(GD&TĐ) - Ngày 16/9, tại Hà Nội Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị báo cáo tiến độ Chương trình phát triển GD Trung học kỳ 2, năm 2011 khoản vay Ngân hàng ADB 2582/2583, do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì. Tham dự Hội nghị này còn có bà Eiko Izawa, chuyên gia GD cao cấp của ADB; ông Trần Tiến Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo- Văn xã, Văn Phòng Chính phủ Việt Nam; các Vụ, Cục chức năng của Bộ GD-ĐT; đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…vv.
Chương trình phát triển GD Trung học là chương trình phát triển ngành đầu tiên trong lĩnh vực GD của Việt Nam, bao gồm chương trình cải cách chính sách kèm theo một Dự án vay nhằm giải quyết 3 hạn chế then chốt: Năng lực quản lý ngành và trách nhiệm giải trình; Chất lượng và tính phù hợp; Tiếp cận và công bằng.
Tiến triển cụ thể trong Dự án đầu tư gồm 4 đầu ra: Thiết lập cơ chế quản lý GD Trung học hiệu quả và có tính trách nhiệm; Cải thiện chất lượng cạnh tranh quốc tế; Tăng cường tiếp cận và bình đẳng GD cho những nhóm khó khăn; Hỗ trợ giám sát và thực hiện chương trình.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì Hội nghị |
Tổng giá trị khoản vay ADB dành cho Chương trình là 60 triệu USD, thực hiện trong thời gian từ năm 2010-2015, tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc, với 62 trường chuyên, 41 trường THPT, 32 trường THCS đạt chuẩn quốc gia, 6 trường thực hành sư phạm; 60 trường có GD hòa nhập, 17 TT GDTX và 61 trường THCS có 3,500 HS nghèo được hưởng chế độ học bổng. Mục tiêu của Dự án là sẽ đạt được tỉ lệ giải ngân lũy kế 30% trên số vốn vay ròng vào đợt đánh giá tiếp theo, quý 2/2012.
GĐ Chương trình, ông Nguyễn Hải Châu cho biết: Trong 3 ngày từ 8-10/9/2011, phái đoàn đánh giá và nhóm chuyên gia tư vấn đã tổ chức chuyến công tác thực tế tại tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Trường THPT Lê Quý Đôn, Đà Nẵng là một trong 5 trường THPT hàng đầu của Việt Nam, nhận đầu tư của cả địa phương và Dự án. Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ các trường chuyên thông qua việc cung cấp tài liệu hướng dẫn phục vụ dạy Ngoại ngữ và trang bị thiết bị cho phòng thí nghiệm. Sau khi khảo sát thực tế, Dự án đã chọn đầu tư thiết bị phòng thí nghiệm cho nhà trường, xây dựng hướng tiếp cận theo cụm, trong đó Trường Lê Quý Đôn giữ vai trò trung tâm cho các trường vệ tinh, và là một cơ chế để tăng cường toàn bộ hệ thống THPT ở Đà Nẵng.
Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi thuộc khu vực dân tộc thiểu số và là một trong những vùng khó khăn nhất huyện. Nhà trường đã chọn được 100/tổng số 320 HS tham gia chương trình, trong đó, việc mua SGK và tài liệu tham khảo cho HS là ưu tiên hàng đầu. Kể từ năm học này, Chương trình sẽ cấp học bổng cho HS vùng khó khăn. Tuy nhiên, ông Hải Châu cũng chia sẻ: Việc đưa GV đi đào tạo nước ngoài khó khăn nhất là thiếu ứng cử viên, bởi nhiều người chưa đạt yêu cầu của Dự án đưa đi đào tạo ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Hải Châu, GĐ Dự án báo cáo kết quả |
Về vấn đề này, bà Tú Anh, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bày tỏ: Thứ nhất, Chương trình thiếu GV đưa đi đào tạo nước ngoài, rào cản lớn nhất đó là ngoại ngữ. ADB nên dành một phần kinh phí giúp đào tạo bồi dưỡng ngay trong nước những GV chọn đi bồi dưỡng nước ngoài để họ có thể đạt chuẩn ngoại ngữ. Thứ hai, cũng có thể thuê các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam giúp đào tạo tại chỗ. Cách làm này vừa tiết kiệm kinh phí lại có thêm nhiều GV đạt chuẩn.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển kết luận: Kế hoạch tập huấn đưa GV tiếng Anh các trường CĐSP và ĐHSP tại nước ngoài cần đảm bảo số lượng và chất lượng thông qua đào tạo, cũng có thể mời các chuyên gia nước ngoài về tập huấn cho GV trong nước để từ đó nhân rộng cả về số lượng.
Việt Hoa