Tập huấn giáo viên về “Tài liệu điện tử an toàn giao thông dành cho học sinh tiểu học”

GD&TĐ - Ngày 19/8, tại Nghệ An, Bộ GD&ĐT phối hợp với, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, tổ chức tập huấn cho giáo viên tiểu học toàn quốc về Tài liệu điện tử an toàn giao thông dành cho học sinh tiểu học.

Tập huấn giáo viên về “Tài liệu điện tử an toàn giao thông dành cho học sinh tiểu học”
Tập huấn giáo viên về “Tài liệu điện tử an toàn giao thông dành cho học sinh tiểu học”

Phát biểu tại hội nghị tập huấn, ông Phạm Hùng Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT cho rằng: “Tài liệu Điện tử Giáo dục An toàn Giao Thông cho học sinh tiểu học” sẽ được sử dụng như một công cụ để bảo vệ mọi trẻ em ở Việt Nam trên đường đến trường và về nhà. Bộ tài liệu được xây dựng sinh động, công phu, giúp cho học sinh dễ học, dễ nhớ và tiếp cận phương pháp, công cụ mới trong học tập an toàn giao thông.

Chương trình tập huấn được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tới 63 điểm cầu của các Sở GD&ĐT trong cả nước, với hơn 6000 đại biểu là giáo viên và cán bộ quản lý ngành giáo dục các địa phương tham dự. Đây cũng là lần đầu tiên bộ Tài liệu điện tử an toàn giao thông ở Việt Nam được xây dựng và sử dụng trong giảng dạy an toàn giao thông cho học sinh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn giáo viên về “Tài liệu điện tử an toàn giao thông dành cho học sinh tiểu học”

Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn giáo viên về “Tài liệu điện tử an toàn giao thông dành cho học sinh tiểu học”

Ngày 6/4/2022, Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định số 946/QĐ‐BGDĐT phê duyệt bộ Tài liệu Điện tử An toàn Giao Thông làm tài liệu tham khảo, được sử dụng trong giảng dạy tích hợp và các hoạt động về giáo dục an toàn giao thông cho học sinh trong các cơ sở giáo dục tiểu học.

Bộ tài liệu này trở thành Tài liệu Điện tử an toàn giao thông đầu tiên tại Việt Nam dành cho học sinh tiểu học được phê duyệt để triển khai trong toàn quốc. Tài liệu Điện tử An toàn Giao Thông cung cấp một công cụ giáo dục hiệu quả và sáng tạo lấy học sinh làm trung tâm nhằm giúp học sinh tiểu học được trang bị các kỹ năng an toàn giao thông cần thiết từ khi còn nhỏ.

Tài liệu Điện tử An toàn Giao thông gồm 10 chủ đề mô tả sự đa dạng các phương thức di chuyển của học sinh đến trường tại Việt Nam với bảy phương thức giao thông chính bao gồm đi bộ, xe đạp, xe máy, xe ô tô, xe buýt, tàu hỏa, thuyền/phà cũng như các kiến thức và kỹ năng liên quan như đường đến trường, biển báo giao thông đường bộ, hậu quả và cách phòng tránh tai nạn giao thông đường bộ.

Thông qua Tài liệu điện tử, kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn dễ dàng được tiếp cận thông qua các lớp học trên lớp với giáo viên - như một phần của kiến thức nền tảng do nhà trường cung cấp. Ngoài ra, cha mẹ học sinh cũng có thể tải phần mềm Tài liệu điện tử để giúp các em tự mình khám phá các kiến thức về an toàn giao thông. Tài liệu điện tử cũng tích hợp các video, trò chơi và hoạt động tương tác để trang bị cho học sinh các kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia lưu thông trên đường.

Các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh có thể tải bộ tài liệu Điện tử An toàn Giao Thông và bài giảng mẫu để hướng cho học sinh và con em mình tại địa chỉ: https://cutt.ly/TAILIEUDIENTU-ATGT

Hội nghị tập huấn cho giáo viên cốt cán được tổ chức nhằm đảm bảo nội dung và mục đích của Tài liệu điện tử được truyền tải đầy đủ và hiệu quả đến học sinh tiểu học trong cả nước. Tiếp theo buổi tập huấn, các Sở GDĐT sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên trong các trường tiểu học ở địa phương mình, đảm bảo tất cả học sinh tiểu học trong cả nước sẽ được tiếp cận với các tài liệu này. Từ đó, góp phần xây dựng thế hệ trẻ tuân thủ Luật An toàn giao thông, tham gia giao thông thông minh, tạo ra chuỗi tác động tích cực và bền vững cho việc di chuyển an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.