Tạo sự công bằng và rút ngắn khoảng cách trong giáo dục

GD&TĐ - Chiều 12/11, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo “Định hướng mô hình, giải pháp phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) giai đoạn 2018-2028" tại tỉnh Đắk Lắk.

Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet

Ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT dự và chủ trì; tham dự Hội thảo có ông Trần Ngọc Sơn – Vụ trưởng Vụ GD học sinh dân tộc; Ông Nguyễn Trọng Hoàn – Phó Vụ trưởng vụ GD trung học; ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục nhà giáo; ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở GDĐT Đắk Lắk cùng lãnh đạo các Sở GDĐT, lãnh đạo các trường PTDTNT đến từ 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Được hình thành từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX, trường PTDTNT là loại hình trường công lập, chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trường dành cho thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số với mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi. 

TS Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GDĐT phát biểu tại Hội thảo
 TS Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GDĐT phát biểu tại Hội thảo

Đến nay, sau hơn 60 năm trưởng thành, hệ thống trường PTDTNT đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng; hiện nay toàn quốc có 319 trường ở 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 97.157 học sinh nội trú, trong đó cấp tỉnh có 57 trường, cấp huyện có 262 trường, có 40% số trường đạt chuẩn Quốc gia ở các mức độ.

Hệ thống trường PTDTNT đã khẳng định được vai trò to lớn trong việc tạo nguồn cán bộ, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới và hải đảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhu cầu về nguồn cán bộ và nguồn lao động ngày càng có yêu cầu cao, nhất là trong thời kỳ phát triển mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đặc biệt là hệ thống trường PTDTNT cũng cần có sự thay đổi để thích nghi và đáp ứng được yêu cầu đó. 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích về những thành tựu, hạn chế của hệ thống trường PTDTNT hiện nay, đồng thời cho ý kiến đóng góp vào định hướng mô hình và đề xuất giải pháp phát triển trường PTDTNT giai đoạn 2018-2028, với những nội dung trọng tâm: Củng cố và hoàn thiện hệ thống trường PTDTNT; ưu tiên tuyển sinh các dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi; đảm bảo tính công bằng giữa các dân tộc; các mô hình trường PTDTNT mới và giải pháp phát triển. 

Hội thảo đã tiếp nhận 12 ý kiến góp ý trực tiếp và 17 tham luận về các mô hình và giải pháp thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục ở trường PTDTNT.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT ghi nhận và biểu dương tinh thần làm việc hăng say, nghiêm túc của các đại biểu tham dự Hội thảo. Đề nghị lãnh đạo Vụ GD học sinh dân tộc tiếp thu các ý kiến, sáng kiến của đại biểu, nghiên cứu lý luận và thực tiễn để hoàn thiện đề án, trong đó chú ý đến mục tiêu của việc phát triển trường PTDTNT là đảm bảo tính công bằng trong giáo dục giữa các dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam, rút ngắn khoảng cách về trình độ dân trí và chất lượng cuộc sống giữa các vùng, miền trong cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.