Tạo "sóng" đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong đào tạo

GD&TĐ - Để hòa nhịp với thời đại công nghệ phát triển, các trường của Đại học Đà Nẵng đã và đang chuyển đổi một cách mạnh mẽ trong công tác đào tạo, trong đó đẩy mạnh về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nhà trường.

Các mô hình sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng).
Các mô hình sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng).

“Làm mới” phương thức dạy học

Phát triển khoa học công nghệ và sáng tạo khởi nghiệp luôn là vấn đề được các cơ sở giáo dục đào tạo nói chung và các cơ sở giáo dục đào tạo ngành Công nghệ nói riêng quan tâm và đẩy mạnh.

Hàng năm, các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Đại học Đà Nẵng đều tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch, dành nguồn kinh phí thích đáng để đầu tư, thúc đẩy các hoạt động phát triển khoa học công nghệ và sáng tạo khởi nghiệp. Để có được thành tựu, điều đầu tiên chính là đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp học tập đến từ nhà trường.

Ghi nhận tại ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô, Khoa Cơ khí  - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), trong những năm gần đây Khoa Cơ khí đã có những thay đổi trong việc đào tạo và kiểm tra đánh giá năng lực của từng thí sinh.

TS Nguyễn Minh Tiến – Trưởng Bộ môn Công nghệ Kỹ thuật Ô tô, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cho hay, thời gian qua trường đã có những thay đổi trong việc thực hiện đồ án tốt nghiệp cho sinh viên của ngành.

Cụ thể phương pháp kiểm tra tiến độ thực hiện đồ án tốt nghiệp bằng hình thức trình bày poster thay cho cách thuyết trình truyền thống.

Các thầy cô giáo tham quan khu triển lãm và chấm giải poster.
Các thầy cô giáo tham quan khu triển lãm và chấm giải poster.

Theo TS Tiến, ở phương pháp này, nhóm sinh viên thực hiện đề tài phải tổng hợp và trình bày các kết quả quan trọng đã thực hiện được trên khổ giấy A1 một cách khoa học nhất. “Phải đảm bảo đủ nội dung và tính thẩm mỹ cao. Sau đó sinh viên phải trưng bày tại một không gian mở để giảng viên, sinh viên, doanh nghiệp trao đổi, nhận xét đánh giá”, TS Tiến chia sẻ.

TS Tiến cho rằng, thông qua các buổi trình bày trên poster, các sinh viên sẽ cảm thấy tự tin hơn trong thuyết trình. Đồng thời sinh viên có thể trao đổi, học hỏi lẫn nhau về kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm và tiếp nhận nhiều góp ý từ giảng viên, doanh nghiệp để cải thiện đề tài một cách tốt hơn.

Không những vậy, trước xu thế chuyển đổi số ở nhiều ngành nghề, trường đã thành lập Khoa công nghệ số và Viện nghiên cứu sáng tạo khởi nghiệp nhằm để thích ứng, giúp học sinh, sinh viên ra trường có kỹ năng, đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Theo PGS.TS Võ Trung Hùng – Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng, gần như ngành nào cũng liên quan đến công nghệ thông tin, chuyển đổi số nên lực lượng IT luôn được săn đón hằng ngày. Chính vì thế, trường vừa thành lập Khoa Công nghệ số, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, triển khai các dự án nghiên cứu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cách mạng công nghệ…

Còn tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), từ năm học 2018-2019 trường đã có những thay đổi phương pháp đào tạo. Trong đó, trường đã áp dụng cho các ngành học phương pháp dạy học qua dự án.

Đại diện Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, để thích ứng với phương pháp đào tạo theo dự án, sinh viên phải thay đổi thói quen của lớp học truyền thống, khuyến khích sự sáng tạo, khám phá, trình bày, vận dụng lý thuyết sang thực tiễn.

Bên cạnh đó, những giảng viên dạy học theo dự án buộc phải đổi mới cách dạy học mới như: nhận diện các tình huống để đem lại sự thành công cho dự án; tích hợp và khai thác công nghệ số một cách hợp lý… Các dự án thực tế được giảng viên và sinh viên xây dựng hoặc phối hợp với doanh nghiệp.

Ngoài ra, sinh viên cũng có thể đề xuất dự án nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu...

Kết nối của “3 nhà”

Trong năm học 2021-2022, mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thế nhưng phong trào nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) vẫn được quan tâm, đẩy mạnh.

Theo thống kê của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, trong năm học 2021-2022 đã có 500 sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường. Trong đó có 198 sinh viên đạt giải với 59 đề tài có tính ứng dụng cao trong thực tế.

Đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) trao giải cuộc thi thiết kế poster.
Đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) trao giải cuộc thi thiết kế poster.

PGS. TS. Võ Trung Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng cho rằng, nghiên cứu khoa học sinh viên là hoạt động trí tuệ, rèn luyện cho sinh viên khả năng tư duy sáng tạo, là một trong những mục tiêu chiến lược nhà trường nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo và trau dồi cho sinh viên đáp ứng được chuẩn đầu ra.

“Nhà trường luôn quan tâm, đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Việc nghiên cứu khoa học giúp giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, gắn liền với đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hình thành một đội ngũ các nhà khoa học trong tương lai”, PGS.TS Võ Trung Hùng chia sẻ.

Vị đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật cho biết thêm, nhà trường đặc biệt chú trọng liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, trong quá trình đào tạo và tiếp nhận, tuyển dụng sinh viên khi ra trường.

“Vừa qua, nhà trường cũng tổ chức ký hợp tác với nhiều công ty về tuyển dụng lao động, tổ chức các chương trình định hướng nghề nghiệp, chương trình tuyển dụng ngay tại trường hoặc tại các doanh nghiệp trong thời gian sinh viên thực tập. Đã có nhiều sinh viên của trường được nhận vào làm việc chính thức sau thời gian thực tập. Chính vì vậy nhà Trường đã tăng sự kết nối của “3 nhà” là nhà trường – nhà nước – nhà doanh nghiệp, để mang lại hiệu quả cao hơn trong công tác đào tạo sinh viên”, PGS.TS Võ Trung Hùng nhấn mạnh.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác với Công ty CoreTech System tại TP. Hồ Chí Minh.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác với Công ty CoreTech System tại TP. Hồ Chí Minh.

Còn tại trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), nhiều năm qua trường xem việc liên kết với doanh nghiệp là định hướng trọng tâm của trường.

PGS.TS Lê Văn Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết, nhà trường xây dựng chương trình đào tạo theo hướng học đi đôi với hành.

Trong đó, các nhà tuyển dụng tham gia xây dựng, góp ý để chương trình đào tạo ngày càng hoàn chỉnh hơn. Nhiều học phần được các chuyên gia từ các doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp tham gia giảng dạy hoặc chia sẻ kinh nghiệm, giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc với thực tế nhiều hơn.

Theo PGS.TS Lê Văn Huy, nhà trường cũng thường xuyên ký hợp tác với nhiều công ty về tuyển dụng lao động, giới thiệu các việc làm thêm, tổ chức các chương trình định hướng nghề nghiệp, chương trình tuyển dụng ngay tại trường hoặc tại các doanh nghiệp.

Theo Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), sinh viên của trường Đại học Kinh tế sau tốt nghiệp đều được các tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận và đánh giá cao về chất lượng đào tạo.

Qua khảo sát việc làm, có những chuyên ngành đào tạo của trường đạt tỷ lệ 100% sinh viên có việc làm, hầu hết là đạt trên 85% có việc làm đúng ngành đào tạo sau 6 tháng tốt nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ