Tham gia lớp tập huấn có 40 tổ viên là người dân tộc thiểu số. Tại đây những nghệ nhân giàu kinh nghiệm trực tiếp truyền dạy kỹ năng đan lát, cách đan các sản phẩm như: gùi, rổ, rá, giỏ, mâm cơm…. và thực hành nghề đan lát thủ công, phổ biến lý thuyết sơ lược về nguồn gốc, xuất xứ, ý nghĩa của bảo tồn và giữ gìn nghề truyền thống của người Khùa, người Mày.
Để bảo tồn nghề đan lát truyền thống, Hội LHPN huyện Minh Hóa đã thành lập tổ hợp tác mây tre đan tại xã Trọng Hóa, đồng thời hỗ trợ tổ hợp tác xây dựng quy chế hoạt động, cung cấp máy vót tre, máy chuốt mây, tủ trưng bày sản phẩm, kỹ năng làm maketing để giới thiệu sản phẩm mây tre đan trên các sàn giao dịch điện tử….
Lớp tập huấn đã tạo điều kiện cho các nghệ nhân, người uy tín trong cộng đồng dân tộc Bru Vân Kiều truyền dạy nghề thủ công đan lát cho các thế hệ trẻ. Giúp thế hệ trẻ nắm bắt được các kỹ thuật, công đoạn chế tác sản phẩm một cách hệ thống, bài bản của nghề đan lát, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của nghề thủ công truyền thống trong việc phát triển KT-XH, tạo được nguồn thu từ các sản phẩm đan lát thủ công gắn với phát triển du lịch cộng đồng và bảo tồn lưu giữ được nghề thủ công truyền thống như mục tiêu Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.