Tạo môi trường giáo dục an toàn và phòng, chống vi phạm đạo đức nhà giáo

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Khánh Hòa đề nghị Bộ GD&ĐT tăng cường phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên (HSSV); phối hợp với Bộ Công an có biện pháp tăng cường công tác bảo vệ an ninh trật tự trường học; có biện pháp xử lý nghiêm với nhà giáo có hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức như cho ra khỏi ngành, cấm dạy học vĩnh viễn…

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về tăng cường phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong giáo dục đạo đức cho HSSV, Bộ GD&ĐT cho biết: Ngày 30/8/2018, Bộ GD&ĐT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành Chương trình phối hợp số 750/CTr-BGDĐT-TWĐTN.

Chương trình phối hợp phân công trách nhiệm của từng cơ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đoàn viên, HSSV, học viên thông qua các hoạt động Đoàn, Hội, Đội, phong trào thiếu niên và các hoạt động giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Về phối hợp với Bộ Công an có biện pháp tăng cường công tác bảo vệ an ninh trật tự trường học: Bộ GD&ĐT, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT/BCA-BGDĐT hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục.

Tại Hội nghị, Bộ Công an thống nhất tiếp tục phối hợp với Bộ GD&ĐT để phát hiện, giải quyết nhanh, xử lý nghiêm những vấn đề nóng trong trường học; đảm bảo an toàn, an ninh trường học, khu nội trú và những nơi có thể phát sinh các tệ nạn xã hội, phạm pháp liên quan đến HSSV.

Về xử lý nhà giáo có hành vi vi phạm đạo đức: Bộ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực sư phạm cho GV nhằm hạn chế, phòng ngừa những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo. Cụ thể: Ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên (GV), cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục các cấp, trong đó có quy định về phẩm chất đạo đức nhà giáo, tiêu chuẩn về năng lực phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Qua đó tham gia tổ chức, thực hiện các hoạt động phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho HS. Ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo.

Bộ GD&ĐT cũng xây dựng chương trình bồi dưỡng nhà giáo, CBQL giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp; rà soát, hướng dẫn nội dung bồi dưỡng thường xuyên, chú trọng bồi dưỡng đạo đức nhà giáo, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên gắn với chuẩn nghề nghiệp GV, trong đó chú trọng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp. Đưa quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ của nhà giáo vào Luật Giáo dục năm 2019.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống các vi phạm về đạo đức nhà giáo; đồng thời, thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời, không bố trí các GV vi phạm đạo đức nhà giáo đứng lớp, kiên quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ