Giải ngân đầu tư công ở TPHCM: Tăng tốc như thế nào?

GD&TĐ - Lãnh đạo TPHCM đang tập trung điều hành để hướng đến mục tiêu giải ngân đầu tư công năm nay ít nhất 80%.

 Dự án Rạch Xuyên Tâm dự kiến sẽ giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng trong năm nay. Ảnh: Q.H
Dự án Rạch Xuyên Tâm dự kiến sẽ giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng trong năm nay. Ảnh: Q.H

Nếu thành phố hoàn thành mục tiêu này, tăng trưởng của thành phố năm nay sẽ đạt 7,17%; còn nếu giải ngân cao hơn, sẽ đạt tăng trưởng cao hơn.

Dồn dập giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước TPHCM, tính đến ngày 24/12, tổng số vốn giải ngân đầu tư công trên địa bàn thành phố đạt khoảng 50.326/79.000 tỷ đồng, ước tính tỷ lệ 63,5%. Như vậy, tính từ ngày 7/12 đến nay, TPHCM đã giải ngân thêm hơn 30% chỉ trong hơn 2 tuần (từ 33% lên 63,5%).

Trong năm 2024, quận Bình Tân được giao kế hoạch vốn cho 57 dự án đầu tư công. Quận đã đăng ký với TPHCM sẽ giải ngân 3.320 tỷ đồng. Tính tới ngày 20/12, quận đã giải ngân được 99,4% tổng số vốn đầu tư công đã cam kết và theo dự kiến, đến hết tháng 12, quận Bình Tân sẽ giải ngân được tới 100,4% kế hoạch vốn.

Ông Vũ Chí Kiên - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho hay, để kịp thời giải ngân vốn, ngay từ đầu, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận đã phối hợp với các phòng ban chuyên môn để thu thập dữ liệu và có phương án tốt nhất cho người dân. Khi các dự án được cấp vốn, Quận ủy chỉ đạo thành lập các tổ công tác theo dõi, đôn đốc để hỗ trợ các dự án này hàng tháng.

“Chúng tôi đã giao chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân đầu tư công hàng tuần, hàng tháng để từ đó có sự giám sát phối hợp kịp thời, chỉ đạo các chủ đầu tư và các phòng ban tham gia giải quyết những vấn đề vướng mắc, khó khăn”, ông Kiên thông tin.

Tương tự, những ngày này, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh (TPHCM) phải làm việc với khối lượng công việc gấp 3 lần bình thường để giải quyết hơn 2.000 hồ sơ chi trả bồi thường cho các hộ dân ảnh hưởng bởi dự án Rạch Xuyên Tâm. Theo kế hoạch, trong quý I/2025, quận Bình Thạnh sẽ giải ngân cho từng hộ để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, kịp triển khai dự án vào cuối tháng 4/2025.

Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh cho hay, trong tháng 11 - 12, quận đã xây dựng phương án tổng bồi thường hỗ trợ tái định cư và lập phương án chi tiết cho 2.077 hộ trên địa bàn 7 phường.

Ngày 20/12 vừa qua, hội đồng bồi thường tái định cư đã trình UBND quận phê duyệt phương án tổng bồi thường với kinh phí 13.221 tỷ đồng và chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư 11.924 tỷ đồng. Hiện, ban đang phối hợp với ban hạ tầng để tiến hành giải ngân tổng vốn đầu tư này.

“Đến nay, theo kế hoạch của UBND quận giao giải ngân trong năm 2024 khoảng 13.000 tỷ đồng, cơ bản chúng tôi đã phê duyệt được phương án tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án là giải ngân 13.000 tỷ đồng, góp phần cho quận và ban hạ tầng giao thông hoàn thành việc giải ngân đầu tư công chung cho thành phố”, ông Quang nói.

Còn tại quận Gò Vấp, nơi có gần 140 trường hợp ảnh hưởng bởi dự án Rạch Xuyên Tâm, theo dự kiến của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận, trong tháng 12 cũng sẽ hoàn tất công tác chi trả bồi thường cho các hộ dân còn lại với tổng số tiền 490 tỷ đồng. Như vậy, nếu cả hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp đảm bảo đúng tiến độ, cuối năm nay, dự án Rạch Xuyên Tâm sẽ giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng.

giai-ngan-dau-tu-cong-o-tphcm-tang-toc-nhu-the-nao-2.jpg
Công nhân tăng tốc làm tuyến đường Vành đai 2. Ảnh: M.Q

Thi công “3 ca, 4 kíp”

Thời gian qua, TPHCM đã tổ chức đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, tập trung tìm cách tháo gỡ các dự án vướng mắc pháp lý để triển khai thực hiện. Theo đó, TPHCM phấn đấu giải ngân đến hết tháng 12 đạt 60.944 tỷ đồng (tỷ lệ 76,9%) và đến hết tháng 1/2025, giải ngân đạt 64.528 tỷ đồng, tỷ lệ 81,4%.

Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đến hết niên độ kế hoạch năm 2024, tức là đến hết tháng 1/2025, UBND TPHCM giao chỉ tiêu cho từng nhóm dự án. Một số dự án trọng điểm khác sẽ thực hiện việc chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân, trong đó có đoạn 1, đoạn 2 của dự án đường Vành đai 2 với khoảng 7.600 tỷ đồng và dự án Bờ Bắc kênh đôi của Quận 8 khoảng 5.400 tỷ đồng.

Đặc biệt, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông sẽ đưa thêm khoảng 12 gói thầu vào hoạt động từ nay đến Tết Nguyên đán 2025. Điều này sẽ giúp tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công có những thay đổi rõ rệt hơn trong thời gian tới.

Trước đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 33 tổ chức hồi đầu tháng 12/2024, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM nhận định, thành phố đã xác định rõ nhiệm vụ của từng sở ngành, đơn vị, còn lại bây giờ là tập trung làm, vướng đến đâu gỡ đến đó.

“Thành phố đã có phân công từng thành viên trong Thường trực UBND phụ trách nhóm dự án, từng đồng chí đang cùng với chủ đầu tư và các bên rà soát và đôn đốc theo tiến độ, kế hoạch đã được chỉ ra. Giải ngân đầu tư công đang được kiểm soát và sẽ đạt được kết quả khả quan. Kết quả giải ngân năm nay cũng sẽ là cơ sở để đánh giá cán bộ”, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định.

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu HĐND TPHCM, lãnh đạo các quận, huyện và các chủ đầu tư cần tiếp tục đẩy mạnh giám sát và thúc đẩy tiến độ các dự án. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến 7 dự án trọng điểm đã lên lịch giải ngân, bao gồm các công trình như Rạch Xuyên Tâm, đường Vành đai 2, cầu Nguyễn Khoái, đường Tân Thới Hiệp, đường Lê Văn Quới, Công viên Văn hóa - Lịch sử TPHCM và Rạch Lồng Đèn.

“Thời gian còn lại của năm 2024 sắp hết, toàn hệ thống chính trị tập trung làm việc với công suất tối đa, tranh thủ từng ngày từng giờ, không có ngày nghỉ. Muốn đạt được các chỉ tiêu đặt ra với giải ngân đầu tư công thì phải chứng minh bằng hành động, chứ không thể bằng lời nói”, ông Nên nhấn mạnh.

Cuối năm 2024, TPHCM dự kiến khánh thành 9 dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Đỉa; cầu Nam Lý; cầu Cây Khô; cầu Ông Bồn; đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (1 nhánh hầm); đường Tân Kỳ - Tân Quý; dự án nâng cấp mở rộng đường Tên Lửa; dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (thông xe 2 nhánh hầm) và dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng với tiểu phẩm Thi hộ lồng ghép tuyên truyền những hậu quả của việc học hộ, thi hộ trong chương trình tọa đàm về chuyên đề Văn hóa học đường với sinh viên thời đại 4.0. Ảnh: NTCC

Học hộ, thi hộ: Nhiều hệ lụy

GD&TĐ - Tìm đến dịch vụ học hộ, thi hộ, nhiều sinh viên/học viên được cam kết có kết quả như ý nhưng sau đó chỉ là sự thất vọng...

Thầy Đặng Khắc Bình (thứ 4 từ phải sang) chụp hình kỷ niệm cùng học trò. Ảnh: NVCC

Vần thơ xanh thầm

GD&TĐ - Khi tôi viết những dòng này thì thầy đang phải vận lộn chiến đấu để chống lại căn bệnh ung thư phổi quái ác.

Những bạn lịch bàn cần mẫn nhắc lịch trình. Ảnh: Bình Thanh

Người bạn nhắc thời gian cần mẫn

GD&TĐ - Mỗi dịp năm cũ chuẩn bị hết và năm mới sắp đến, cơ quan luôn tặng mẹ tôi rất nhiều bạn lịch treo tường, để bàn để sử dụng trong năm mới.