Không còn đơn sắc
Thay đổi diện mạo, không gian và cả định kiến của SV về TV là mục tiêu của nhiều trường đại học hiện nay khi quyết định đầu tư “trái tim” của nhà trường trở nên hiện đại, tiện nghi và thân thiện. Vì vậy, TV nhiều trường đại học giờ không chỉ là những kho sách, kho luận văn, tài liệu nghiên cứu… xưa cũ, mà thay vào đó là những bản mềm tài liệu, các luận văn điện tử…; những kho tư liệu được cập nhật liên tục và tương tác với nhiều TV khác trong nước và trên thế giới.
Với tên gọi TV Truyền cảm hứng (Inspire Library), TV của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TPHCM) không chỉ phá bỏ mọi giới hạn về thời gian, mà còn khai mở gần như tối đa mọi khả năng tư duy, học tập, làm việc của SV- GV khi bố trí hẳn khu vực cho SV học, đọc xuyên đêm và phục vụ 24/7.
Theo TS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TV Truyền cảm hứng được thiết kế bởi chính đội ngũ GV-SV của trường với ý tưởng, phong cách và quan điểm thiết kế độc đáo, mới lạ và duy nhất tại Việt Nam. TV được xây dựng đúng tiêu chuẩn quốc tế với việc tiên phong ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ mới trong quản lý vận hành, quản lý khai thác và quản lý phát triển theo tiêu chuẩn được triển khai tại TV các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, Oxford…
TV Truyền cảm hứng có sức chứa hơn 2.000 người, có thể sử dụng cùng lúc các khu chức năng như: không gian học tập chung, không gian cho các dịch vụ thông tin, khu vực trưng bày tài liệu mới, khu vực sử dụng máy tính, các điểm truy cập nhanh, các trạm in ấn đa chức năng, trạm mượn sách tự động…
TV Truyền cảm hứng còn được trang bị các thiết bị quản lý tự động theo công nghệ RFID gồm: Hệ thống phân loại tài liệu sau khi người đọc trả sách; máy làm sạch, diệt khuẩn cho tài liệu; hệ thống máy mượn – trả sách tự động; cổng an ninh tài liệu; hệ thống kiểm soát ra vào, máy in đa chức năng và nhiều giải pháp công nghệ hàng đầu. Với khoảng 115.000 đầu sách bao gồm bản in và điện tử, ngoài ra còn có hàng trăm triệu tài nguyên thông tin điện tử về học thuật và nghiên cứu toàn cầu và khu vực mà SV có thể truy vấn mọi lúc.
SV Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang đọc sách, nghiên cứu tại thư viện trường |
Cũng có không gian mới mẻ, tiệm cận mọi giác quan của SV bằng sự cuốn hút đáng kể là TV của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và ĐH RMIT Việt Nam (TPHCM). TV của hai trường đại học trên cũng được thiết kế theo không gian mở tối đa, với phương châm phục vụ SV-GV, một cách tốt nhất. Không gian phối màu đầy trẻ trung, các góc học tập, đọc sách, nghiên cứu, thư giãn… đều được thiết kế theo mảng miếng với mô thức vừa học vừa thư giãn bên cạnh nguồn học liệu dồi dào, phong phú đã khiến sức hút của “trái tim” hai trường trên luôn là điểm đến của GV-SV sau mỗi giờ xuống giảng đường.
Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, với kỷ nguyên số như hiện nay việc đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống TV là điều không thể không làm. Bởi TV không chỉ là nơi để SV tìm kiếm nguồn học liệu, vấn đề quan trọng là từ không gian khai mở hiện đại đầy tính ứng dụng ấy SV sẽ tự xây dựng cho mình tinh thần tự học, tự nghiên cứu và đào sâu nhiều ý tưởng.
Trên tinh thần ấy, nhà trường đã đầu tư 50 tỉ để xây dựng TV hiện đại, đạt chuẩn có 11.000 đầu sách với gần 50.000 bản, gồm đầy đủ các loại sách, giáo trình, tài liệu tham khảo tiếng Việt và tiếng nước ngoài, sách tra cứu, khóa luận tốt nghiệp, luận văn… của 54 chuyên ngành thuộc 5 khối ngành đào tạo của trường.
Thúc đẩy văn hóa đọc, nghiên cứu nơi SV
Điều dễ nhận thấy tại các TV đầy sắc màu, hiện đại và có không gian mở tại các trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH RMIT Việt Nam, ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM), HUTECH hay ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chính là ở tính tiện ích và sự thoải mái bao phủ khắp không gian.
SV không chỉ chủ động lựa chọn phương thức đọc, mượn tài liệu, nghiên cứu trực tiếp hay làm việc theo nhóm ngay tại không gian xưa nay tưởng chừng chỉ làm nhiệm vụ một kho dự liệu. Bởi gần như 100% các TV mới được các trường đầu tư đều có kết nối kho tài liệu với nhiều TV lớn trên cả nước và thậm chí trên thế giới và đều được quản lý đồng bộ.
Sự đầu tư mạnh mẽ vào TV của nhiều trường đại học hiện nay không chỉ đem đến điều kiện học tập hiện đại cho SV, mà quan trọng là qua đó truyền cảm hứng cho SV-GV phát huy tính sáng tạo. Đã đưa vào hoạt động khá lâu, đến nay TV Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) vẫn còn tạo cảm giác mới lạ, thích thú đối với SV vì tính tiện ích. TV trên 1.000m² được quản lý bằng hệ thống tự động hóa 100% với hơn 24.000 bản tài liệu in; 16.000 tựa tạp chí khoa học điện tử; 2.000 bản luận văn trực tuyến và nhiều cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín… SV chỉ cần tra cứu, tìm kiếm là có thể có hàng ngàn trang tài liệu mong muốn cho mình.
TV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM không chỉ có khu đọc sách, phòng học nhóm, phòng hướng dẫn thực tập và phòng dành cho câu lạc bộ tiếng Anh…, nơi đây còn có khu thư giãn kết hợp nghỉ ngơi trang bị tivi, salon, võng xếp và ghế massage.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng- Hiệu trưởng nhà trường, nhận xét: “Học thuật bao giờ cũng cần sự tìm tòi và chủ động. Đặc biệt là với SV đại học. Việc có một TV hiện đại với nhiều nguồn học liệu nghiên cứu, có không gian mở và được chăm chút chắc chắn sẽ giúp tinh thần tự học của SV nâng cao. Các em sẽ thoải mái hơn trong học tập, nghiên cứu, thảo luận trong không gian giảng đường thứ hai của riêng mình. Điều đó có giá trị rất lớn, bởi từ chính những không gian ấy không ít ý tưởng xuất sắc nảy sinh”.
Đồng tình với những tương tác và lợi ích mà một TV hiện đại mang lại cho SV, cô Clare O’Dwyer - Trưởng Thư viện và Phòng Hỗ trợ học thuật sinh viên ĐH RMIT Việt Nam tin rằng: Việc các trường ĐH đang dần thay thế sách giáo khoa bản giấy sang điện tử tại các TV hiện đại giúp SV sớm thích ứng nhiều kỹ năng để chuẩn bị cho tương lai. Việc sử dụng thành thạo các ứng dụng, tương tác tìm kiếm nguồn học liệu theo định dạng kiểu tài liệu kỹ thuật số không chỉ giúp SV Việt Nam đa dạng hóa nguồn tư liệu, mặt khác tránh sự cồng kềnh trong lưu trữ tư liệu cho các Khoa trong trường.