Bạo hành học sinh - góc nhìn từ Luật Giáo dục

GD&TĐ - Vụ việc cô giáo ở Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TPHCM véo tai, đánh đập nhiều học sinh (HS) trong lớp, bị phụ huynh âm thầm đặt camera ghi lại, gây xôn xao dư luận. Theo quan điểm của Sở GD&ĐT TPHCM, những giáo viên (GV) có hành vi phản giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo, sỉ nhục, đánh đập, bạo hành HS như vậy thì phải cho ra khỏi ngành.

Người thầy cần nắm bắt được tâm lý HS. Ảnh minh họa/ INT
Người thầy cần nắm bắt được tâm lý HS. Ảnh minh họa/ INT

Nguyên nhân vì đâu?

Đầu tiên là số ít GV chưa kiềm chế được bản tính nóng giận cố hữu của bản thân, còn mang nặng tư tưởng, quan điểm giáo dục lỗi thời, cổ hủ “thương cho roi cho vọt” dẫn đến tình trạng ứng xử tình huống sư phạm không phù hợp, phản giáo dục.

Đồng thời, không ít trường hợp chính các em ở lứa tuổi đang phát triển, chưa hoàn thiện về tâm sinh lý, đã có lúc thể hiện thái độ vô lễ, thách thức thầy cô, thậm chí là văng tục chửi thề, vi phạm nghiêm trọng đạo đức HS, làm GV thấy bị tổn thương, ức chế dẫn đến những ứng xử bột phát.

Dù nhìn nhận một cách thỏa đáng, những trường hợp bạo hành HS chỉ là hiện tượng cá biệt, đơn lẻ ở một bộ phận GV, chứ không phải phổ biến trên cả nước, tuy nhiên vấn nạn này cần phải sớm được chấn chỉnh và xóa bỏ khỏi môi trường học đường.

Tiếp theo, nhà trường chưa thật sự định hướng giáo dục với biện pháp hiệu quả giúp các em tuân thủ nội quy, quy định, tu dưỡng rèn luyện ở trong chính môi trường học đường.

Cạnh đó, gia đình cũng chưa thật sâu sát trong việc theo dõi, giám sát, phối hợp giáo dục con em mình, mà quan niệm lệch lạc rằng, hễ HS đến trường là đã “khoán trắng” cho nhà trường, thầy cô.

Ngoài ra, xã hội trong cơ chế thị trường nảy sinh nhiều hình ảnh, biểu hiện tiêu cực, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình nhận thức, phát triển và hoàn thiện nhân cách của HS.

Ảnh cắt từ clip
 Ảnh cắt từ clip

Có còn phù hợp

Hệ lụy từ các vụ bạo hành HS nêu trên là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những GV lâu nay vẫn lệ thuộc quan điểm giáo dục “yêu cho roi cho vọt”; cần phải nhanh chóng thay đổi bởi nó đã không còn phù hợp trong nhà trường hiện nay.

Theo lời trần tình của thầy Q., một GV ở Sóc Trăng, nguyên nhân HS bị thầy đánh là do không thuộc bài, nói chuyện trong lớp... và thầy Q. đã biện minh cho việc làm của mình rằng: “Tôi đánh các em xuất phát tình yêu thương như dạy bảo con cháu trong nhà, dù biết hiện nay không cho phép. Tôi đã gặp phụ huynh và họ cũng đồng ý cách dạy này”. Tương tự, một bộ phận GV còn quan niệm rằng, giáo dục bằng “roi vọt” như thời xưa là thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến HS, là tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Trong quan điểm giáo dục hiện đại, phương cách giáo dục bằng bạo lực chưa bao giờ là tốt nhất. Để bảo đảm kỷ cương, nề nếp trường học, GV có thể sử dụng các biện pháp, hình thức xử phạt như chấm điểm kỷ luật nề nếp, đưa ra tập thể tổ kiểm điểm, báo cho cha mẹ HS biết hành vi của con em mình... còn hành vi đánh đập, xách tai, phạt quỳ, chửi mắng, sỉ nhục, cùng tất cả các hình thức đụng chạm vào thân thể HS trên lớp học, trong môi trường học đường đều không được phép, đều phản giáo dục.

Kể cả chuyện đuổi HS ra khỏi lớp trong giờ học cũng là biện pháp còn nhiều hạn chế, chưa phải tối ưu, vì như vậy sẽ làm cho các em không theo kịp được kiến thức của bài học, ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Hơn nữa, các hình thức bạo hành HS đều không phù hợp với pháp luật và các văn bản hiện hành của ngành Giáo dục.

Luật Giáo dục do Quốc hội ban hành ngày 14/6/2019, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 có nhiều điều luật quy định về môi trường giáo dục: “Nhà nước tạo môi trường giáo dục an toàn” (Điều 13) và quyền của người học là “Được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh” (Điều 83). Về nhiệm vụ nhà giáo (Điều 169), Luật cũng quy định rõ: GV phải nêu gương tốt cho người học, “Gương mẫu thực hiện điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo”, “Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học”. Đặc biệt, “xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể người học” là các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục (Điều 22).

Như vậy, việc GV bạo hành HS không những đã vi phạm đạo đức nhà giáo mà đồng thời còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Giải pháp khắc phục

Rõ ràng, ai cũng thấy, để khắc phục nạn bạo hành HS, giải pháp tiên quyết xuất phát từ chính bản thân nhà giáo. Bên cạnh phương cách giáo dục hàng đầu là noi gương hết sức quan trọng, hai phương diện trọng yếu mà GV cần phải lưu tâm trau dồi, tích lũy chính là kinh nghiệm sư phạm và kiến thức chuyên môn.

Về kinh nghiệm sư phạm, một GV vững vàng phải bảo đảm bên cạnh vốn kiến thức, kỹ năng chuyên môn tốt còn cần có đức tính kiên trì và bình tĩnh trong mọi tình huống. Thầy cô phải học “chữ nhẫn” để ứng xử sư phạm nhanh nhạy, hợp lý, bảo đảm tính giáo dục.

Lứa tuổi học trò thường hiếu động và hay quậy phá, thích thể hiện bản lĩnh của mình, nhất là HS tuổi mới lớn hay muốn khẳng định mình trước bạn bè; nên một hành động, lời nói không phù hợp của thầy cô dễ khiến các em bị tổn thương và càng phá phách nhiều hơn. Thậm chí có em sẽ phản kháng lại, chống đối thầy cô.

Một nhà giáo giỏi, tâm huyết với nghề sẽ biết định hướng và dẫn dắt HS theo hướng tích cực để tiến bộ, chứ không bao giờ dùng bạo lực với HS.

Cho nên, người thầy cần nắm bắt được tâm lý HS. Trong quá trình lên lớp cần xem lại cách giảng dạy của mình đã thực sự lôi cuốn HS hay chưa? Luôn có ý thức “thay đổi bản thân”, linh hoạt thay đổi phương pháp dạy học để HS khỏi nhàm chán.

Trong trường hợp giáo dục HS cá biệt, GV lại càng cần phải rèn luyện thêm tính nhẫn nại và cái tâm chân thành với nghề dạy học.

Lãnh đạo nhà trường cần nâng cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ nhà giáo, thực thi các văn bản quy định về xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, an toàn, phòng chống bạo lực học đường với phương châm chủ yếu là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cùng nhau thảo luận tìm ra lý do và giải pháp khắc phục các nguyên nhân dẫn đến bạo lực.

Về phía nhà trường sư phạm với trách nhiệm đào tạo đội ngũ nhà giáo, vấn nạn bạo hành HS cũng là một vấn đề đặt ra trong quá trình đào tạo sư phạm.

Cần tăng cường hơn nữa nội dung giáo dục cho giáo sinh về đạo đức nhà giáo, hành vi mô phạm, ứng xử tình huống sư phạm và rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại, chuẩn mực ở mọi tình huống trong môi trường giáo dục.

Ngoài ra, việc phối hợp chặt chẽ với gia đình và xã hội chắc chắn sẽ đem đến kết quả nhanh chóng và tốt đẹp hơn trong việc chấm dứt nạn bạo hành học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ