Tới dự Hội thảo có GS.TSKH Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ VHTTDL; bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT; bà Vũ Dương Thúy Ngà – Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thư viện – Bộ VHTTDL.
Hội thảo nhằm đánh giá, xác định các cơ hội, thách thức và những yêu cầu thực tế đang đặt ra đối với thư viện đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) ở Việt Nam. Từ đó xây dựng được những phương hướng, giải pháp cụ thể nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện ĐH và CĐ trong thời gian tới.
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo cho biết: Trong những năm gần đây, một số thư viện ĐH đã xây được trụ sở mới, khang trang hiện đại: Thư viện Học Viện cảnh sát nhân dân, Thư viện ĐH Y Dược Huế, Thư viện ĐH An Giang...
Một số thư viện ĐH được trang bị các thiết bị tự động hóa, triển khai mượn trả tự động: Thư viện ĐH Nha Trang, thư viện ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên... Trung tâm học liệu Cần Thơ còn được trang bị các trang thiết bị phục vị cho nhu cầu hội nghị, nghiên cứu và giảng dạy đặc biệt là giảng dạy từ xa như máy chiếu, máy quay phim, máy tính xách tay và hệ thống video conference.
Nhiều trường đã xây dựng được nguồn học liệu phong phú, bao gồm: sách giáo khoa, giáo trình, các tài liệu tham khảo, các luận án, luận văn, công trình nghiên cứu... về các lĩnh vực tri thức và các ngành trong chương trình đào tạo của nhà trường thư viện ĐH đã cung cấp cho sinh viên, người học và nghiên cứu sinh nhưng phương tiện để thực hiện việc học và nghiên cứu. Bằng hoạt động thực tế, thư viên sẽ tham góp vào làm thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập ở trường ĐH, CĐ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại Hội thảo |
Mặc dù đã có quy định của Bộ GD&ĐT về thư viện, một yếu tố không thể thiếu trong các cơ sở giáo dục ĐH; trong quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường ĐH, thư viện là một tiêu chí và Bộ VHTTDL đã ban hành quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động thư viện ĐH nhưng những quy định chưa đưa ra các tiêu chuẩn và định mức cụ thế nên việc thực hiện cũng còn có những khó khăn, có không ít trường thực hiện mang tính đối phó.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ VHTTDL - chia sẻ: Vừa qua chúng tôi theo dõi các thư viện đã trang bị tương đối khá tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu, công tác quan lý tốt như các trường: ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thư viện trường học nghèo nàn về nhiều mặt. Vì vậy, Hội thảo ngày hôm nay nên đưa ra những ý kiến, kiến nghị làm như thế nào để thư viện thực sự là nơi phục vụ tốt nhất cho người học và nghiên cứu khoa học. Đây là công việc mà Bộ VHTTDL và Bộ GD&ĐT phải bàn để tìm ra giải pháp để làm như thế nào cho thư viện thật sự là nơi cung cấp học liệu cho người học và người học tìm đến ngày càng đông hơn.
Cùng chia sẻ quan điểm, ông Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - cho biết: Ngoài một số trường đầu tư, quan tâm cho thư viện và đã có những phát triển tiến bộ: Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các thư viện đại học và cao đẳng (ĐH, CĐ) tiếp tục được hiện đại hóa.
Theo số liệu điều tra có 12 thư viện có diện tích trên 5000 m2; Thư viện Tạ Quang Bửu – ĐH Bách Khoa Hà Nội có diện tích rộng nhất: 18.000 m2 sử dụng. Số lượng máy tính trong các thư viện cũng không ngừng phát triển; Trung tâm học liệu ĐH Cần Thơ hiện đang dẫn đầu về số lượng với 522 máy tính được nối mạng internet, ưng dụng triệt để công nghệ thông tin và các quy trình quản lý, hoạt động nghiệp vụ và phục vụ độc giả. Có 7 thư viện trong số các thư viện cung cấp thông tin có số lượng máy tính từ 200 máy trở lên.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn không ít thư viện còn chưa xây dựng trụ sở khang trang, thư viện được đặt trong phòng như kho chứa, vốn tài liệu còn nghèo, giáo trình, tài liệu tham khảo chưa đáp ứng yêu cầy cả về số lượng và chất lượng. Cũng còn tình trạng do thiếu nhân lực, một người kiêm nhiệm nhiều công việc nên hiệu quả phục vụ người đọc chưa cao.
Cũng còn một số cán bộ thư viện thụ động, chưa thật nhiệt tình với công việc, trình độ công tác chưa chuẩn.... Đây là những thiếu sót còn tồn tại. Đề nghị các trường quan tâm đầu tư tốt nhất cho thư viện trường mình.
Để hoạt động của thư viện học liệu ngày một phong phú, thu hút nhiều người học, mỗi một trường cần phát triển thư viện điện tử. Để làm tốt việc này mỗi trường cần đầu tư 1 cơ sở dữ liệu để nhiều người có thể cập nhật thường xuyên như ĐH Đà Nẵng. Đồng thời mỗi trường khi đã có dữ liệu học điện tử thì cần chia sẻ những dữ liệu đó với các thư viện trường bạn và ngược lại. Đây là điều khó nhưng chúng ta có thể làm được.
Rất mong có sự liên kết chặt chẽ giữa các trường để cùng chia sẻ những tài nguyên học liệu để các thư viện luôn phong phú về nguồn học liệu, góp phần nâng cao, phát triển chất lượng đào tạo.