Tập cho trẻ Mầm non thích ứng cuộc sống trường Tiểu học

GD&TĐ - Các trường mầm non (MN) tại Hải Phòng thường xuyên tổ chức tham quan, trải nghiệm tạo không khí vui tươi, hứng thú đưa trẻ 5 tuổi gần hơn với trường tiểu học.

Các bé 5 tuổi Trường Mầm non Hoa Phượng (phường Văn Đẩu, quận Kiến An) cùng nhận diện số.
Các bé 5 tuổi Trường Mầm non Hoa Phượng (phường Văn Đẩu, quận Kiến An) cùng nhận diện số.

Tạo tâm lý thích ứng cho trẻ

Cô Bùi Thị Thoa - Hiệu trưởng Trường MN Hoa Phượng (phường Văn Đẩu, quận Kiến An, TP Hải Phòng) chia sẻ: Năm học 2020 - 2021, Trường Mầm Non Hoa Phượng có 8 lớp học với 265 trẻ, trong đó có 3 lớp mẫu giáo 5 tuổi với 91 trẻ. Để các cháu có hành trang vững vàng trước ngưỡng cửa vào trường tiểu học, nhà trường đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp.

Theo cô Thoa, giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học, trẻ gặp nhiều thay đổi và phải đối mặt với nỗi lo lắng rời xa môi trường quen thuộc đến một môi trường mới. Ở đó, trẻ  phải độc lập hơn, lại thêm áp lực học tập, tuân thủ kỷ luật ở trường tiểu học có thể khiến nhiều trẻ có tâm lý sợ đi học, ngay cả những trẻ vốn tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp.

Nắm được tâm lý đó, Trường MN Hoa Phượng triển khai nhiều hoạt động, chuẩn bị cho trẻ thích ứng với cuộc sống ở trường tiểu học. Việc tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm như đóng vai theo chủ đề trường tiểu học; tổ chức các hoạt động tập thể, hun đúc dần ở trẻ ý thức tập thể, cộng đồng. Tổ chức các hoạt động nghệ thuật mà trẻ yêu thích như tạo hình, múa hát, đọc thơ, kể chuyện… mang đậm màu sắc của trường tiểu học.

Tuân thủ quy định không dạy chữ trước cho trẻ ở bậc học mầm non, Trường MN Hoa Phượng tập cho trẻ thích ứng với hoạt động học tập. Giáo viên tổ chức các “tiết học” để giúp trẻ hình thành  kỹ năng sử dụng sách vở, bút, cặp… làm quen với những thao tác “đọc và viết”. Qua các tiết học làm quen, trẻ biết cầm sách đúng cách, biết “đọc” từ trên xuống, từ trái sang phải; hướng dẫn trẻ biết sử dụng kí hiệu dạng “tiền chữ viết” để ký tên hay ghi lại bài thơ trẻ thích, hình thành động cơ đi học cho trẻ. Đồng thời, GV giao nhiệm vụ vừa sức, tạo tình huống để trẻ tư duy, biết so sánh, lập luận làm quen với tư duy trong học tập.

Bên cạnh đó, các cô thường nói chuyện với trẻ về môi trường học tập mới với những quy định, quy tắc mà mỗi HS phải thực hiện, những niềm vui có được khi đến trường tiểu học. Ngoài ra, Trường MN Hoa Phượng còn tổ chức cho trẻ tham quan, trải nghiệm tại các trường tiểu học lân cận, nơi mà rất nhiều trẻ sẽ tham gia học tập trong tương lai… Những việc làm đó giúp trẻ khám phá ra nhiều điều mới lạ, xóa tan những bỡ ngỡ, e ngại ban đầu và có một tâm thế thoải mái trước khi vào học lớp Một.

Cô trò Trường Mầm non An Dương (phường An Dương, quận Lê Chân) trong giờ học.
Cô trò Trường Mầm non An Dương (phường An Dương, quận Lê Chân) trong giờ học.

Rèn tư duy và các kỹ năng cần thiết

Cô Mai Thị Thịnh - Hiệu trưởng Trường MN An Dương, huyện An Dương, TP Hải Phòng nhận định: Tại trường mầm non, hoạt động chủ yếu của trẻ là vui chơi. Trẻ hoạt động thoải mái, không bắt buộc, gò bó. Từ hoạt động vui chơi sẽ hình thành ở trẻ những kỹ năng, phẩm chất theo đặc trưng lứa tuổi. Tuy nhiên, khi bước vào lớp Một việc “học” là bắt buộc, được tổ chức chặt chẽ, có mục đích và theo kế hoạch. Mỗi HS phải cố gắng, tự giác và có tinh thần học tập mới có thể đạt được kết quả tốt.

Việc chuẩn bị về mặt tâm lý là cần thiết, quyết định sự thành công hay thất bại, tự tin hay lo sợ ở trẻ khi vào lớp Một. Được chuẩn bị các điều kiện về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội, trẻ sẽ dễ dàng thích ứng với những điều kiện mới của môi trường học tập tiểu học.

Một trong những kỹ năng cần thiết cần trang bị cho trẻ 5 tuổi trước ngưỡng cửa vào tiểu học là sắp xếp bàn ghế, ngồi đúng tư thế, làm quen với các đồ dùng học tập. Trẻ được dạy nhận biết 29 chữ cái, 10 chữ số, kích thước, hình khối dưới các hình thức học vui cùng cô và các bạn, cô Thịnh chia sẻ thêm.

Cô Vũ Thị Thúy Nga - Hiệu trưởng Trường MN An Dương (phường An Dương, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) cho biết: Nhiều cha mẹ cho rằng chuẩn bị cho trẻ từ mẫu giáo vào lớp Một là cho trẻ học trước chương trình như học đọc, học viết và làm toán. Không ít cha mẹ nôn nóng cho con nghỉ học ở lớp mẫu giáo 5 tuổi để đi học chữ, học tính hoặc mời GV lớp Một kèm cặp con học chữ tại nhà. Nắm được tâm lý đó, ngay từ đầu năm học, Trường MN An Dương tuyên truyền với phụ huynh về hệ lụy trong việc dạy chữ trước chương trình lớp Một; định hướng cho đội ngũ giáo viên lớp 5 tuổi cùng các bậc phụ huynh phối hợp trong việc chăm sóc giáo dục trẻ.

Cô Nguyễn Thị Lan Anh - GV lớp 1E, Trường Tiểu học Đại Hợp (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) chia sẻ, chương trình SGK mới có nhiều điểm mới. Để trẻ tự tin vào lớp Một ngoài việc tạo tâm lý, kỹ năng cho các em, thì việc HS nhận diện 29 chữ cái, làm quen với số tự nhiên khi học mầm non là quan trọng. Bởi khi đó học trò bắt nhịp chương trình tốt hơn. Ngoài ra, sự phối hợp giữa phụ huynh với GV trong việc giáo dục con em ở nhà rất cần thiết. Ngay từ buổi học đầu tiên, cô Lan Anh đã hướng dẫn phụ huynh cách sử dụng SGK và thường xuyên liên hệ với cha mẹ học sinh qua các kênh thông tin để trao đổi cách hướng dẫn trẻ đọc, học hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.