Tạo điều kiện để người dân ở Sóc Trăng vươn lên thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Qua 20 năm, tỉnh Sóc Trăng đã bàn giao trên 12.000 căn nhà Đại đoàn kết cho gia đình chính sách, gia đình khó khăn về nhà ở.

Tỉnh đoàn Sóc Trăng bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ gia đình khó khăn huyện Trần Đề. Ảnh: Y. Thi.
Tỉnh đoàn Sóc Trăng bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ gia đình khó khăn huyện Trần Đề. Ảnh: Y. Thi.

Những ngôi nhà nghĩa tình tặng hộ gia đình khó khăn

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, giai đoạn 2003 - 2023.

Những năm qua, ngày hội đã phát huy và giữ gìn những giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc, góp phần củng cố tình làng nghĩa xóm, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ đó, vai trò và vị trí của MTTQ được đề cao.

Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, xã hội rộng rãi, là nét đẹp văn hoá và là ngày vui trong cộng đồng dân cư.

Hằng năm, có 775/775 khu dân cư tổ chức Ngày hội, thu hút trên 150 nghìn lượt người tham dự.

Từ đó đã phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần đoàn kết và phát huy truyền thống, bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, vận động, động viên nhân dân tích cực chung sức, đồng lòng, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ông Nguyễn Hùng Cao, Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cho biết: “Với vai trò của Mặt trận xã, chúng tôi đã phối hợp với UBND cùng cấp, với các tổ chức thành viên cùng tuyên truyền, vận động bà con trong việc thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo.

MTTQ xã phối hợp với các tổ chức thành viên để tranh thủ các nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội của huyện hỗ trợ cho hộ nghèo, đúng đối tượng, đúng mục đích. Với mục đích là được tiếp cận nguồn vốn để làm sao cải thiện cuộc sống, giúp người dân vươn lên thoát nghèo”.

Đặc biệt trong xây dựng Nông thôn mới, MTTQ các cấp trong tỉnh Sóc Trăng đã vận động nhân dân hiến đất, xây cầu, làm đường, trường học, trồng cây xanh, vệ sinh môi trường, phát quang các tuyến đường và đóng góp ngày công lao động... tổng trị giá 250 tỉ đồng.

Ngoài ra, từ các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nhau về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, giảm nghèo…

Nhân dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, đã biểu dương khen thưởng gần 20 nghìn hộ gia đình và trên 129 nghìn cá nhân tiêu biểu; tặng hơn 200 nghìn suất quà, trị giá trên 82 tỉ đồng cho các hộ nghèo, học sinh nghèo, gia đình chính sách; vận động xây dựng mới và sửa chữa trên 500 cây cầu giao thông nông thôn, trị giá 35 tỉ đồng, tổ chức khởi công và bàn giao trên 12.000 căn nhà Đại đoàn kết trong dịp tổ chức Ngày hội, trị giá trên 480 tỉ đồng.

Tỉnh Sóc Trăng đã tặng bằng khen của UBND tỉnh, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho nhiều tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Công an tỉnh Sóc Trăng bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: A. Tuấn)
Công an tỉnh Sóc Trăng bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: A. Tuấn)

Kinh tế - xã hội khởi sắc

Hơn 20 năm qua, kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022 đạt hơn 7,7%; bình quân thu nhập đầu người đạt 54,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm chỉ còn 4,54%.

Hàng năm có trên 93% hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; trên 98% ấp, khóm được công nhận đạt danh hiệu ấp, khóm văn hóa...

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong 20 năm qua của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các tập thể, cá nhân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong việc hưởng ứng, tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đề nghị, thời gian tới, các Cấp ủy, Chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi nhân dân; tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình an sinh xã hội.

Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, ủng hộ các dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của chuyển đổi số.

Vận động người dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân, nhất là tình hình tư tưởng, kết quả thực hiện các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo để kịp thời phản ánh với chính quyền quan tâm chỉ đạo, giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Tiếp tục vận động, huy động các nguồn lực từ cộng đồng để chăm lo giúp đỡ cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ