Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/3, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 78.712 tỷ đồng, bằng 8,98% kế hoạch, 9,53% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ năm 2024. Cụ thể, 3 tháng qua, có 13/47 bộ, cơ quan Trung ương và 36/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng giao đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Tuy nhiên, vẫn còn 16 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp chỉ đạt dưới 5%. Đặc biệt, có tới 17 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa giải ngân.
Theo đại diện Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính là do những hạn chế, tồn tại trong cơ chế, chính sách, nhất là các quy định chưa phù hợp trong Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước. Do những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện như sắp xếp lại bộ máy; có dự án dù đã hoàn tất bước chuẩn bị nhưng khi kiểm tra phát hiện không còn hiệu quả, buộc phải dừng triển khai.
Nguyên nhân nữa là do một số địa phương chưa phân bổ được nguồn thu ngân sách đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Vậy nên, một chuyên gia đề nghị làm rõ vì sao cùng một thể chế nhưng có bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt, có bộ ngành và địa phương lại chậm? Có phải là trong tổ chức thực hiện có tâm lý sợ làm sai và khi sợ làm sai nên phải chờ đợi xin ý kiến đã dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện hay không?
Ở góc nhìn rộng hơn, ý kiến khác cho rằng, cần tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế với quan điểm đổi mới tư duy, tầm nhìn, tất cả vì lợi ích của dân tộc, kiên quyết xóa bỏ lợi ích ngành, lợi ích nhóm dưới mọi hình thức. Ưu tiên rà soát toàn diện tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong hình thành, phân bổ và triển khai các dự án.
Trình tự, thủ tục cần đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện; tập trung nguồn lực, linh hoạt trong thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn Nhà nước để cùng thời điểm có thể thực hiện nhiều dự án...
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường như hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên.
Bởi vậy, như yêu cầu đặt ra trong Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ là các bộ, cơ quan, địa phương cần triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh giải ngân, phấn đấu đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Phải lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư, đồng thời xác định rõ vướng mắc, nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án để trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời theo thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền nếu vượt thẩm quyền.
Kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm để bổ sung vốn cho các dự án giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn. Xử lý kịp thời cán bộ yếu kém về năng lực, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân…
Năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nên áp lực giải ngân rất lớn. Và theo tính toán sơ bộ, vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06% nên hiển nhiên chậm giải ngân sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng.
Do đó phải tạo đột phá về cơ chế, trách nhiệm, đồng thời trả lời các câu hỏi mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng đặt ra là tại sao động lực này vẫn ì ạch? Nguyên nhân khách quan, chủ quan nào dẫn đến sự trì trệ này dù nhiều năm nay đã chỉ đạo quyết liệt chưa khắc phục được?