GS.TS Nguyễn Minh Hà- Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM cho biết kể từ ngày thành lập (ngày 15/11/2006) đến nay, Tạp chí Khoa học của trường đã không ngừng phát triển.
Từ một tạp chí đa ngành chỉ xuất bản bản in (số tổng hợp) - theo quý, bằng 1 ngôn ngữ tiếng Việt, đến nay đã có 6 tạp chí chuyên ngành, được xuất bản theo tháng bằng 2 ngôn ngữ riêng biệt tiếng Việt và tiếng Anh, ngày càng nâng cao chất lượng và từng bước đạt các chuẩn mực quốc tế.
Tất cả 6 tạp chí chuyên ngành này đều có mặt và có vị trí cao trong Bảng công bố xếp hạng 84 tạp chí khoa học Việt Nam theo chỉ số ảnh hưởng (Impact factor - IF) và chỉ số H-index theo thông lệ quốc tế, trong hơn 400 Tạp chí trong danh mục được tính điểm công trình của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Đến tháng 8/2021, 6 tạp chí này cũng đã được chấp nhận tham gia hệ thống thư mục tạp chí truy cập mở quốc tế DOAJ (Directory of Open Access Journals) và 2 tạp chí trong số này cũng đã được chấp nhận tham gia vào hệ thống trích dẫn ACI (Asean Citation Index) vào cuối tháng 10/2021.
Theo thống kê, tính đến tháng 10/2021, Việt Nam có 25 tạp chí khoa học được chấp nhận vào cơ sở dữ liệu ACI.
Hệ thống trích dẫn Đông Nam Á (Asean Citation Index – ACI) là hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) chung về chỉ số trích dẫn cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á, đưa các công trình nghiên cứu khoa học từ hệ thống trích dẫn quốc gia (National Citation Index-NCI) của các nước thành viên kết nối với các CSDL khoa học uy tín thế giới như: Web of Science, Scopus.
ACI được thành lập năm 2011 là nền tảng CSDL trích dẫn của các công bố khoa học trên các tạp chí học thuật trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài chức năng lưu trữ, tìm kiếm các bài báo và trích dẫn khoa học, ACI giúp phân loại, đánh giá chất lượng các tạp chí khoa học của các nước trong khu vực; tập hợp, hệ thống các công bố khoa học của các nước thành viên Asean nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu ra phạm vi toàn cầu.
Để được đưa vào ACI, tạp chí khoa học phải đáp ứng các tiêu chuẩn tiệm cận các hệ thống trích dẫn uy tín hàng đầu thế giới bao gồm 6 tiêu chuẩn vòng 1 và 9 tiêu chuẩn vòng 2 như: Tính thuyết phục của chính sách biên tập; Hình thức phản biện kín; Tính đa dạng về mặt địa lý của các thành viên ban biên tập; Tính đa dạng về mặt địa lý của các tác giả; Đóng góp học thuật cho lĩnh vực nghiên cứu của tạp chí; Sự rõ ràng trong phần tóm tắt bài báo; Chất lượng và sự phù hợp của bài báo với mục đích và phạm vi nội dung của tạp chí.......