Tạo ra não người: Không khó!

GD&TĐ - Các nhà khoa học đã phát triển các khối não người trong phòng thí nghiệm. Dưới góc độ khoa học, điều này là hoàn toàn khả thi. Nhưng các quy định đạo đức và pháp luật không cho phép làm như vậy.

Việc tạo ra não người trong phòng thí nghiệm đang gây nhiều tranh cãi giữa khoa học và vấn đề đạo đức.
Việc tạo ra não người trong phòng thí nghiệm đang gây nhiều tranh cãi giữa khoa học và vấn đề đạo đức.

Não người nhân tạo

Theo The Guardian, các nhà nghiên cứu Phòng thí nghiệm Green Neuroscience ở San Diego, California (Mỹ) đã tạo ra não người trong phòng thí nghiệm.

Việc tạo ra những bộ não nhỏ được xem là một trong những lĩnh vực nóng nhất của khoa học thần kinh hiện đại. Các chuỗi tế bào được tạo thành từ các tế bào gốc, kích thước chỉ bằng hạt đậu.

Một vài chuỗi phát triển sóng não tự phát tương tự như ở trẻ sinh non. Tuy nhiên, điều này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, trong đó các nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi về ranh giới vượt qua giới hạn đạo đức khi tạo ra các khối não người trong phòng thí nghiệm.

Do những khó khăn trong việc nghiên cứu não người sống, phiên bản não người thu nhỏ đóng vai trò là một sự phát triển mang tính bước ngoặt.

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Harvard (Mỹ) chỉ ra rằng, các phiên bản não người thu nhỏ có sự đa dạng về mô, từ tế bào thần kinh vỏ não đến tế bào võng mạc. Sau quá trình phát triển khoảng 8 tháng, chúng đã có mạng lưới nơ-ron thần kinh riêng, phản ứng khi bị ánh sáng chiếu vào.

GS.TS Lê Đình Lương, Hội Di truyền học Việt Nam cho biết, về nguyên tắc, hoàn toàn có thể làm được việc này. Đây không phải là một phát hiện mới vì từ lâu, ở những nhóm nhà khoa học ở một số quốc gia đã nung nấu ý định tạo ra não người nhân tạo.

Tuy nhiên, tất cả cho đến giờ chỉ dừng lại ở dạng thí nghiệm và không được phép thực hiện một cách công khai, bài bản vì lý do đạo đức.

Trong tương lai, người ta sẽ còn nghĩ ra nhiều những ý tưởng tương tự nữa, nhưng nó không dựa trên những cơ sở khoa học và công nghệ chắc chắn mang tính khả thi để có thể phân tích, đánh giá.

Não người hay bất cứ thứ gì có thể tạo ra từ trong phòng thí nghiệm, đều chỉ dừng lại từ các nhóm nghiên cứu nhỏ lẻ, không được coi là một công bố khoa học mang tính phát kiến rõ ràng và không được công nhận.

“Để thực hiện nghiên cứu, phải có kinh phí. Không ai biết mục đích nghiên cứu của những nhà khoa học này vì có rất nhiều mục đích khác nhau mà chúng ta không hiểu được. Chỉ có điều đó không phải là công bố kinh ngạc hay phát kiến mà thực ra nó chỉ là một nghiên cứu đơn thuần. Chúng ta không nên nghĩ nó là một công bố đáng kinh ngạc để sử dụng nó như một thông tin giật gân”, GS.TS Lê Đình Lương cho biết.

Cấm thao tác gene trên cơ thể người

Theo GS.TS Lê Đình Lương, người ta có thể tạo ra những bộ não trong phòng thí nghiệm nhưng để thực hiện nó trên cơ thể người là điều bị cấm.

Người ta có thể chỉnh sửa gen, tạo ra những con người không có bệnh tật, chỉ có những ưu điểm như thông minh, khoẻ mạnh, linh hoạt, có khả năng chống chọi với mọi loại bệnh tật, nhưng người ta không làm thế bởi việc chỉnh sửa gene người là việc làm bị cấm ở nhiều nước trên thế giới vì vấn đề đạo đức.

Thậm chí ở Trung Quốc người ta đã từng tạo ra những con khỉ mang não người.

Việc sửa đổi và chuyển gene người là công nghệ dễ dàng sử dụng với từng cá nhân nhà khoa học, không cần đến những thiết bị quy mô cũng như nguồn tài chính lớn. Mặc dù có nhiều kỹ thuật phức tạp và đa dạng liên quan, nhưng nguyên lý cơ bản của thao tác di truyền lại khá đơn giản.

Những phương pháp và công nghệ chủ yếu dùng hằng ngày tại các phòng thí nghiệm di truyền học là tách chiết ADN và các phương pháp lai phân tử, sửa đổi gene bằng enzym, gắn vào vector, phản ứng chuỗi trùng hợp (PCR).

Thực tế thì những vi sinh vật khác nhau có rất nhiều gene chung, chủ yếu là những gene có chức năng chuyển hóa nòng cốt thừa hưởng từ quá khứ. Chúng có nhiều đặc điểm chung như thông tin di truyền đều nằm trong ADN hoặc ARN, mã di truyền chung và có tổ tiên chung.

“Với khoa học, việc chỉnh sửa gene người là việc làm đơn giản. Nhưng thế giới vẫn cấm các thao tác gene trên cơ thể người mà chỉ cho phép thao tác gene để sản xuất thuốc chữa bệnh cho con người.

Về nguyên lý, bất cứ gene nào cũng có thể can thiệp được. Người làm nghiên cứu chuyên sâu nào cũng làm được. Nhưng nếu làm vì mục đích cộng đồng thì không nói, làm vì mục đích xấu thì hậu quả rất khủng khiếp”, GS.TS Lê Đình Lương cho biết.

Theo GS.TS Lê Đình Lương, việc chỉnh sửa gene ngày nay khá đơn giản một phần vì chi phí để giải trình tự gene cho 1 người ở hầu khắp các nước chỉ mất 1.000 USD. Dựa vào giải trình tự gene này, người ta có thể đưa vào phần mềm để đọc gene, sàng lọc gene. Qua đó, có thể biết gene nào mang bệnh, gene nào có nguy cơ mang bệnh từ đó có thể chỉnh sửa dễ dàng.

Tuy nhiên, chỉnh sửa gene còn liên quan đến lĩnh vực mô phôi học, và xác xuất thành công luôn là 50 - 50. Ở Việt Nam, mấy năm gần đây chúng ta có thực hiện là việc sàng lọc gene trước và sau để loại bỏ những gene có thể gây nên những bệnh nan y.

Ngoài ra, việc sàng lọc gene để chữa ung thư cũng đang là một liệu pháp mới đã được triển khai ở Việt Nam được vài tháng. Viện Y sinh Việt Nam – Hoa Kỳ (Nha Trang – Khánh Hòa) nằm trong dự án liên doanh Việt – Mỹ đang triển khai liệu pháp chữa ung thư không theo cách truyền thống.

Theo đó, bệnh nhân sẽ được giải trình tự gene, rồi các gene có khả năng gây ung thư sẽ được rà soát để loại bỏ. Đây cũng là liệu pháp chữa ung thư theo bộ gene của từng người.

Tại đây, các bác sĩ sẽ phân tích bản đồ gene sau xét nghiệm, phát hiện gene lỗi và điều trị sớm. Xét nghiệm tầm soát 20.000 gene giúp cung cấp thông tin quan trọng về các đột biến di truyền làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

Không nên đi ngược lại tạo hoá

GS.TS Lê Đình Lương cho biết, gene được chỉnh sửa ở tế bào trứng và tinh trùng thì sẽ di truyền. Còn gene được chỉnh sửa ở tế bào xoma hay còn gọi là tế bào thân ở người trưởng thành thì không mang tính di truyền.

Phương pháp điều trị ung thư bằng hệ gene chính là tạo ra các loại thuốc uống tác động vào gene để khống chế tế bào ung thư.

Theo GS.TS Lê Đình Lương, thế giới hiện nay còn nhiều tranh cãi về vấn đề cây trồng biến đổi gene. Biến đổi gene có lợi hay có hại, vẫn là vấn đề nan giải. Việc chỉnh sửa gene trên cơ thể người cũng nằm trong lĩnh vực biến đổi gene. Trong khoa học thì không có thứ vừa đúng vừa sai, mà chỉ có đúng hay sai. Trong khi công nghệ biến đổi gene hiện nay vẫn chưa được công nhận là đúng hay sai bởi nó còn tùy thuộc vào từng người, từng mục đích khác nhau, từng thể chế khác nhau.

Nhiều người cho rằng, vậy sao ta không can thiệp vào gene người để con người tránh được bệnh tật, trẻ mãi, thậm chí là tuổi thọ tăng cao nhiều lần?

Theo GS.TS Lê Đình Lương, nếu làm như thế là đi ngược lại tạo hóa. Và không loại trừ việc có những người tạo ra con người với mục đích xấu, sẽ là một sự khủng khiếp với nhân loại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ