Cải thiện dinh dưỡng trong Chương trình giảm nghèo bền vững

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ Y tế được giao chủ trì thực hiện Tiểu dự án 2 - Cải thiện dinh dưỡng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Bộ Y tế tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ Y tế tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Vừa qua, Bộ Y tế tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021 - 2025 chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo nhiệm vụ được phân công về nội dung lĩnh vực y tế được giao tại các Quyết định của Thủ tướng phê duyệt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Y tế được giao Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Cụ thể, Bộ Y tế được giao chủ trì thực hiện Tiểu dự án 2- Cải thiện dinh dưỡng thuộc Dự án 3- Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng được giao hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, ngay sau khi các chương trình được phê duyệt, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG (Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình 1719; Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình 1719; Thông tư số 01/2022/TT-UBDT ngày 26/5/2022 của Ủy ban Dân tộc quy định quy trình giám sát, đánh giá thực hiện chương trình 1719...).

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Bộ Y tế đồng thời xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện tiểu dự án, dự án thuộc lĩnh vực y tế được phân công.“Trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và các Bộ, cơ quan Trung ương đã rất quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ của các chương trình", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau (kinh phí giao muộn, xây dựng cơ chế chính sách, mục tiêu chỉ tiêu nhiều, nhân lực thực hiện tại các tuyến còn hạn chế...) nên kết quả đạt được còn hạn chế cả về mục tiêu, chỉ tiêu chuyên môn và tỷ lệ giải ngân.

Báo cáo tóm tắt kết 3 năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 (nội dung liên quan thuộc lĩnh vực y tế), PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính cho biết, sau 2 năm triển khai thực hiện, đã đạt kết quả thực hiện tiêu chí/chỉ tiêu. Cụ thể, tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 90,85% năm 2020 lên 92,03% năm 2022. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế tăng từ 91,0% năm 2020 lên 96% năm 2022. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) giảm từ 19,5% năm 2020 xuống 19,2% năm 2022...Tiếp tục xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện…

Trước đó, Bộ Y tế đã ra quyết định ban hành kế hoạch hoạt động tổng thể của bộ y tế thực hiện “cải thiện dinh dưỡng” trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ Y tế đưa ra mục tiêu chung cho kế hoạch là: Quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật địa phương nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và trẻ em sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Theo đó, chương trình đề ra các mục tiêu cụ thể như: Rà soát, xây dựng, cập nhật, ban hành các hướng dẫn chuyên môn cụ thể về cải thiện dinh dưỡng nhằm giúp địa phương triển khai thực hiện Chương trình đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu, hiệu quả và chất lượng; Nâng cao năng lực cho các địa phương thực hiện được các can thiệp trực tiếp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, phụ nữ tuổi sinh đẻ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại các xã thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển, hải đảo;

Nâng cao năng lực tổ chức bữa ăn học đường đảm bảo chất lượng và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ học đường (từ 5 đến dưới 16 tuổi) tại các xã thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển, hải đảo; Tăng cường công tác thông tin, truyền thông và tư vấn cho phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con nhỏ, người chăm sóc trẻ về lợi ích của việc chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em 0 - 16 tuổi.

Cùng với đó, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, nhân viên y tế thôn bản; tăng cường nguồn lực và vai trò phối hợp liên ngành về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng phụ nữ, trẻ em 0 - 16 tuổi; Tăng cường công tác theo dõi, giám sát, khảo sát, đánh giá và báo cáo nhằm nội dung cải thiện dinh dưỡng thực hiện đúng mục tiêu, kế hoạch, đảm bảo tiến độ và hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ