Tạo nhân cách từ lời ăn tiếng nói

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Kỹ năng giao tiếp có thể ảnh hưởng đáng kể đến tính cách của trẻ.

Kỹ năng giao tiếp đồng thời giúp trẻ thúc đẩy trao đổi thông tin.
Kỹ năng giao tiếp đồng thời giúp trẻ thúc đẩy trao đổi thông tin.

Lợi ích khi trẻ giao tiếp tốt

Tiến sĩ Maymunah Yusuf Kadiri - bác sĩ thần kinh, Giám đốc y tế tại Pinnacle Medical Services (Mỹ) cho biết, kỹ năng giao tiếp hiệu quả đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với trẻ em cũng như người lớn. Tuy nhiên, đối với trẻ em, tầm quan trọng của những kỹ năng này là vượt trội. Kỹ năng giao tiếp tốt giúp trẻ thể hiện ý tưởng, cảm xúc và suy nghĩ một cách rõ ràng. Đồng thời, tạo điều kiện cho sự hiểu biết rõ ràng và học tập tốt hơn ở trẻ. Đây là một yếu tố quan trọng để trẻ học tập tốt hơn. Bởi, trường là nơi mà việc học tập và trao đổi thông tin có vai trò then chốt.

Kỹ năng giao tiếp đồng thời giúp thúc đẩy trao đổi thông tin. Từ đó, trẻ có thể thường xuyên giao tiếp với những người khác. Đây là một bước cần thiết cho sự phát triển các kỹ năng ở trẻ. Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ phát triển các kỹ năng xã hội. Kỹ năng giao tiếp xã hội rất quan trọng để phát triển các mối quan hệ bền vững về mặt cá nhân và nghề nghiệp.

“Giao tiếp tốt cũng giúp trẻ tăng sự tự tin và lòng tự trọng. Phụ huynh hãy giúp trẻ phát triển phong cách giao tiếp riêng. Bởi, đó là điều quan trọng để tạo dấu ấn trong tương lai. Kỹ năng giao tiếp tốt cũng rất cần thiết trong sự cạnh tranh khốc liệt của thế giới, khi trẻ trở nên độc lập trong tương lai”, bà Maymunah Yusuf Kadiri nhấn mạnh.

Cha mẹ hãy thiết lập những tương tác tích cực với trẻ thường xuyên.

Cha mẹ hãy thiết lập những tương tác tích cực với trẻ thường xuyên.

“Làm chủ” kỹ năng giao tiếp

Theo chuyên gia này, một số kỹ năng giao tiếp cơ bản vô cùng cần thiết với trẻ. Trước hết, trẻ cần biết cách bắt đầu một cuộc trò chuyện với sự nhiệt tình và lịch sự. Trẻ có thể rèn luyện thói quen giao tiếp này bằng cách chào hỏi mọi người trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện. Một nụ cười ấm áp và giọng điệu lịch sự có thể tạo ra bầu không khí phù hợp. Ví dụ, khi trẻ gặp một vị khách, cha mẹ hãy hướng dẫn con mỉm cười và nói: “Xin chào, bạn có khỏe không?” hoặc “Xin chào, đã lâu rồi chúng ta không gặp nhau. Hy vọng cậu ổn!”. Trẻ cũng cần được dạy về tầm quan trọng của giao tiếp không phán xét.

Bên cạnh đó, trẻ cần học cách giao tiếp bằng mắt. Kỹ năng này thể hiện sự tôn trọng và hứng thú của trẻ đối với cuộc trò chuyện. Hành động nhìn đi chỗ khác hoặc ngáp trong khi trò chuyện thể hiện sự không quan tâm. Đó cũng bị coi là cách cư xử tồi.

Để giao tiếp tốt, trẻ cần nói rõ ràng và chú ý lắng nghe. Điều đó sẽ mang lại sự thoải mái cho người nghe. Hành động này cũng cho thấy, người nói tự tin về những gì họ đang nói. Cha mẹ có thể để trẻ tập nói với các thành viên trong gia đình. Nhờ đó, giúp trẻ học kỹ năng thông qua thực hành.

Trẻ cũng cần học cách đồng cảm và chấp nhận sự khác biệt. Hiểu được giá trị của sự đồng cảm là vô cùng quan trọng. Bởi, khi đó, trẻ sẽ biết rằng, mỗi cá nhân đều khác nhau. Do đó, việc có những quan điểm khác nhau là bình thường. Việc biết thừa nhận những khác biệt này có thể giúp phát triển các kỹ năng giao tiếp phù hợp.

“Cha mẹ cũng cần dạy trẻ không bao giờ làm gián đoạn cuộc trò chuyện. Nếu trẻ thường xuyên làm gián đoạn cuộc trò chuyện, đó là dấu hiệu cho thấy khả năng tự điều chỉnh kém. Hãy giúp trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc lắng nghe, bằng cách hướng dẫn con cách thực hành”, bà Maymunah Yusuf Kadiri chia sẻ.

Lắng nghe và phản hồi một cách thích hợp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng kỹ năng giao tiếp. Lắng nghe sẽ giúp thu thập thông tin mà không bị sai sót. Trong khi đó, phản hồi một cách thích hợp sẽ chỉ ra mức độ thông tin được tiếp nhận tốt như thế nào. Bởi, điều quan trọng là giao tiếp có hiệu quả.

Phụ huynh cũng cần hướng dẫn trẻ hoàn thành vòng lặp giao tiếp. Dù chính thức hay không, quá trình giao tiếp cũng phải có sự kết thúc phù hợp. Do đó, cha mẹ hãy dạy trẻ không bao giờ rời đi khi chưa kết thúc cuộc trò chuyện.

“Có thể có nhiều yếu tố khác nhau gây ra các vấn đề về giao tiếp của trẻ. Tuy nhiên, một số lý do cơ bản có thể là trẻ thiếu sự hướng dẫn. Việc học và thực hành các kỹ năng giao tiếp hiệu quả cần phải được “cầm tay chỉ việc”. Trẻ nhỏ chủ yếu học bằng cách nhìn bạn bè và gia đình. Vì vậy, hãy là hình mẫu và giúp trẻ học nghệ thuật giao tiếp”, bà Maymunah Yusuf Kadiri cho biết.

Theo chuyên gia này, kỹ năng ngôn ngữ và diễn thuyết được phát triển tốt nhất khi có sự tương tác thường xuyên với nhau. Vì vậy, cha mẹ hãy thiết lập những tương tác tích cực với trẻ thường xuyên. Đừng quên rằng, trẻ em thường xuyên học tập từ cha mẹ. Vì vậy, điều quan trọng là các thành viên trong gia đình phải giao tiếp đúng mực.

Một yếu tố khiến trẻ có kỹ năng giao tiếp kém có thể là do dành nhiều thời gian sử dụng màn hình. Trẻ em từ 8 - 18 tuổi dành hầu như 7 giờ mỗi ngày trên màn hình. Các chuyên gia coi đó là một trong những nguyên nhân khiến trẻ kém phát triển giao tiếp. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị rối loạn giao tiếp như rối loạn âm thanh hoặc rối loạn giao tiếp xã hội. Đó có thể là một trong những lý do ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của trẻ. Cha mẹ cần chú ý và phát hiện nếu trẻ gặp vấn đề này. Sau đó, hãy nhờ tới sự trợ giúp của chuyên gia và tìm ra gốc rễ của vấn đề.

Một số lý do liên quan khác có thể ảnh hưởng đến kỹ năng giao tiếp của trẻ là các vấn đề về thính giác, nói lắp và nói không rõ ràng. Trong những trường hợp như vậy, phụ huynh cần có sự tư vấn và hướng dẫn từ các chuyên gia.

Theo Momjunction

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ