phương Bắc nên khi về đã truyền dạy cho dân, trong đó có dân làng Đông Cứu. Trước đây làng chuyên thêu long bào, áo mão cho quan chức, quý tộc trong triều và là nơi duy nhất ở miền Bắc chuyên lĩnh vực này.

Hiện nay, nơi đây là nơi duy nhất còn giữ được nghề thêu này và số lượng người thạo nghề còn lại không nhiều. Những nghệ nhân thêu ở làng Đông Cứu dù không được đào tạo qua trường lớp cụ thể, chỉ học qua phương thức truyền miệng nhưng họ vẫn làm ra những sản phẩm chất lượng.

Cầu kỳ mũi chỉ

Nghệ nhân Đông Cứu trao truyền nghề luôn bằng phương pháp truyền miệng.
Nghệ nhân Đông Cứu trao truyền nghề luôn bằng phương pháp truyền miệng.

Muốn thêu được một chiếc áo long bào, đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian. Để có một sản phẩm chất lượng, điều quan trọng nằm ở việc đánh màu và kỹ thuật đan xen các canh chỉ.

Bên cạnh những lối thêu khó, người thêu còn phải tuân thủ những quy định khắt khe và theo nguyên tắc: Các mũi chỉ phải theo một hướng nhất định.

Lớp người đi trước rất có ý thức truyền nghề cho thế hệ sau, đó là lý do ngay từ lúc ba, bốn tuổi nhiều trẻ em ở Đông Cứu đã được hướng dẫn vào bàn thêu tập se chỉ, luồn kim.

Theo Trưởng thôn Nguyễn Thế Vượng, trong làng có hơn 80% người dân làm nghề thêu và khoảng 50 ông chủ các xưởng thêu, thu hút không những nhân lực có tay nghề trong làng, xã mà còn cả nhân lực các vùng lân cận. Giá nhân công được tính phụ thuộc vào các mặt hàng được đặt, nên thu nhập tương đối ổn định.

Ở làng Đông Cứu có rất nhiều nghệ nhân nổi tiếng, trong số đó có ông Vũ Giỏi. Từ những năm 1990, ông Giỏi đã tham gia phục dựng trang phục triều đình, rồi hoàn tất công việc này trong 15 năm, với sản phẩm tâm đắc nhất là bộ long bào Đồng Khánh.

“Trong suốt 15 năm, mình đã thêu được tất cả 30 bộ trang phục cho vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa… Giá mỗi bộ hàng chục triệu đồng. Hiện các sản phẩm thêu này đã được trưng bày ở một số nước trên thế giới; 14 bộ trang phục cung đình được trưng bày trong bảo tàng Huế”, ông Giỏi cho biết.

Những kiểu thêu trên trang phục cung đình có thể coi là đỉnh cao của nghệ thuật thêu truyền thống. Với áo dành cho vua, dù có một ngàn mũi chỉ hay chục ngàn mũi chỉ thì tất cả các mũi chỉ phải đều nhau tăm tắp về khoảng cách, độ dài.

Khi thêu, người thợ phải làm sao bắt nét thật nhịp nhàng vào sợi kim tuyến, chưa kể các sợi kim tuyến đều là vàng thật nên công việc bắt nét còn khó khăn hơn. Chọn chỉ trong thêu áo cho vua và hoàng gia cũng phải tuân thủ những quy tắc khắt khe khác. Áo long bào của vua, bắt buộc phải chọn chỉ se 2 chiều, trong khi đó, áo hoàng hậu lại chỉ được dùng chỉ se một chiều.

“Trong việc thêu khăn chầu, áo ngự thì cỡ chỉ cũng được quy định cho từng loại áo. Đặc biệt, mỗi họa tiết thêu trên áo long bào lại có những đòi hỏi về màu sắc riêng, ví như màu lam thể hiện hình ảnh sóng nước, mỗi mảng lại đòi hỏi những màu lam khác nhau, và trên mỗi mảng đó, bắt buộc phải có 5 sắc độ lam, từ đậm đến nhạt. Nói chung là để hoàn thiện một chiếc long bào là rất khó và mất nhiều thời gian”, ông Giỏi cho biết.

Nghệ nhân phải hiểu văn hóa

Làng Đông Cứu với truyền thống 300 năm làm trang phục cung đình.
Làng Đông Cứu với truyền thống 300 năm làm trang phục cung đình.

Từ mấy chục năm nay, các nghệ nhân làng Đông Cứu chuyên may và thêu các lễ phục hầu đồng. Đây là một trong những công việc khá khó khăn, bởi các nghệ nhân phải hiểu được văn hóa, tín ngưỡng đạo Mẫu.

Hơn nữa, số nhiều “cô đồng” đều rất khó tính, chỉ cần không ưng ý một chi tiết là sản phẩm bị trả lại.

Theo các nghệ nhân thì màu đỏ cờ là ngôi Đệ Nhất, sắc phục màu vàng tượng trưng cho Địa Phủ. Khi vẽ áo cho 5 hàng quan, 3 hàng ông hoàng, hai giá cậu và một giá quan nhà Trần cho các đền Mẫu không thể thiếu hình rồng.

Còn các giá như áo chầu, áo mẫu, áo chúa Thác Bờ thì phải vẽ phượng. Trong đó, các áo phượng thường điểm hoa, còn các áo vẽ rồng thì điểm mặt nguyệt.

Trong khi nhiều mẫu thêu cổ xưa vốn rất quen thuộc trong các lễ hội truyền thống đã bị thất truyền, thì nay nghệ nhân Đông Cứu đã tìm tòi và khôi phục lại. Từ đó, hầu hết các địa phương đều tìm về Đông Cứu mong có những mẫu phục đẹp mắt nhưng trang nghiêm truyền thống. Chính điều này tạo cho nghề thêu Đông Cứu ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với nghề thêu long bào, hầu đồng ở vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Mặt hàng mẫu áo của các vị vua, chúa, hoàng gia đời trước này rất kén khách và chỉ lưu hành trong một bộ phận rất nhỏ như đoàn làm phim, đoàn ca múa kịch. Để thêu được một chiếc long bào phải mất mấy tháng ròng, nếu bị hỏng coi như bỏ đi.

Nghệ nhân Vũ Giỏi và trang phục cung đình.
Nghệ nhân Vũ Giỏi và trang phục cung đình.

Thêu một chiếc áo để phục vụ các dịp lễ hội, hầu bóng cũng phải mất vài tháng. Chính bởi vậy, nghệ nhân làng Đông Cứu chỉ làm theo đơn đặt hàng là chính.

Đặc biệt từ khi dịch Covid-19 xuất hiện kéo theo những khó khăn đầu ra và nguồn vốn. Tưởng làng nghề sẽ chao đảo một phen, nhưng như các nghệ nhân tâm sự thì Trời còn thương nên công việc dần hồi phục.

Hiện nay, ở làng Đông Cứu phổ biến giá hài (giầy) thêu tay có giá từ 1 - 1,2 triệu đồng. Áo hầu thêu thủ công hoàn toàn có giá 5 - 10 triệu đồng, đắt gấp gần chục lần áo thêu máy. Áo có chất lượng cao thì lên tới hàng trăm triệu đồng, phục chế long bào có thể tốn gần một tỷ đồng.

Dù đắt hay rẻ nhưng giới hầu đồng hầu như không bao giờ phải kêu ca về sản phẩm của nghệ nhân làng Đông Cứu. Bởi một nhẽ, từng chi tiết, từng đường kim mà người thợ thực hiện đã thấm đẫm tình yêu nghề cùng vốn văn hóa sâu sắc đối với phục trang dân tộc.

“Hiện nay, cả làng có khoảng hơn 100 hộ lập xưởng sản xuất, trên 90% số hộ gia đình có người làm nghề thêu. Nghề thêu làng Đông Cứu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là một trong những điều kiện thuận lợi để trao truyền và gìn giữ bản sắc văn hóa làng nghề truyền thống mà cha ông để lại” - Ông Nguyễn Đức Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Dũng Tiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ